00:00 Số lượt truy cập: 2670661

Các phương pháp ủ phân chuồng 

Được đăng : 03/11/2016

Tùy theo nguyên liệu, tính chất sử dụng và nhu cầu của thời vụ mà có các phương pháp ủ sau đây.


1. Phương pháp ủ nóng

Nguyên tắc là để nhiệt độ lên cao, quá trình phân giải thật mạnh. Phải làm cho đống phân thoáng khí, ẩm độ trong đống phân đảm bảo ở mức 60-70%. Nhiệt độ trong đống phân sau 4 - 6 ngày ủ có thể lên đến 60oC.

Phân phải được ủ trên nền đất nén chặt, không thấm nước, khi ủ không  nén chặt đống phân.

Ưu điểm của phương pháp này là: tiêu diệt được mầm mống sâu bệnh, cỏ dại, giun sán, phân phân giải nhanh.

Nhược điểm: lượng đạm bị mất nhiều.

Phương pháp này thường sử dụng khi phân có nhiều chất độn, chất độn giàu chất xơ và trong trường hợp có sự đòi hỏi cấp bách của thời vụ.

2. Phương pháp ủ nguội

Nguyên tắc là nén chặt đống phân để nhiệt độ không lên quá cao, phải tưới nước đậm. Phân được xếp từng lớp thành đống cao chừng 1,5-2m. Sau đó ủ lên đống phân một lớp rơm rạ, trát bùn kín. Nhiệt độ trong đống phân thay đổi từ 15-35oC.

Ưu điểm của phương pháp này là: phân phân giải từ từ ít mất đạm.

Nhược điểm: không tiêu diệt được mầm mống sâu bệnh và cỏ dại.

Phương pháp này sử dụng trong trường hợp không có sự đòi hỏi cấp bách của thời vụ, cần dự trữ phân cho vụ sau và phân có ít chất độn hoặc chất độn giàu đạm.

3. Phương pháp ủ nén nóng (ủ kết hợp)

Nguyên tắc: là ủ nóng trước, ủ nguội sau.

Đối với phân chuồng có nhiều chất độn, hạt cỏ dại, mầm bệnh, cần ủ tơi xốp 5-7 ngày để nhiệt độ lên cao 50-60oC. Sau đó nén chặt lai ủ theo phương pháp ủ nguội, trát bùn kín. Nhiệt độ ở giai đoạn này là 30-35oC. Phân chuồng phân giải trong điều kiện yếm khí.

Đây là phương pháp khá ưu việt và được sử dụng rộng rãi.

* Các biện pháp hạn chế sự mất đạm trong khi ủ phân

Trong quá trình ủ, nếu phân không được ủ đúng phương pháp, đúng quy cách thì lượng chất dinh dưỡng sẽ tiêu hao lớn và phân sẽ có chất lượng kém. Trước hết là đạm mất đi dưới dạng NH3, sau đó đến K.

Để hạn chế sự mất đi đạm, ngườii ta thường sử dụng các phương pháp sau:

Thêm lân khi ủ: là biện pháp hạn chế sự mất đạm rất có hiệu quả. Ủ thêm lân, phân phân giải nhanh nhưng lượng đạm tiêu hao ít.

Thường thì người ta trộn phân lân với phân chuồng rồi mới đem ủ. Các loại phân lân nên dùng để ủ chung với phân chuồng là supe lân càng cao, sự mất đạm càng giảm, nhưng tỷ lệ ủ thích hợp nhất là 1-2%. Tỷ lệ ủ phân lân thiên nhiên thích hợp nhất là 3-4%. Ủ chung với phân chuồng chất lượng của apatit và photphorit cũng tăng rất rõ.

Thêm chất độn vào khi ủ: trong phân chuồng toàn bộ kali và một phần đạm có trong nước tiểu, lượng nước tiểu mà gia súc thải ra hàng năm rất lớn, như vậy nhất thiết phải có chất độn có khả năng hút nước mạnh để giữ nước tiểu không để bị mất đi.

Các nguyên liệu độn như rơm, rạ, than bùn, đất bột còn có khả năng hấp phụ đạm NH3, hình thành trong quá trình phân giải và giữ lại trong phân./.