00:00 Số lượt truy cập: 2672878

Bệnh viêm màng phổi truyền nhiễm ở bò 

Được đăng : 03/11/2016

1. Phân bố

Bệnh viêm màng phổi và phổi truyền nhiễm (CBP) ở bò đã được phát hiện ở nhiều nước châu Phi, Bắc Mỹ, châu Âu, một số nước châu Á và Ôxtrâylia.

Ở Việt Nam, bệnh chưa được nghiên cứu. Tuy nhiên, năm 2001, một số bò sữa Holstein Friesian nhập từ Ôxtrâylia bị bệnh đường hô hấp và chết, bước đầu đã quan sát thấy các biểu hiện lâm sàng và bệnh tích của bệnh viêm màng phổi truyền nhiễm.


2. Nguyên nhân bệnh

Bệnh viêm màng phổi truyền nhiễm ở bò gây ra do Mycoplasma mycoides. Đây là một vi khuẩn thuộc giống Mycoplasma, họ Mycoplasmataceae đa hình thái, có dạng từ cầu trực khuẩn, đường kính 0,3-0,8mm đến dạng phân nhánh dài 150mm. Đường kính của đơn vị tái sinh nhỏ nhất có đường kính 300nm. Genome là ADN hai sợi có cấu tạo vòng khép kín điển hình của vi khuẩn. Mầm bệnh rất mẫn cảm với nóng khô và các chất khử trùng thông thường: Axit Phenic 2%, Formalin 2%, Cresyl 2%, nước vôi 10%, Iodin 1%...

3. Triệu chứng bệnh

Bò có thời gian ủ bệnh tương đối dài, 3-6 tháng. Trong các trường hợp con vật bị bệnh nặng do mầm bệnh có độc lực mạnh, thời gian ủ bệnh ngắn, 10-12 ngày.

Sau thời gian ủ bệnh, bò sốt cao 40-41,50C; giảm hoặc ngừng nhai lại; ho dữ dội khi vận động. Các biểu hiện lâm sàng khác là: lưng uốn cong khi thở, nhịp thở nhanh; chảy nhiều dịch mũi và nước mắt; tiếng thở khò khè; khi kiểm tra có thể thấy tiếng ran đục ở phần lớn vùng phổi. Bò bị bệnh thường ở thể mãn tính kéo dài với triệu chứng ho, thở khó dai dẳng, làm cho con vật bị bệnh gầy yếu dần. Khi thời tiết thay đổi, bệnh ở súc vật sẽ trở nên trầm trọng, xuất hiện trạng thái suy hô hấp và kiệt sức.

4. Bệnh tích

Khi mổ khám súc vật bị bệnh thấy: màng phổi bị viêm tăng sinh dày lên, có nhiều sợi huyết làm dính màng phổi vào lồng ngực ở một bên hoặc cả hai bên phổi. Giữa màng phổi và xoang ngực có chứa nhiều dịch vàng; các thuỳ phổi xuất hiện có đốm màu xám đến màu đỏ giống như gan động vật mà người ta quen gọi là "nhục hoá", làm cho các phế nang mất tính đàn hồi. Trong một số trường hợp con vật bị bệnh mãn tính, khi thời gian bị bệnh kéo dài, người ta còn thấy có một số vùng phổi bị hoại tử có vỏ bọc xung quanh hình thành các nang trong chứa dịch.

5. Dịch tễ học

- Bò ở các lứa tuổi đều bị bệnh, nhưng thường thấy ở bò từ một năm tuổi trở lên. Bò sữa bị bệnh nặng hơn các giống bò thịt.

- Mầm bệnh Mycoplasma mycoides lây truyền qua đường hô hấp, do bò khoẻ hít phải mầm bệnh trong không khí bị ô nhiễm.

- Bệnh có thể lây nhiễm quanh năm trong đàn bò, nhưng thường thấy bò bị bệnh xuất hiện nhiều vào các tháng lạnh ẩm từ mùa thu đến mùa đông.

- Điều kiện vệ sinh ở cơ sở chăn nuôi bò kém, thiếu ánh sáng, ẩm ướt cũng làm cho bò bị nhiễm mầm bệnh và phát bệnh tăng lên.

6. Chẩn đoán bệnh

- Chẩn đoán lâm sàng:

Bò bệnh bị viêm đường hô hấp kéo dài với các dấu hiệu: thở khó, ho nặng khi vận động, gầy yếu, suy nhược; mổ khám bò bị bệnh có hiện tượng nhục hoá các thùy phổi và dính màng phổi... là dấu hiệu giúp cho chẩn đoán bệnh tại các cơ sở nuôi bò tập trung.

Một số trường hợp, bệnh viêm màng phổi, có phối hợp với bệnh tụ huyết trùng, sẽ thấy hiện tượng tụ huyết và xuất huyết trong tổ chức phế nang và màng phổi.

- Chẩn đoán vi sinh vật:

Lấy bệnh phẩm từ bệnh tích ở phổi dịch màng phổi, hạch phổi, dịch xuất tiết từ phổi... nuôi cấy trên các môi trường đặc biệt có thể phân lập được mầm bệnh Myoplasma mycoides.

Các bệnh phẩm lấy từ phổi, lách, não, tuỷ, gan và thận bảo quản trong Formalin có thể giúp cho việc kiểm tra bệnh tích vi thể bằng cách cắt lát và nhuộm mầu (nhuộm Eosin).

- Chẩn đoán miễn dịch

Các phản ứng huyết thanh được ứng dụng để chẩn đoán bệnh gồm: phản ứng kết hợp bổ thể (CFT), phản ứng ngưng kết (SAT), phương pháp huỳnh quang gián tiếp (IFAT) đều cho hiệu quả và độ chính xác cao.

7. Điều trị bệnh

Phác đồ 1:

- Thuốc điều trị: Tiamulin: dùng liều 1ml/12 - 14kgthể trọng/ngày, phối hợp với Kanamycin: dùng liều 20mg/kg thể trọng/ngày; thuốc tiêm bắp liên tục 5-6 ngày.

- Thuốc chữa triệu chứng: Ephedrin: dùng liều 1ml/20 kg thể trọng/ngày để giảm các cơn ho thở.

- Thuốc trợ sức: Tiêm cafein, vitamin B1, vitamin C.

Phác đồ 2:

- Thuốc điều trị: Septiofur (Hanceft, RTD Septicus, Navet-cel) dùng liều 1 ml/15kg thể trọng; tiêm dưới da 3 ngày.

- Thuốc chữa triệu chứng: như Phác đồ 1.

- Hộ lý: như Phác đồ 1.

Phác đồ 3:

- Thuốc điều trị: Oxytetracyclin (Hamoxyclin LA, RTD Oxytetragetin) dùng liều tiêm 1 ml/15kg thể trọng, tiêm 3 ngày/lần.

- Thuốc trợ sức: như Phác đồ 1.

- Hộ lý: như Phác đồ 1.

Tuy nhiên, các biện pháp điều trị cho hiệu quả chưa cao. Việc điều trị lại kéo dài, không những tốn nhiều tiền thuốc, không đem lại hiệu quả kinh tế mà còn làm cho súc vật bị bệnh thải mầm bệnh gây ô nhiễm môi trường, lây lan bệnh trong đàn bò.

Do vậy, người ta thường loại thải bò bị bệnh khi phát hiện dương tính bằng phản ứng huyết thanh miễn dịch.

8. Phòng bệnh

Hiện nay, một số vắcxin vô hoạt đã được chế tạo sử dụng phòng bệnh cho bò, nhưng hiệu giá bảo hộ chưa cao nên chưa được sử dụng rộng trong sản xuất.

Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là thực hiện nghiêm ngặt vệ sinh thú y: chống ô nhiễm chuồng trại và môi trường chăn nuôi, kết hợp nuôi dưỡng chăm sóc tốt đàn bò, nâng cao sức đề kháng với bệnh. Khi xuất nhập bò phải thực hiện kiểm dịch chặt chẽ bảo đảm không nhập bò bị bệnh vào đàn bò khỏe, cũng như không xuất bò bị bệnh ra ngoài.