00:00 Số lượt truy cập: 3228721

Các phương pháp chế biến thức ăn thông thường 

Được đăng : 03/11/2016

Chế biến thức ăn nhằm kéo dài thời gian bảo quản, làm tăng lượng ăn vào, làm giảm độ thô cứng, làm tăng tỷ lệ tiêu hóa, hấp thu, loại trừ các chất độc và chất có hại, làm tăng giá trị sinh học của protein, làm cân đối các chất dinh dưỡng và từ đó làm tăng hiệu quả sử dụng của thức ăn.


Chế biến và bảo quản là hai quá trình tiến hành đồng thời. Hiện nay, trong chăn nuôi người ta đã áp dụngnhiều phương pháp chế biến khác nhau, sau đây là một số phương pháp chế biến thức ăn phổ biến.

1. Cắt ngắn

Cắt ngắn thức ăn làm giảm khả năng chọn lựa của gia súc và tăng diện tích tiếp xúc của thức ăn với dịch tiêu hóa. Cắt ngắn thức ăn thường được áp dụng đối với các loại thức ăn thô, xanh như cây cỏ hòa thảo, họ đậu hoặc cỏ khô, các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, thân cây ngô… Độ dài thích hợp của các loại thức ăn trên đối với trâu, bò, ngựa là 3-5 cm. Cỏ xanh cũng có thể đem cắt ngắn, nhưng kích thước cắt nên dài hơn so với các loại cỏ phơi khô. Thí nghiệm trên bò nuôi khẩu phần chứa ngọn mía để nguyên lượng thức ăn ăn vào thấp hơn (3,1 kg) so với ngọn mía cắt ngắn (3,4 kg chất khô) tính cho 100 kg thể trọng.

2. Đường hóa

Đường hóa là những phương pháp để tinh bột và đa đường khác (chủ yếu có trong thức ăn hạt) thủy phân sản sinh ra những đường đơn giản, quá trình thủy phân đòi hỏi nhiệt độ thích hợp để các enzym có sẵn trong thức ăn hoạt động mạnh. Đường hóa nhằm tăng lượng đường dễ tan trong thức ăn. Đường dễ tan trong thức ăn hạt thường chỉ có 0,5-2% qua đường hóa có thể tăng lượng đường dễ tan lên tới 8-12%, làm tăng tính ngon miệng và dễ tiêu hóa, thích hợp cho các loại gia súc non, gia súc vỗ béo cuối kỳ.

Cách làm thức ăn đường hóa như sau:

Đem thức ăn hạt nghiền nhỏ cho vào thùng, cho nước nóng 80-100oC vào theo tỷ lệ 1/2-2,5 (1kg thức ăn cho vào 2 - 2,5 lít nước nóng), quấy đều, giữ nhiệt độ từ 55-60oC, nhiệt độ thấp thức ăn dễ bị chua. Để cho quá trình thủy phân nhanh có thể cho vào nước thêm 4-5% bột mầm thóc. Cũng có thể đem hạt nghiền nhỏ nấu thành cháo rồi hãy cho mầm thóc vào để đường hóa. Toàn bộ quá trình đường hóa mất khoảng 5-6 giờ, thức ăn đường hóa để quá lâu dễ bị thối mốc.

Để làm mầm thóc nên chọn loại thóc tẻ tốt, thóc ngâm vào nước nóng 50-60oC trong 24 giờ, vớt ra cho vào thùng ủ 2-3 ngày cho đến khi mầm dài gấp 1,5 lần hạt là được. Thóc đã nảy mầm đem phơi khô, nghiền thành bột để dùng vào đường hóa hay cho gia súc ăn.

3. Nấu chín hay hấp chín

Nấu chín thức ăn nhằm làm tăng tỷ lệ tiêu hóa các chất dinh dưỡng, khử các chất độc và chất có hại trong thức ăn. Những chất có hại như các chất ức chế enzym tiêu hóa trong thức ăn như: chất ức chế men tripsin (kháng tripsin) có trong đỗ tương, lạc, lá và hạt họ đậu khác; HCN có trong sắn; chất gossipol có trong hạt bông hoặc chất solanin có trong vỏ và mầm khoai tây sống.

Đỗ tương nấu chín tỷ lệ tiêu hóa và giá trị sinh học của protein được nâng cao. Đỗ tương sống có tỷ lệ tiêu hóa của protein là 77%, sau khi hấp chín tỷ lệ tiêu hóa tăng lên 88%. Các loại thức ăn xanh như rau xanh, lá khoai lang… nên cho gia súc ăn sống, không nên nấu chín.

4. Nghiền nhỏ

Nghiền nhỏ các loại hạt, nguyên liệu thô, cứng gia súc khó tiêu hóa, hấp thu thành các loại thức ăn có kích thước hạt thích hợp làm cho dịch tiêu hóa thấm đều hơn. Riêng đối với gia cầm thì làm cho sự co bóp, nhu động của dạ dày cơ, của ruột non tăng làm nâng cao tỷ lệ tiêu hóa thức ăn ở ruột. Mặt khác khi nghiền nhỏ giúp cho quá trình sản xuất thức ăn hỗn hợp được thuận lợi, các loại thức ăn khi trộn với nhau đều hơn./.