00:00 Số lượt truy cập: 2690651

Hội chứng giảm đẻ ở gia cầm 

Được đăng : 03/11/2016

Hội chứng giảm đẻ (Egg Drop Syndrome - EDS) (hay còn được gọi là EDS'76) do một loại virus thuộc nhóm Adenovirus subgroup III gây bệnh ở gà. Virus này không có mối liên hệ nào về mặt huyết thanh học với các virus thuộc subgroup I và II. Đặc trưng của bệnh là gây hiện tượng gà đẻ trứng không có vỏ hoặc vỏ mỏng hơn so với gà bình thường.


Thời gian nung bệnh thường từ 7-9 ngày, một số trường hợp khi gây bệnh thực nghiệm triệu chứng chỉ xuất hiện sau 17 ngày gây bệnh.

Triệu chứng đầu tiên quan sát được là hiện tượng vỏ trứng bị mất màu. Tiếp theo đó là trứng đẻ ra có vỏ mỏng, vỏ mềm hoặc không có vỏ cứng. Bề mặt những trứng có vỏ mỏng thường xù xì, nhám, có nhiều hạt lắng đọng trên bề mặt vỏ. Nếu loại bỏ những trứng bất thường, tỷ lệ ấp nở không bị ảnh hưởng.

Khi gia cầm mắc bệnh ở giai đoạn cuối chu kỳ đẻ trứng, sự thay lông cưỡng bức có thể khiến cho tỷ lệ đẻ không bị ảnh hưởng.

Sản lượng trứng có thể giảm rất nhanh hoặc giảm dần trong một vài tuần. Vì EDS thường kéo dài trong 4-10 tuần, sản lượng trứng giảm khoảng 40%, trung bình mất khoảng 10-16 trứng/con. Nếu bệnh xảy ra do kết quả của sự tái kích hoạt của virus, sản lượng trứng thường giảm khi tỷ lệ đẻ đạt cao nhất. Khi các vụ dịch xảy ra, người tra ghi nhận kích thước trứng bị ảnh hưởng; nhưng bằng thực nghiệm điều này vẫn chưa được chứng minh. Chất lượng lòng trắng trứng cũng bị ảnh hưởng, rõ nhất khi gà bị nhiễm virus từ lúc 1 ngày tuổi làm giảm chất lượng lòng trắng trứng cũng như kích thước quả trứng.

Một số đàn gia cầm do kháng thể thu được trước khi virus tiềm ẩn được kích hoạt, triệu chứng lâm sàng biểu hiện rất khác nhau, có thể sản lượng trứng không đạt được như dự đoán, hoặc thời kỳ đẻ trứng bị trì hoãn hoặc một số biểu hiện không rõ ràng của hội chứng.

Gia cầm bệnh vẫn khỏe mạnh, một số đàn có biểu hiện chậm chạp, kém ăn, tiêu chảy trong một thời gian ngắn.

Tại Ấn Độ, tỷ lệ mắc bệnh khoảng 32.6%. Bằng thực nghiệm nếu gây bệnh cho gà 1 ngày tuổi làm tăng tỷ lệ chết trong tuần đầu tiên, nhưng nếu gà bố mẹ đã có miễn dịch, tỷ lệ chết không tăng.

· Vệ sinh phòng bệnh

Vì virus lây qua trứng nên có thể áp dụng các biện pháp để phòng bệnh như: chọn gà giống từ những cơ sở giống chất lượng, không bị nhiễm virus, gà con phải được chọn từ những đàn gà được tiêm phòng cẩn thận.

Đảm bảo vệ sinh phòng bệnh trong quá trình chăn nuôi, vận chuyển trứng, quá trình tiêm phòng. Vì virus có nguồn gốc từ vịt và ngỗng nên cần nuôi hai loài này cách xa khu nuôi gà.

Nếu đàn gà bệnh và gà không bị bệnh được nuôi chung, cần tiến hành tách riêng rẽ trong quá trình chăn nuôi, ấp nở. Nếu có điều kiện nên sử dụng các máy ấp riêng rẽ, hoặc nếu không phải sử dụng các khay ấp nở riêng.

· Phòng bệnh bằng vacxin

Hiện nay, vacxin vô hoạt bổ trợ dầu được sử dụng rộng rãi để phòng EDS, dùng cho gà từ 14-16 tuần tuổi. Kháng thể sản sinh sau khi tiêm vacxin 7 ngày, đạt tối đa sau 2-5 tuần. Độ dài miễn dịch của vacxin là 1 năm.

· Điều trị

Không có thuốc điều trị đặc hiệu. Có thể bổ sung vitamin, tăng hàm lượng canxi và protein trong khẩu phần cho gà đẻ, gà giống để tăng năng suất đẻ và tăng chất lượng trứng./.