00:00 Số lượt truy cập: 2673274

Cách thay đất cho chậu kiểng 

Được đăng : 03/11/2016

Hỏi: Từ ngày về hưu tôi có sưu tầm và chơi một số chậu kiểng Bonsai rất đẹp và quý như: cây si, mai vàng, mai chiếu thủy... nhưng cứ sau khoảng 1-2 năm thì bộ rrẽ lại ra chật kín cả chậu, chất phân trong chậu cứ hết dần làm cho cây cằn cỗi không phát triển được. Muốn thay đất mới cho chúng nhưng chậu đã chật cứng không biết phải làm cách nào? Xin cho biết nên làm cách nào để có thể thay đất cho những chậu kiểng này? (Trần Như Quỳnh 0 Lâm Thao, Phú Thọ)


Đáp: Muốn thay đất cho chậu kiểng, bác phải tiến hành hai công việc chính sau đây:

1.Lấy cây ra khỏi chậu

-Trước khi thay đất khoảng 7-10 ngày, bác phải tưới nước hàng ngày để cho đất trong chậu luôn đủ ẩm, có như vậy đất mới dẽ khi lấy cây ra khỏi chậu và những thao tác khác sau đó bầu đất mới không bị bể vỡ, dễ làm cho cây đứt nhiều rễ, ảnh hưởng rất nhiều đến cây sau khi trồng, lại có khi còn làm cho cây bị chết.

-Dùng dao nhỏ có lưỡi sắc mỏng cứng hoặc vật bằng tre, gỗ mỏng cứng (giống như con dao) lách, xén xung quanh thành chậu để tách rời bầu đất với thành chậu.

-Kiểm tra đáy chậu, nếu thấy có rễ mọc ra ngoài chậu thông qua các lỗ thoát nước thì phải cắt bỏ phần rễ mọc ra ngoài này, để dễ nhấc bầu đất ra khỏi chậu.

-Nhẹ nhàng tách nhấc bầu cây ra khỏi chậu, nhớ phải hết sức cẩn thận, tránh làm vỡ bầu đất, nhất là những cây trồng bằng tro trấu, trấu hoặc mùn rác...

2.Trồng lại cây vào chậu

-Dùng khoảng ½ đất giàu mùn mặt vườn trộn đều với khoảng ½ phân hữu cơ đã được ủ cho thật hoai mục (tránh dùng phân còn tươi) để làm đất trồng mới cho chậu cây.

-Dùng dao sắc cắt gọt xung quanh bầu đất, gọt sâu vào khoảng 3-5cm (hoặc hơn nữa) tùy theo bầu đất lớn hay nhỏ. Sau đó cắt gọt bớt phần đất ở đít bầu đất, phần này cắt nhiều hay ít tùy thuộc vào độ lớn của bộ rễ, chiều cao của chậu trồng (khoảng 5-7 cm trở lên), để cho bầu đất nhỏ lại, có như vậy mới có chỗ trống để chứa thêm đất mới. Khi cắt nếu gặp những rễ lớn làm cho bầu đất bị bể vỡ, sẽ làm cho rễ non bị đứt, cây khó sống sau khi trồng lại. Nhớ là cách làm này không áp dụng cho cây sứ Thái hoặc những loại cây trồng có bộ rễ mọng nước, vì dễ làm cho bộ rễ bị hư thối.

-Trước khi trồng lại lấy mảnh ngõi vỡ hoặc mảnh chén bát vỡ úp lên phía trên những lỗ thoát nước, hoặc dùng mảnh sỏi, mảnh gạch vỡ... rải một lớp ở dưới đáy chậu để sau này lỗ thoát nước không bị đất bịt kín.

-Cho xuống đáy chậu một lớp đất mới, độ dầy của lớp đất sao cho vừa đủ để khi đặt bầu cây lên trên thì mặt bầu phía trên cao vừa bằng mặt thành chậu, để khi tưới nước lớp đất dưới đáy chậu lún xuống làm cho mặt bầu đất thấp hơn mặt thành chậu vài cm là vừa. Đặt bầu cây ngay ngắn vào giữa chậu sau đó bổ xung thêm đất trồng vào xung quanh rồi dùng cây que nhỏ chọc nhẹ cho đất được lèn chặt. Trồng xong tưới đẫm nước cho cây, khi nào thấy nước chảy ra ngoài qua những lỗ thóat nước dưới đáy chậu là được. Một mặt do mới trồng bộ rễ bị ảnh hưởng, mặt khác do bộ rễ đã bị cắt bớt, khả năng hút dinh dưỡng của cây bị hạn chế, vì thế những ngày đầu nên phun thêm phân bón lá cho cây.

-Đưa cây vào chỗ mát để chăm sóc, khoảng 7-10 ngày sau, khi cây bén rễ hồi xanh thì đưa dần cây ra chỗ có nắng vừa cho quen dần với nắng sau đó mới đưa ra chỗ có nhiều nắng để lá cây không bị cháy nắng./.