00:00 Số lượt truy cập: 3227500

Dùng thiên địch để bảo vệ ruộng đồng 

Được đăng : 03/11/2016
Việc dùng thiên địch để bảo vệ cây trồng khỏi sự tấn công của các loại sâu bệnh gây hại vốn không có gì xa lạ với nhiều quốc gia có nền nông nghiệp phát triển. Nhưng với những người trồng rau ở ngoại thành Hà Nội thì đây lại là bước tiến mới, không chỉ giúp bà con từng bước từ bỏ tập quán sử dụng thuốc trừ sâu mà còn hướng đến quy trình sản xuất an toàn, tạo ra những nông sản có chất lượng cao.

Thiên địch thay thế thuốc trừ sâu

Chưa bao giờ người trồng dưa chuột ở xã Đặng Xá (Gia Lâm - Hà Nội) lại có kiểu diệt trừ bọ trĩ, loại sâu bệnh gây hại “ngược đời” đến vậy. Thay vì phải phun tới 8 - 13 lần /vụ để phòng trừ loại sâu bệnh này, bà con chỉ việc bắt bọ xít bắt mồi thả vào ruộng dưa để khống chế bọ trĩ, làm số lượng bọ trĩ không tăng vượt quá ngưỡng gây hại. ông Nguyễn Văn Hùng, nông dân trong xã hồ hởi khoe: “So với chi phí phun thuốc bảo vệ thực vật, việc dùng bọ xít bắt mồi tiết kiệm hơn nhiều, năng suất dưa không giảm, mẫu mã quả đẹp và đặc biệt là không ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái”. ông Hùng cho biết, cách sử dụng thiên địch để bắt côn trùng rất đơn giản. Bà con nông dân chỉ cần rắc các loài thiên địch xuống gốc cây với mật độ 3 - 5 con/cây dưa chuột, tự bản thân chúng sẽ diệt trừ các loại sâu bệnh gây hại.

Cùng với bọ xít, nhện bắt mồi cũng được thả thử nghiệm ở một số vùng trồng rau an toàn thuộc ngoại thành Hà Nội. Kết quả bước đầu cho thấy, hiệu quả của việc dùng các loài thiên địch không kém gì so với dùng thuốc bảo vệ thực vật.

Theo điều tra của các nhà khoa học thuộc Bộ môn Côn trùng, Khoa Nông học (Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội), nước ta có hàng chục loài thiên địch có ích, có thể nhân nuôi để diệt trừ côn trùng gây hại trên rau màu như: nhện bắt mồi, bọ xít bắt mồi, ruồi ăn thịt, bọ xít cổ ngỗng,... Biện pháp này cũng đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc và Hà Lan, tạo ra bước tiến mới trong sản xuất nông nghiệp an toàn. Thậm chí ở Hà Lan còn có nhiều công ty sinh học sản xuất hàng loạt các loài thiên địch cung cấp cho nông dân thả trên đồng ruộng và nhà kính để phòng trừ nhện đỏ, rệp muội, bọ phấn...

Tại Việt Nam, nhóm các nhà khoa học của Bộ môn Côn trùng cũng tiến hành nhân nuôi bọ xít bắt mồi để tiêu diệt bọ trĩ có kích thước nhỏ gây hại trên cà tím, bầu, bí xanh, đậu đỗ, dưa chuột, khoai tây.

Có thể áp dụng ra diện rộng 

Nuôi thiên địch tuy có tác dụng lâu dài và an toàn nhưng đây vẫn là phương pháp quá mới mẻ với người nông dân bởi thói quen phun thuốc trừ sâu đã bám rễ trong suy nghĩ của bà con, khó có thể loại trừ ngay được. Nhiều nhà khoa học cũng cho rằng, muốn triển khai được phương pháp này, phải thực hiện đồng bộ trên quy mô lớn, không thể ruộng này dùng thiên địch, ruộng kia lại phun thuốc trừ sâu. GS.Vũ Quang Côn, Chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam cho rằng, xu hướng trồng cây trong nhà kính, nhà lưới hiện nay rất phù hợp với việc thả thiên địch để tiêu diệt các loài sinh vật gây hại. Vấn đề là Nhà nước có cơ chế hỗ trợ cho người nông dân và nhà khoa học như thế nào để họ áp dụng phương pháp mới an toàn và hiệu quả, phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp sạch. ông Côn cũng nhấn mạnh, đây không phải là phương pháp thay thế mà nên sử dụng phối hợp với các biện pháp khác như phun các loại thuốc trừ sâu có nguồn gốc từ thảo mộc, độc dược không cao hoặc trồng xen những loại cây có tác dụng xua đuổi côn trùng. Tại dự án trồng rau sạch ở HTX Đình Bảng (Từ Sơn - Bắc Ninh), bà con nông dân áp dụng theo phương pháp này đã tạo ra những nông sản thực sự an toàn, đạt chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu.

Được biếtÀ, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội cũng đang có kế hoạch đầu tư mở rộng phòng nhân nuôi với trang thiết bị hiện đại và thiết lập dây chuyền sản xuất đồng bộ, liên hoàn. GS.TS Hà Quang Hùng, một trong những nhà côn trùng học có tiếng cho biết, nếu hạ tầng cho việc nhân nuôi được đảm bảo thì cứ 19 ­- 20 ngày là có thể xuất một đợt nhện hay bọ xít bắt mồi đưa xuống đồng ruộng “chiến đấu” với các côn trùng gây hại. Bộ môn Côn trùng cũng đã hoàn thiện quy trình nhân nuôi đối với 2 loài nhện và bọ xít bắt mồi.

Mặc dù đây mới là bước thử nghiệm ban đầu nhưng với xu thế phát triển của nông nghiệp hiện nay thì phương pháp này hoàn toàn có thể áp dụng trên diện rộng. Tuy nhiên, để các loài thiên địch có đất sống thì trước mắt bà con phải loại bỏ dần thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật; Nhà nước, các nhà khoa học cũng cần vào cuộc một cách mạnh mẽ để hỗ trợ nông dân áp dụng các phương pháp phòng trừ sâu bệnh mới, an toàn với con người, thân thiện với môi trường sinh thái và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.