00:00 Số lượt truy cập: 3227512

Cắt vụ, phơi đầm nuôi tôm: Tăng năng suất, diệt mầm bệnh 

Được đăng : 03/11/2016
Năm 2008, nông dân huyện Đầm Dơi (Cà Mau) mạnh dạn áp dụng quy trình nuôi tôm cắt vụ, cải tạo phơi đầm với diện tích 1.500ha. Cách làm này đã góp phần tăng năng suất tôm nuôi lên 450-500kg/ha/vụ, có thể cắt được mầm bệnh lây lan sang vụ sau

Ông Phạm Văn Đô ở ấp Tân Điền A (xã Tạ An Khương) là người đầu tiên thực hiện mô hình này. Không những thế, ông còn cấy 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm để tận dụng đất và tăng thu nhập. Sau khi phơi đầm 10 -15 ngày, ông lấy nước vào rồi xổ ra cho sạch phèn. Có nguồn nước trong, tôm lột xác rất nhanh; sạch vi khuẩn, tảo sinh nhiều, đây chính là nguồn thức ăn dồi dào cho tôm. Với diện tích 3ha, bình quân một con nước xổ, ông Đô thu nhập 7-8 triệu đồng.

Ông Phạm Văn Lê ở ấp Hàng Còng (xã Tạ An Khương) có 3ha ao nuôi nhưng thời gian gần đây, việc nuôi tôm luôn trong tình trạng thất bát. Vụ tôm năm 2009, ông thực hiện nuôi tôm cắt vụ, phơi đầm, chuẩn bị cấy 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm nhằm cải thiện tình hình sản xuất.

Năm 2009, xã Tạ An Khương tổ chức phát động nhân dân thực hiện mô hình nuôi tôm cắt vụ, phơi đầm. Xã đã tổ chức 32 cuộc họp dân với gần 1.300 hộ tham dự. Đến nay, phong trào cắt vụ phơi đầm nuôi tôm đã lan rộng ra toàn xã. Bởi khi nuôi tôm cắt vụ, cải tạo phơi đầm sẽ góp phần diệt mầm bệnh trong đất, giải phóng được lượng chất dơ, khí độc trong nhiều năm, giúp đất màu mỡ.

Không chỉ riêng xã Tạ An Khương mà hiện nay, chính quyền các xã, thị trấn trong huyện Đầm Dơi đều phát động nhân dân nuôi tôm theo mô hình này.