00:00 Số lượt truy cập: 2690676

Dịch tiêu chảy ở lợn 

Được đăng : 03/11/2016

Dịch tiêu chảy ở lợn (Porcine Epidemic Diarrhea - PED) do một loại virus thuộc nhóm 1, giống Coronavirus gây ra. Đặc trưng của bệnh là gây tiêu chảy nhiều nước ở lợn, tỷ lệ ốm và tỷ lệ chết có thể lên đến 100%.


· Triệu chứng

Triệu chứng đặc trưng khi lợn mắc PED là hiện tượng lợn bỏ ăn, mệt mỏi, tiêu chảy phân nhiều nước. Lợn con theo mẹ: lười bú, ỉa chảy: phân lỏng, tanh, màu vàng, có sữa không tiêu; nôn mửa; lợn con sụt cân nhanh do mất nước. Triệu chứng điển hình là lợn con thích nằm lên bụng mẹ, điều trị bằng các loại kháng sinh đặc trị tiêu chảy không có kết quả.

Nếu dịch xảy ra ở đàn lợn sinh sản, tỷ lệ ốm và tỷ lệ chết rất khác nhau. Ở một số trại, lợn mọi lứa tuổi đều mắc với tỷ lệ lên đến 100%. Lợn 1 tuần tuổi sau khi bị tiêu chảy kéo dài 3-4 ngày thường bị chết do mất nước. Tỷ lệ chết trung bình ở lợn con là 50% nhưng cũng có thể lên đến 100%. Lợn trưởng thành thường qua khỏi sau 1 tuần. Tại những trại sau khi có ổ dịch cấp tính xảy ra, lợn sau cai sữa 2-3 tuần thường bị tiêu chảy và làm lây lan bệnh cho lợn mới nhập đàn.

Trong những năm gần đây, các ổ dịch xảy ra tại châu Âu có tỷ lệ lợn sơ sinh chết thấp nhưng các ổ dịch tại Nhật Bản và Hàn Quốc lại cho thấy tỷ lệ lợn sơ sinh chết rất cao.

Lợn có biểu hiện đau bụng, nhưng thường qua khỏi sau 7-10 ngày. Tỷ lệ chết từ 1-3%, thường chết ở thể cấp tính khi mới đi ỉa ở giai đoạn đầu hoặc chưa có biểu hiện tiêu chảy. Vùng cơ lưng của những lợn chết thể cấp tính này thường bị hoại tử.

· Bệnh tích

Bệnh tích tập trung ở ruột non: ruột căng phồng, chứa đầy dịch màu vàng. Khi lợn bị tiêu chảy, lông nhung ở ruột non thường bị bong tróc, ngắn đi rất nhanh và giảm hoạt tính men tiêu hóa.

· Chẩn đoán lâm sàng

Dựa vào triệu chứng: lợn con tiêu chảy với tỷ lệ chết cao, lợn con thích nằm trên bụng mẹ, điều trị bằng các loại kháng sinh không có kết quả, tỷ lệ chết đối với lợn dưới 5 ngày tuổi lên đến 100%.

· Phòng bệnh

+ Kiểm soát bệnh

Do tốc độ lây lan của bệnh chậm nên các biện pháp nhằm hạn chế sự xâm nhập của virus vào những đàn nái mới đẻ là việc làm rất cần thiết, giúp lợn nếu mắc bệnh có độ tuổi lớn hơn thì tỷ lệ chết sẽ thấp hơn.

-   Tăng cường kiểm soát người, các phương tiện ra vào trại đặc biệt là các xe và người vào bắt lợn, mua lợn, vì đây là nguyên nhân chính làm lây lan dịch bệnh.

-   Có hàng rào ngăn cách giữa trong và ngoài trại, xe vào bắt lợn không được vào trong trại mà phải đỗ ở ngoài trại đúng nơi quy định.

-   Xe vận chuyển trong trại sau khi vận chuyển lợn phải được rửa, sát trùng, để khô mới được vận chuyển lợn tiếp.

-   Có chuồng bán lợn nằm sát vòng ngoài của trại.

-   Cấm đưa lợn từ khu vực bán trở về trại.

-   Không cho nước thải của chuồng bán chảy ngược về trại.

-   Người lao động không nên tiếp xúc với lợn khác ngoài khu vực làm việc của mình.

-   Hạn chế khách tham quan nếu không thật sự cần thiết.

-   Làm vệ sinh lối đi thường xuyên, có hố sát trùng ở cửa ra vào chuồng.

+ Phòng bệnh bằng vacxin

Tại châu Âu, thiệt hại kinh tế do bệnh gây ra chưa đến mức phải nghiên cứu vacxin phòng bệnh. Tuy nhiên, dịch gây thiệt hại tại châu Á đã buộc phải có các nghiên cứu về vacxin phòng bệnh. Tại Nhật Bản, từ năm 1997 đã có vacxin nhược độc chủng P-5V thích ứng trên môi trường tế bào được thương mại hóa giúp phòng bệnh. Tuy vacxin được coi là có hiệu quả phòng bệnh nhưng không phải tất cả lợn nái sản sinh đáp ứng miễn dịch qua sữa.

· Điều trị

Lợn con theo mẹ nếu bị mắc bệnh được uống nước tự do để hạn chế hiện tượng mất nước. Lợn vỗ béo bị bệnh nên cho nhịn ăn.

Tự tạo miễn dịch cho lợn con bằng cách cho lợn mẹ ăn ruột của lợn con trước khi đẻ cũng là biện pháp phòng chống bệnh có hiệu quả.

Phương pháp tiến hành:

-   Lấy ruột 2-3 lợn con có triệu chứng ỉa chảy do PED đang còn sống, chưa được điều trị thuốc, có độ tuổi nhỏ hơn 5 ngày tuổi, cho vào máy xay sinh tố, xay nhỏ.

-   Trộn hỗn hợp thu được với 1000ml nước cất. Lọc qua vải gạc lấy phần nước trong, cho vào 100g colistin để diệt tạp khuẩn. Đem dung dịch trên trộn với thức ăn trong toàn trại cho lợn nái, lợn hậu bị ăn (mỗi con 10ml). Sau khi ăn nếu lợn xuất hiện triệu chứng ỉa chảy hoặc ủ rũ, bỏ ăn là đạt yêu cầu; nếu không phải làm lại.

-   Sau 2 tuần kháng thể mới xuất hiện; vì vậy, đối với nái mang thai tuần 15-16, lợn con sinh ra vẫn chết vì bệnh PED.

-   Nếu phát hiện, xử lý nhanh có thể sau 3 tuần dập tắt được dịch bệnh trong toàn trại./.