00:00 Số lượt truy cập: 2662627

Hưng Yên: Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đạt hiệu quả 

Được đăng : 03/11/2016

Theo Hợp đồng số31/HĐ-SKHCN ngày 26/3/2013giữa Hội Nông dân và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên, năm 2013 Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân huyện Kim Động và Hội Nông dân Khoái Châu xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đạt hiệu quả kinh tế để tuyên truyền nhân ra diện rộng.


Mô hình sản xuất lúa Nhật Bản xuất khẩu (giống lúa Akita Komachi) được thực hiện tại xã Nhuế Dương (huyện Khoái Châu), với diện tích 5,4 ha gồm 30 hộ nông dân tham gia. Trước khi triển khai xây dựng mô hình, Hội đã phối hợp tổ chức tập huấn cho hội viên nông dân về quy trình gieo trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho lúa; hỗ trợ 50% định mức phân bón, tiền giống, thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ tham gia. Thuê cán bộ kỹ thuật thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn hội viên nông dân kịp thời trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa cho đến kỳ thu hoạch.

Ngày 06/9/2013, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức Hội nghị đầu bờ đánh giá kết quả thực hiện mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Qua thời gian triển khai và thực hiện mô hình, cho thấy giống lúa Akita Komachi có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống lúa đại trà đang sản xuất trong địa bàn tỉnh Hưng Yên như: có thời gian sinh trưởng ngắn, gieo cấy được cả hai vụ: vụ xuân (105- 110 ngày), vụ mùa (90 - 95 ngày), thích hợp với chân ruộng đất vàn, thích ứng rộng, sinh trưởng mạnh, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, cây thấp nên có khả năng chống đổ tốt, khi trỗ có khả năng chịu lạnh cao, tỷ lệ dảnh hữu hiệu cao, tỷ lệ hạt lép thấp. Giá bán lúa Akita Komachi trên thị trường hiện nay cao hơn các giống lúa đại trà khác (vụ mùa năm 2013 là 7.000đ/kg thóc tươi), chất lượng gạo ngon có thể xuất khẩu. Đặc biệt giống lúa Nhật Bản được Công ty xuất khẩu lúa An Đình (67 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội) thu mua sản phẩm ngay khi còn tươi, người dân không phải phơi, không phải bảo quản nên tạo điều kiện cho nông dân tập trung trồng cây vụ đông. Tại hội nghị đã có nhiều ý kiến tham luận của hội viên nông dân trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm về việc gieo cấy và chăm sóc giống lúa Nhật Bản đạt hiệu quả kinh tế cao cho hội viên nông dân tham dự học tập và áp dụng làm theo. Các hộ nông dân tham gia mô hình sẽ tiếp tục gieo cấy giống lúa mới và tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tại địa phương cùng tham gia thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa tại địa phương.

Mô hình trồng nấm và mộc nhĩ được thực hiện tại xã Phú Thịnh (huyện Kim Động), với diện tích 3.000m2 gồm 03 hộ nông dân tham gia. Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Nấm Văn Giang tổ chức tập huấn, hỗ trợ 50% lượng giống cho các hộ tham gia, đồng thời hỗ trợ 50% vật tư trồng nấm như giàn và máy bơm nước. Thuê cán bộ kỹ thuật thường xuyên giám sát, hướng dẫn các hộ tham gia. Đến nay, mô hình trồng nấm và mộc nhĩ bước đầu cho hiệu quả, nhiều hộ nông dân tại địa phương đã quan tâm và đăng ký tham gia mô hình./.