00:00 Số lượt truy cập: 2670845

Hội Nông dân Bến Tre: Triển khai nhiều đề tài ở lĩnh vực trồng trọt đạt hiệu quả 

Được đăng : 03/11/2016

Thời gian qua, các đề tài nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh được thực hiện có hiệu quả trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, y tế, giáo dục theo hướng có trọng tâm, trọng điểm bám sát vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tập trung vào phục vụ sản xuất đời sống, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn


Hội Nông dân tỉnh đãphối hợp Sở Khoa học và Công nghệ triển khai nhiều đề tài ở lĩnh vực trồng trọt, đến nay đã đạt được một số kết quả như: Cây mía: nghiên cứu, tuyển chọn, chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất mía có năng suất, chất lượng cao với các giống mía mới như: K88-200, K93-291, K95-84, LK92-11, KU00-1-58, SuphanBuri 7 năng suấtđạt bình quân trên 120 tấn/ha và hàm lượng đường cao (CCS đạt trên 10%).

Cây ăn trái: Đã xây dựng mô hình và quy trình canh tác Sầu riêng hạn chế sượng trái có tỷ lệ sượng trái thấp (dưới 5% đối với giống Monthong, dưới 4% đối với Sầu riêng sữa hạt lép); xây dựng mô hình chứng nhận GlobalGAP cho sản phẩm Chôm chôm huyện Chợ Lách; chứng nhận GlobalGAP cho sản phẩm Bưởi da xanh thành phố Bến Tre; xây dựng tổ hợp tác liên kết thực hiện mô hình quản lý có sự tham gia của cộng đồng trên cây nhãn và chôm chôm nhằm hạn chế bệnh chổi rồng trên cây nhãn và cây chôm chôm; Đã nghiên cứu xác định tác nhân gây bệnh vàng lá, nứt và thối rễ cho các cây có múi trong vườn ươm và vườn thương phẩm; đã xác định được nguyên nhân và xây dựng quy trình hạn chế gây bệnh trên cây ăn trái như: bệnh chảy nhựa trên trái măng cụt, bệnh cháy lá trên cây chôm chôm… góp phần bảo vệ độ phì nhiêu đất, gia tăng hiệu quả sản xuất theo hướng thực hành tốt và bền vững.

Cây lúa: Đã nghiên cứu tuyển chọn được 4 giống lúa mới có khả năng chịu mặn cao góp phần ổn định diện tích lúa cho các vùng bị xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu (OM 9915, OM 9916, OM 9918, OM 9921) có khả năng chịu mặn đến 4%o, năng suất khoảng 4-5 tấn/ha. Từ kết quả này đến nay 4 giống này đã được nhân rộng trên các vùng bị xâm nhập mặn thấp. Đã chuyển giao quy trình sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh Metarhizium anisopliae ở quy mô nông hộ và xây dựng mô hình ứng dụng nấm xanh trừ rầy nâu hại lúa cho thấy các mô hình sử dụng nấm xanh M.a vừa kiểm soát được dịch rầy nâu, sâu cuốn lá đạt trên 80%, đồng thời giảm chi phí sử dụng thuốc hóa học trên 700 ngàn đồng/ha đồng thời góp phần bảo vệ sức khoẻ con người và môi trường tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Cây dừa: xây dựng chương trình KHCN về cây dừa,tổ chức triển khai xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm khôi phục và đầu tư thâm canh tăng năng suất vườn dừa trên địa bàn huyện Bình Đại. Kết quả trồng lại, trồng mới 56 ha, đạt tỉ lệ sinh trưởng và phát triển trên 95%; tổ chức thâm canh 30 ha đạt năng suất bình quân tăng từ 8,8-12,7% và thu nhập tăng từ 4,9 - 7,8 triệu đồng/năm; bình tuyển được 250 cây dừa mẹ; xây dựng 5 vườn ươm cộng đồng; cung cấp 8.160 trái dừa giống (tương ứng với 30ha); kết hợp trồng xen, nuôi xen mô hình nuôi tôm càng xanh trong mương vườn dừa tổng diện 4 ha, năng suất đạt 384 - 545 kg/ha. Lợi nhuận thu được từ 10.265.000 - 20.303.000 đồng/ha. Dự án Du nhập phát triển 500 ha dừa dứa thuộc chương trình phát triển trồng mới 5.000ha, đã xây dựng mô hình trồng 50 ha (với trên 10.000 cây) và Dự án nhân rộng 200ha, kết quả thực hiện 262,09 ha đạt 132% so với kế hoạch, chiếm 28,90% so với diện tích vườn dừa tăng thêm vào năm 2011 (907 ha)./.

Minh Hằng