00:00 Số lượt truy cập: 2672977

Đặc điểm sinh học của bệnh sán lá ruột lợn 

Được đăng : 03/11/2016

Trên thế giới: Bệnh sán lá ruột lợn phân bố rộng ở các nước và lãnh thổ ở khu vực nhiệt đới châu Á: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Campuchia, Lào, Malaixia, Inđônêxia, Philípin, Ấn Độ, Thái Lan, Xri Lanca...


Ở Việt Nam, bệnh sán lá ruột lợn đã có từ lâu đời nhưng mãi đến năm 1991, Mathis, Leger và Bauche mới mô tả loài sán lá này khi thu thập mẫu vật từ ruột lợn và một số người bệnh ở Bắc Bộ. Ông Đặng Văn Ngữ và Galliard (năm 1941) thấy tỷ lệ nhiễm của lợn 6 - 12% vào tháng ba và 47% vào tháng 12. Hai tác giả này cũng thấy 5 người bệnh nhiễm sán lá ruột lợn. Những năm gần đây, một số kết quả điều tra cho thấy lợn nhiễm sán lá ruột với tỷ lệ rất cao: 41% (năm 1965); 50 - 60% (năm 1982), 40% (năm 2002).

1. Nguyên nhânbệnh

Bệnh ở lợn gây ra do sán lá ruột Fasciolopsis buski, ký sinh ở ruột non của lợn.

2. Đặc điểm sinh học

Hình thái

Sán trưởng thành khi còn sống có màu hồng hình dẹp, phía đầu sán nhô lên, tiếp theo phần thân phình to nơi giáp đầu sán, sau lại thon dần, giống hình một chiếc lá. Sán có kích thước 15 - 50´8,5 - 12,2mm, chiều dày 0,2 - 0,3mm. Trứng sán có hình trứng, kích thước 0,130 - 0,130´0,080 - 0,045mm, màu xám vàng hoặc vàng.

Sán có 2 giác: giác miệng và giác bụng để bám vào ruột.

Chu kỳ sinh học

Sán lá trưởng thành ký sinh ở ruột non lợn: Sán đẻ trứng trung bình mỗi ngày 15.000 - 48.000 trứng. Mỗi sán trưởng thành đều có cơ quan sinh dục cái và cơ quan sinh dục đực nên có thể tự thụ tinh trứng, hoặc 2 cá thể sán thụ tinh với nhau, gọi là hiện tượng "Lưỡng tính dị thụ tinh".

Trứng sán theo phân ra ngoài, gặp các điều kiện thuận lợi (nhiệt độ 18 - 320C, có nước và ánh sáng) sẽ nở thành mao ấu (Miracidium). Mao ấu sống trong nước, chui vào ốc ký chủ trung gian phát triển thành lôi ấu (Sporocyst), bào ấu I (Rediae I), bào ấu II (Rediae II), vĩ ấu (Cercaria). Vĩ ấu chui ra khỏi ốc rụng đuôi phát triển thành kén Adolescaria trôi nổi trên mặt nước. Giai đoạn từ trứng đến kén phát triển khoảng 50 - 60 ngày. Lợn ăn phải kén, kén vào ruột phát triển thành sán trưởng thành khoảng 90 ngày.

Ở Việt Nam vật chủ trung gian là loài ốc Polypylis haemisphaerula. Trong phòng thí nghiệm từ lúc mao ấu vào ốc phát triển thành Adolescaria phải mất 42 - 54 ngày. Lợn từ lúc ăn kén (trong thí nghiệm) cho đến khi thấy trứng trong phân khoảng 78 - 102 ngày.


3. Dịch tễ học

- Động vật cảm nhiễm

Các loài thú nhiễm sán lá ruột gồm: lợn, lợn rừng, chó, hổ, thỏ. Người sống ở các nước nhiệt đới ẩm Đông Nam Á cũng thường bị nhiễm sán lá ruột Fasiolopsis buski. Ở Việt Nam cũng đã phát hiện một số bệnh nhân nhiễm sán lá ruột với hội chứng nôn mửa, rối loạn tiêu hoá.

- Điều kiện lây truyền bệnh

Lợn và người nhiễm sán lá chính là nguồn tàng trữ và gieo rắc mầm bệnh trong tự nhiên.

Ở các vùng trồng lúa nước thường có tỷ lệ nhiễm sán lá ruột ở lợn rất cao. Bởi vì điều kiện đó rất thuận lợi cho sự phát triển của các loại ốc ký chủ trung gian.

Ốc sẽ giúp cho ấu trùng sán lá ruột lợn phát triển trong cơ thể của chúng đến giai đoạn cảm nhiễm. Các vùng đồng trũng có nhiều ao, hồ, mương, lạch cũng là điều kiện cho các cây cỏ thuỷ sinh phát triển mạnh và rất đa dạng. Lợn và người ăn rau thuỷ sinh sống có kén sán sẽ bị nhiễm bệnh.

Ở nước ta, qua mổ khám 1.156 lợn thuộc 23 huyện, 78 xã của 7 tỉnh, một số tác giả đã xác định tỷ lệ nhiễm sán lá ruột lợn tăng dần từ miền núi, trung du đến đồng bằng. Vùng núi tỷ lệ nhiễm 14,4%; trung du 40,1% và đồng bằng 50,7%. Cường độ nhiễm sán lá của lợn cũng tương ứng như tỷ lệ nhiễm tăng dần từ miền núi, trung du đến đồng bằng. Cường độ nhiễm ở miền núi: 1 - 6 con sán/lợn, ở trung du 1 - 170 con sán/lợn và vùng đồng bằng: 1 - 313 con sán/lợn.

- Mùa vụ phát bệnh

Trong điều kiện nóng ẩm ở các nước Đông Nam Á, trứng sán có thể phát triển thành mao ấu quanh năm. ốc ký chủ cũng hoạt động gần như suốt 12 tháng trong năm, nhưng tập trung vào các tháng nóng của mùa hè và mùa thu. Đó là hai yếu tố thuận lợi cho sán lá phát triển từ giai đoạn mao ấu thành kén lây nhiễm.

Do vậy, kén sán có thể lây nhiễm cho lợn qua việc ăn rau xanh tươi sống quanh năm./.