00:00 Số lượt truy cập: 2679130

Điều trị hiệu quả bệnh tụ huyết trùng ở lợn 

Được đăng : 03/11/2016

Hỏi: Phương pháp điều trị bệnh tụ huyết trùng ở lợn hiệu quả?

Trần Văn Long và một số bạn đọc ở Kinh Môn, Hải Dương.


Đáp:

Bệnh tụ huyết trùng lợn là một bệnh truyền nhiễm thường phát sinh rải rác, có khi thành dịch địa phương. Đặc điểm của bệnh là viêm phổi, viêm màng phổi, viêm màng tim và nhiễm trùng huyết. Bệnh có ở khắp nơi trên thế giới. Ở Việt Nam do điều kiện khí hậu và đất đai ảnh hưởng đến các loại vật nuôi nên có sự liên quan về mặt dịch tễ học giữa các bệnh tụ huyết trùng lợn, trâu, bò và gia cầm. Bệnh có thể gặp ở khắp các miền nước ta và hầu như năm nào cũng phát sinh dịch. Bệnh nặng ở những vùng thấp và ẩm, vùng lầy lội ven biển bệnh phát vào mùa mưa từ tháng 5 - 10.

Tác nhân gây bệnh tụ huyết trùng lợn là vi khuẩn Pasteurella multocida, typ B (chủ yếu). P.multocida có nhiều biến chủng kháng lại các thuốc kháng sinh thông thường, vì vậy ở các trang trại lớn, muốn điều trị có hiệu quả cần phải tiến hành làm kháng sinh đồ để chọn loại kháng sinh có hiệu quả. Có thể dùng 01 trong các phác đồ sau:

Phác đồ 1:

- Thuốc điều trị: Kanamycin dùng liều 30mg/kg thể trọng tiêm bắp phối hợp với Sulfamerazin với liều 50mg/kg thể trọng cho uống. Dùng thuốc liên tục 4 - 5 ngày.

- Thuốc chữa triệu chứng và nâng cao thể trọng: tiêm Analgin để hạ nhiệt; tiêm cafein, vitamin B1, C để nâng cao thể trạng.

- Hộ lý: cách ly để điều trị; giữ chuồng khô sạch và phun thuốc sát trùng (Iodin 1%) 1-2 lần/tuần; nuôi dưỡng, chăm sóc tốt vật bệnh.

Phác đồ 2:

- Thuốc điều trị: Enrovet 10% (HN Enrovet 50T, RTD Enrofloxacin) tiêm 1 ml/20 kg thể trọng vào bắp thịt; dùng thuốc 3-5 ngày.

- Thuốc chữa triệu chứng và nâng cao thể trọng: như Phác đồ 1.

- Hộ lý: như Phác đồ 1.

Phác đồ 3:

- Thuốc điều trị: Ceptiofur (Hanceft, RTD Septicus...). Dùng liều 1ml/10 - 15kg thể trạng; dùng thuốc 3 ngày.

- Thuốc chữa triệu chứng và nâng cao thể trọng: như Phác đồ 1.

- Hộ lý: như Phác đồ 1.

Phác đồ 4:

- Thuốc điều trị: Clorphenicol (Hanflor, RTD Flarfen). Dùng liều 1ml/20kg thể trọng; tiêm 2 ngày/lần.

- Thuốc chữa triệu chứng và nâng cao thể trạng: như Phác đồ 1.

- Hộ lý: như Phác đồ 1.

Phòng bệnh

Phòng bệnh bằng vắcxin

Hiện nay, trong thực tế ở nước ta các vắcxin tụ huyết trùng đang sử dụng hầu hết là vắcxin vô hoạt.

- Vắcxin nhũ hoá

Vắcxin nhũ hoá phòng bệnh tụ huyết trùng lợn đã được Viện Thú y nghiên cứu chế tạo và thử nghiệm từ năm 1977. Kết quả thử nghiệm cho thấy vắcxin bảo tồn được lâu trong cơ thể lợn, tạo được miễn dịch ổn định với liều tiêm 1 - 2ml/lợn, sau tiêm 15 - 20 ngày tạo được miễn dịch cho lợn và miễn dịch kéo dài 6 - 8 tháng.

- Vắcxin keo phèn

Ở nước ta vắcxin nhược độc do Nguyễn Văn Lãm (năm 1985) chế tạo thành công có tên là vắcxin tụ dấu 3 - 2 gồm 2 chủng vi khuẩn tụ huyết trùng và đóng dấu lợn nhược độc, phòng được cả hai bệnh nói trên, liều tiêm 3ml/con. Sau 7 - 8 ngày tiêm miễn dịch đã xuất hiện. Độ dài miễn dịch đạt 6 tháng.

Một đặc điểm cần chú ý là vắcxin nhược độc dễ giảm hiệu lực nên vắcxin phải được bảo quản trong tủ lạnh ở 4 - 100C.

Phòng bệnh bằng biện pháp vệ sinh thú y

Biện pháp phòng, chống bệnh tụ huyết trùng chủ yếu là thực hiện nghiêm ngặt các điều kiện cách ly khi bổ sung lợn mới vào đàn, vì có thể có những trường hợp lợn đã ủ bệnh mà ta không nhận thấy.

- Áp dụng các biện pháp sát trùng chân ở cửa ra vào, có quần áo bảo hộ lao động cho công nhân chăn nuôi, chuồng tân đáo, định kỳ dùng thuốc sát trùng chuồng trại.

- Khi có dịch bệnh tụ huyết trùng nổ ra, cơ sở chăn nuôi phải áp dụng khẩn cấp những biện pháp sau:

+ Cấm việc xuất nhập gia súc trong khu vực có dịch.

+ Gia súc bị bệnh được cách ly, chăm sóc riêng, thường xuyên kiểm tra thân nhiệt và dùng kháng sinh điều trị kịp thời.

+ Tiêm phòng vắcxin thẳng vào ổ dịch.

+ Việc tiêu độc được tiến hành sau mỗi lần phát hiện lợn bệnh.

+ Cần tiến hành vệ sinh chuồng trại bằng nước vôi 10%, dung dịch NaOH 2% đồng thời tiến hành diệt loài gặm nhấm, vì chúng là nguồn tàng trữ mầm bệnh tụ huyết trùng./.