00:00 Số lượt truy cập: 2669090

Hoà Bình: Khoa học công nghệ giúp nông dân có thu nhập cao 

Được đăng : 03/11/2016

Ngày 05/5/2012 Sở Khoa học Công nghệ và Hội Nông dân tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp hành động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Từ đó đến nay, hai ngành đã phối hợp hiệu quả nhằm đưa những kiến thức KHCN đến với hội viên, nông dân.


Hàng năm các cấp Hội Nông dân đã chủ động tuyên truyền sâu rộng tới đông đảo hội viên nông dân về vai trò của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội; các thông tin, kiến thức về khoa học và công nghệ, các mô hình, các điển hình tiên tiến của nông dân trong hoạt động sáng tạo cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh và dịch vụ ở khu vực nông thôn và miền núi. Chú trọng các hoạt động tuyên truyền về lợi ích xã hội của việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm hàng hoá nông - lâm - thuỷ sản có chất lượng cao, an toàn với sức khỏe cộng đồng; xây dựng các chuyên đề giới thiệu, phổ biến kiến thức khoa học và tập huấn kỹ thuật cho nông dân trên Tập san thông tin Khoa học và Công nghệ phát hành được 4 số với số lượng 1.400 cuốn, Bản tin Khoa học và Công nghệ phát hành được 12 số với số lượng 3.600 cuốn; Thông tin công tác Hội Nông dân tỉnh phát hành được 6 số với số lượng 15.000 cuốn; Hội đã thành lập trang Web và xây dựng hệ thống thông tin 2 chiều về giống nông hộ.

Bằng nhiều hình thức tiếp cận và tuyên truyền phong phú như tổ chức hội nghị, hội thảo, in tờ rơi, sinh hoạt Hội theo định kỳ… việc thông tin tuyên truyền thường xuyên được thực hiện đã giúp cho người nông dân có được những kiến thức bổ ích phục vụ sản xuất và chăn nuôi, ngoài nguồn thông tin như sách, báo, tài liệu, truyền hình... người nông dân đã và đang được tiếp cận với các nguồn thông tin hiện đại như internet...

Năm 2013 Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tiếp tục xây dựng và thực hiện 3 Đề tài khoa học về Chỉ dẫn địa lý “Cam Cao phong” tỉnh Hòa Bình; xây dựng thương hiệu Mía tím Hòa BìnhThổ cẩm Mai Châu; thành lập Hội quản lý và phát triển sản phẩm nhằm tăng thu nhập và quảng bá sản phẩm đặc sản Hòa Bình; xây dựng 2 mô hình dệt thổ cẩm tại xã Chiềng Châu và xã Nà Phòn huyện Mai Châu tạo việc làm thường xuyên cho 65 lao động tại địa phương, tổ chức mở 6 lớp dạy nghề dệt, thêu thổ cẩm cho 320 hội viên nông dân; mô hình vỗ béo trâu bò ở huyện Lương Sơn và Tân Lạc; mô hình chăn nuôi lợn bản địa ở huyện Lạc Sơn, Kim Bôi; mô hình trồng khoai tây, trồng ngô vụ đông cho năng xuất cao ở Kim Bôi, Mai Châu; hướng dẫn trồng nấm ăn tại huyện Cao Phong, Đà Bắc, Mai Châu, Kỳ Sơn, Lạc Thủy, thành phố Hoà Bình. Bên cạnh các hoạt động trên sở Khoa học & Công nghệ và Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông khuyến lâm, mở các lớp tập huấn KHKT về trồng trọt và chăn nuôi cho trên 68.400 lượt hội viên nông dân tham gia, thông qua việc kết hợp đưa máy móc, thiết bị kỹ thuật cao vào sản xuất thay thế sức người; hướng dẫn nông dân chọn lựa các con giống cây giống thích hợp với khí hậu, môi trường, thổ nhưỡng của địa phương để cho năng suất cao, ít bị sâu bệnh...

Từ sự hỗ trợ đó nhiều hộ có điều kiện phát triển mô hình sản xuất mang lại thu nhập cao từ 100 triệu đồng /năm trở lên, đến gần 1 tỷ đồng /năm, điển hình như hộ mô hình trồng nhãn hương chi trái vụ của anh Bùi Văn Lực xã Sơn Thuỷ huyện Kim Bôi; mô hình chăn nuôi sản xuất của anh Đoàn Văn Bình thị trấn Hàng Trạm huyện Yên Thuỷ, mô hình trồng cam của anh Lê Văn Tịnh thị trấn Cao Phong huyện Cao Phong, mô hình trồng cây lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản của anh Hoàng Công Thẩm xã Hoà Sơn huyện Lương Sơn.../.