00:00 Số lượt truy cập: 2692208

Đặc điểm của cá chình nước ngọt 

Được đăng : 03/11/2016

Cá chình có thân thon dài, nửa thân trước hình ống, nửa thân sau dẹt, lưng màu nâu đen, bụng trắng, đầu nhọn và dài, mõm bằng và ngắn, hàm dưới dài hơn hàm trên, có lớp da mỡ bọc ngoài. Da nhiều nhớt, có tác dụng hô hấp.


Vây lưng, vây hậu môn rất dài và nối liền với vây đuôi, vây ngực tròn ngắn, không có vây bụng.

Thịt cá chình chứa nhiều hàm lượng EPA và DHA cao.

Ở nước ta thường gặp: cá chình mun; cá chình hoa; cá chình nhọn; cá chình Nhật Bản.

Mắt cá chình có màng bảo vệ có thể: quan sát 4 phía (phải, trái, trước, sau), phân biệt được màu sắc, cảm nhận ánh sáng ban đêm, phân biệt vật thể.

Khứu giác phát triển, vị giác rất nhạy cảm, cá bị mù vẫn có thể đánh hơi tìm đến chỗ có mồi ăn.

Hàng năm, vào mùa thu, cá trưởng thành tập trung thành đàn di cư từ sông ra biển đẻ trứng, khu vực đẻ trứng nằm trong phạm vi 20-28 vĩ độ bắc, 120-145o kinh độ Đông. Nhiệt độ nước mùa sinh sản 16-17oC, độ mặn 35‰, độ sâu 400-500m. Một con cá cái có thể đẻ từ 7-13 triệu trứng. Cá chình 1 đời chỉ sinh sản 1 lần, đẻ xong không bao lâu thì chết. Trứng cá trôi nổi trong nước sau khoảng 10 ngày thì nở.

Cá bột mới nở, chiều dài thân 6mm có xu hướng bơi dần lên tầng trên. Khi đạt cỡ 7-15mm có nhiều ở độ sâu 100-300m, lớn một chút nữa chúng lên cách mặt nước 30m. Thời gian ở độ sâu 30m nó có xu hướng chuyển dịch thẳng đứng, ban đêm lên gần mặt nước, ban ngày xuống sâu hơn.

Cùng với quá trình nhích lên mặt nước, chúng bị các dòng hải lưu đưa dần vào bờ, lúc này cá con có dạng hình lá liễu gọi là “cá lá liễu”, sau đó chúng ngược tiếp các bãi triều gần cửa sông sinh sống, chúng biến thái dần đến khi gần 1 tháng tuổi, lúc này gọi là “cá giống trắng” “bạch miêu”. Cá giống trắng sống ở tầng đaý, tiếp tục ngược dần vào trong sông, chúng lớn dần và sắc tố đen phát triển chuyển thành “cá giống đen” cá chình “hắc tử” lúc này chúng đã sống ở trong các sông, hồ nước ngọt vùng hạ, trung lưu các sông.

Cá sinh trưởng trong nước khi đạt tuổi thành thục (4-5 tuổi đối với cá cái và 3-4 tuổi đối với cá đực) chúng lại di cư ra biển để thực hiện sinh sản ra thế hệ sau. Do quá trình di cư đường dài tốn năng lượng và chuyển hoá tuyến sinh dục nên khi đẻ xong chúng kiệt sức và chết.

Cá chình nói chung sợ ánh sáng, ban ngày tìm chỗ tối ẩn nấp, ban đêm đi tìm ăn. Cá thuộc nhóm cá nước ấm. Nhiệt độ sinh trưởng thích hợp từ 20-30oC, giới hạn cao nhất là 30oC, cá ngừng ăn khi nhiệt độ nước xuống tới 10oC, chìm xuống đáy và sống lờ đờ khi nhiệt độ 3-7oC, chết rét ở nhiệt độ 1-2oC.

Cá chình khoẻ, có thể sống trên cạn thời gian lâu nếu da cá ẩm và còn nhớt. Hô hấp của cá 3/5 dựa vào da, 2/5 dựa vào mang, khi nhiệt độ dưới 15oC, cá hô hấp toàn bộ bằng da.

Là loài cá ăn thức ăn động vật, thức ăn tự nhiên gồm: cá con, tôm con, cua, giun, côn trùng thủy sinh, động vật giáp xác. Tuy vậy trong ruột cá vẫn thấy ăn một ít thực vật thủy sinh và rong tảo. Cá ăn mạnh ở nhiệt độ nước ấm dần đến 10oC trở lên, cá bắt đầu ăn mồi.

Trong điều kiện nuôi, cá chình có thể ăn thức ăn chế biến hỗn hợp có hàm lượng protein 40% trở lên./.