00:00 Số lượt truy cập: 2637343

CHĂM SÓC VÀ QUẢN LÝ ĐÀN BÒ SỮA 

Được đăng : 03/11/2016
1. Chăm sóc bò cạn sữa:

Mục đích cạn sữa:
- Cạn sữa nhằm mục đích tập trung dinh dưỡng để nuôi thai trong giai đoạn cuối.
- Có thời gian để cho tuyến vú nghỉ ngơi, phục hồi.
- Có thời gian để cho con mẹ phục hồi cơ thể, có thể trạng tốt chuẩn bị cho chu kỳ tiết sữa tiếp theo.


Kỹ thuật cạn sữa:

Phương pháp 1: Trước khi đẻ 2 tháng giảm các loại thức ăn tinh, thức ăn kích thích tạo sữa để giảm sản lượng sữa, giảm số lần vắt trong ngày. Làm như vậy trong vòng 3-5 ngày sau đó vắt lần cuối, vệ sinh bầu vú và cho ăn với chế độ như vậy trong 3 ngày tiếp theo. Nếu quan sát thấy bầu vú không căng do tích sữa thì chuyển sang nuôi với chế độ bò cạn sữa.

Phương pháp 2: Dùng hỗn hợp kháng khuẩn bơm vào bầu vú bò nhằm tăng áp suất bầu vú và tiêu diệt các loại vi khuẩn. Trong quá trình thực hiện như vậy, phải giảm thức ăn kích thích tạo sữa, lần vắt cuối cùng phải vệ sinh sạch sẽ.

Chăm sóc và nuôi dưỡng bò trong thời gian cạn sữa có ý nghĩa rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến sự phát triển của con bê đồng thời ảnh hưởng đến sản lượng sữa của chu kỳ tiếp theo. Nếu thang điểm về trạng thái cơ thể là 5 thì trước khi đẻ bò phải ở mức 3.5 (không được quá béo), sau đó giảm chút ít, vào khoảng 2.5 trong thời gian khai thác và tăng lên 3-3.5 trong giai đoạn cạn sữa.

Trong thời gian cạn sữa, thường xuyên cung cấp các loại khoáng (Ca, P và Natri), nhưng trước khi đẻ khoảng 1 tuần cần giảm lượng Ca trong thức ăn để tránh bò mắc bệnh sốt sữa.

Chuyển bò về khu hộ sinh trước khi đẻ ít nhất 10 ngày và có chế độ theo dõi đặc biệt. Chuồng trại khu hộ sinh phải thoáng, mát, đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y.

Trước khi đẻ, nếu có sữa chảy ra thì tuyệt đối không được vắt, không được xoa bóp kích thích tuyến vú. Có thể dùng mỡ kháng sinh để bịt lỗ thông đầu núm vú.

2. Chăm sóc đàn bò vắt sữa:
- Cần phải tắm chải thường xuyên cho bò vắt sữa.
- Kiểm tra móng định kỳ.
- Chú ý chế độ vận động đối với đàn nuôi nhốt, đặc biệt là càng gần ngày đẻ càng chú ý vận động.
- Định kỳ phun ve, tẩy ký sinh trùng.
- Định kỳ cắt lông ở phần sau và cắt lông đuôi để đảm bảo vệ sinh trong quá trình vắt sữa.
- Không để nhiệt độ chuồng nuôi quá cao.
- Định kỳ kiểm tra chất lượng sữa để kịp thời phát hiện các vấn đề bất thường đối với gia súc.