00:00 Số lượt truy cập: 3228137

Cải tạo ao nuôi tôm đúng kỹ thuật 

Được đăng : 03/11/2016
Chuẩn bị ao trước khi thả tôm là khâu quan trọng trong quá trình nuôi, đặc biệt ở ao nuôi tôm công nghiệp (NTCN). Bà con nông dân nên tuân thủ các bước cải tạo để hạn chế dịch bệnh xảy ra và nâng cao năng suất tôm nuôi. Chuẩn bị ao trước khi thả tôm là khâu quan trọng trong quá trình nuôi, đặc biệt ở ao nuôi tôm công nghiệp (NTCN). Bà con nông dân nên tuân thủ các bước cải tạo để hạn chế dịch bệnh xảy ra và nâng cao năng suất tôm nuôi.

Mục đích của việc chuẩn bị ao là làm cho nền đáy sạch, chất lượng nước thích hợp và ổn định, ngăn ngừa, hạn chế mầm bệnh cũng như các loại sinh vật, dịch hại xâm nhập và phát triển.

Sên vét ao

Sau vụ nuôi cần sên vét sạch lớp bùn dơ ở đáy ao, vì đây là lớp đất chứa nhiều chất thải, hóa chất và mầm bệnh của vụ trước, gia cố lại bờ bao, cống, bọng. Sau đó, bơm nước vào ao nuôi ngâm từ 1-2 ngày rồi tháo nước ra. Thực hiện tháo nước 2-3 lần rồi mới lấy nước vào ao nuôi.

Lưu ý, đối với ao lắng cũng được rửa như ao nuôi. Đối với ao mới, sau khi đầm được nén, bơm nước vào ao ngâm từ 2-3 lần, sau đó cho xe ủi đầm lại, gia cố bờ ao kỹ để tránh hiện tượng rò rỉ.

Bón vôi

Tùy vào độ pH đất mà sử dụng liều lượng vôi cho phù hợp. Nếu pH>6, sử dụng vôi công nghiệp CaCO3 liều lượng 1.000 kg/ha; pH trong khoảng 5-6, sử dụng 2.000 kg/ha; pH <5, sử dụng 3.000 kg/ha. Trong trường hợp sử dụng vôi nóng CaO, liều lượng sử dụng bằng 50% so với CaCO3.

Lấy nước và xử lý nước

Khi lấy nước vào ao nuôi (từ ao lắng), người nuôi nên sử dụng túi lọc vải kate. Mực nước ứng cho các loại hình như sau: ao NTCN mực nước lớn hơn 1,3m; đối với loại hình nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT), độ sâu mực nước trên mặt trảng lớn hơn 40cm.

Sau khi lấy nước, tiến hành tiêu diệt mầm bệnh như: vi khuẩn, vi-rút, nguyên sinh động vật và nấm có trong nước ao nuôi.

Cách làm, đối với ao NTCN sử dụng chlorine, liều lượng 30 kg/1.000m3 nước; ao nuôi QCCT sử dụng IODIN, BKC, thuốc tím,… theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Sau khi xử lý chlorine 5 ngày, tiến hành xử lý thiosunphat, liều lượng 10 kg/1.000m3 nước để khử cholorine dư thừa, sau đó 3 ngày tiến hành xử lý EDTA liều lượng 1-2 kg/1.000m3 nước để khử kim loại nặng. Cuối cùng, tiến hành diệt cá tạp theo 2 cách: trường hợp độ mặn nước trong ao nuôi lớn hơn 15‰ sử dụng SAPONIN liều lượng 10-15 kg/1.000m3 nước; trường hợp độ mặn nhỏ hơn 15‰, sử dụng dây thuốc cá, liều lượng 4-5 kg/1.000m3 nước.

Khâu quan trọng trước khi thả tôm là bón phân gây màu nước, sử dụng DAP hoặc NPK (20-20-0)+urê theo tỷ lệ 7:3; liều lượng 2-3 kg/1.000m3 nước để gây màu nước, tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm và ngăn ngừa rong, tảo đáy phát triển trong ao nuôi.

Lưu ý

Nên tiến hành cải tạo vào thời điểm tát cạn ao nuôi sau khi thu hoạch 1-2 ngày. Trường hợp tát nước để phơi đáy ao lâu ngày thì các loại vi khuẩn, thuốc hóa chất có trong mùn bã thấm xuống nền đáy ao, từ đó rất khó cho việc gây màu nước ao nuôi trong giai đoạn tôm đạt 1-2 tháng tuổi.