00:00 Số lượt truy cập: 2673126

Kỹ thuật nhân giống và gây trồng cừa lá tù 

Được đăng : 03/11/2016

Cừa lá tù còn có tên khác: Cừa, Gừa Trung Quốc, Đa cọng ngắn. Là cây gỗ cao đến 30 mét, không lông, cành non to, vàng nâu. Lá hình trứng ngược, xanh sáng hơn Cừa lá mũi, đỉnh lá không nhọn mà tù hoặc hơi lõm. Gân phụ nhiều, nhìn rõ ở mặt dưới, cứng, có màu nâu tươi lúc khô. Cuống lá dài 1,5-3cm, lá bẹ 2cm. Quả tròn, to 1cm, trên cọng rất ngắn, tổng bao 3 lá, hoa cao 3-5mm, hoa có 3 lá đài, hoa đực có 1 tiểu nhụy.


Cừa lá tù thường bắt gặp ở các vùng núi đá vôi, ở độ cao từ 500-1400m, cây cũng phát triển tốt trên những vùng đất ngập nước như trên bờ kênh, rạch, ven các sông nhờ có hệ rễ phụ sinh phát triển mạnh.

Mùa hoa quả: Cuối mùa hè đến đầu mùa thu.

Trên thế giới, cừa lá tù phân bố ở Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar, MalaysiaIndonesia. Ở Việt Nam, cây xuất hiện hầu hết ở các tỉnh thành từ Bắc vào Nam, thường gặp ở các kênh rạch, bờ nước, vùng triều.

* Giá trị sử dụng

Lá và rễ khí sinh được sử dụng trong các bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, lợi niệu, tiêu viêm.

Cây có dáng đẹp, thích nghi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt khác nhau nên được trồng làm cảnh, trồng làm bóng mát và trồng để giữ đất, chống sạt lở ven sông, lòng hồ.

1.     Kỹ thuật tạo cây con

Đối với cừa có thể tạo cây con bằng hạt hoặc bằng cây hom. Trong thực tế gây trồng chủ yếu vẫn dùng phương pháp tạo cây con bằng hom là phổ biến.

· Tạo cây con từ hạt

+ Nguồn giống: Hạt giống được thu hái từ những cây sai quả, sinh trưởng tốt. Tốt nhất nên thu hái hạt từ những cây đã thành thục sinh trưởng.

+ Thu hạt giống: Thời gian thu hái từ tháng 6 đến tháng 7, tốt nhất là vào lúc cây bắt đầu có quả chín. Nhận biết quả chín: Khi chín vỏ quả chuyển từ màu xanh sang màu vàng, quả mềm, dễ bóp vỡ. Dùng sào để thu hái quả.

+ Xử lý hạt giống: Sau khi thu hái quả mang về tiến hành ủ khoảng 2-3 ngày cho quả chín đều sau đó mới đem xử lý. Dùng tay xát nhẹ để tách hạt ra khỏi vỏ, sau đó dùng sàng lỗ nhỏ để tách lấy hạt riêng và phần vỏ riêng.

Ngâm hạt trong nước ấm 45-50o (2 sôi 3 lạnh) trong 8-10 giờ, vớt hạt ra cho vào túi vải ẩm ủ hạt trong 1-2 ngày trước khi gieo (cần tiến hành rửa chua 1 lần/ngày) hoặc có thể gieo hạt vào cát ẩm và tiến hành tưới ẩm hàng ngày.

+ Tạo bầu: Kích thước bầu được sử dụng là 9 x 14 cm, thành phần ruột bầu gồm 95% đất phù sa + 5% phân vi sinh hoặc 89% đất phù sa + 10 % phân chuồng hoai + 1% supe lân.

+ Gieo hạt: Hạt sau khi được xử lý xong tiến hành đem gieo lên luống cát ẩm hoặc cám xơ dừa, sau thời gian 7-15 ngày cây bắt đầu nảy mầm.

+ Cấy cây: Khi cây con có từ 4-6 lá, cao khoảng 5-7cm thì tiến hành cấy cây vào bầu. Trước khi nhổ cây đi cấy cần tưới nước ướt đẫm luống cát và luống bầu chuẩn bị cấy cây. Dùng que cấy chọc lỗ sâu 3-5cm ở giữa bầu, độ rộng của lỗ tùy thuộc vào kích thước của rễ cây khi đem cấy, trường hợp rễ dài quá thì nên cắt bớt rễ. Đặt cây con vào lỗ và dùng tay nén chặt đất vào xung quanh rễ. Sau khi cấy xong tiến hành tưới ướt đẫm bầu một lần nữa để rễ và đất ở trong bầu có thể dính kết nhau.

+ Chăm sóc cây con

Cây con sau khi cấy vào bầu cần phải tưới nước đủ ẩm và che bóng từ 50-75%.

Tưới nước: Trong 30 ngày đầu sau khi cấy cây vào bầu phải tưới nước nhẹ mỗi ngày 1 lần, vào những ngày nắng to phải tưới nước 2 lần/ngày để tránh hiện tượng thiếu nước làm cho cây bị héo. Thời gain sau đó 2-3 ngày tưới 1 lần nhưng phải tưới ướt đẫm bầu.

Định kỳ 15 ngày tiến hành làm cỏ phá váng cho cây 1 lần, không làm tổn thương đến cây con. Kết hợp bón thúc cho cây con bằng cách dùng phân NPK pha loãng 1% sau đó tưới lên cây.

+ Tiêu chuẩn cây con xuất vườn

Tiêu chuẩn cây con đem trồng có đường kính gốc từ 0,5-1,0cm, chiều cao từ 0,6-1,0m. Về tuổi cây từ 8-10 tháng tuổi, về phẩm chất cây phải là cây sinh trưởng tốt, thân cứng, tán lá đều và không bị sâu bệnh.

· Tạo cây từ cành hom

+ Kỹ thuật lấy hom

Dụng cụ: Kéo cắt cành, thùng xốp hoặc xô nhựa.

Chọn cành lấy hom: Cành lấy hom là những cành bắt đầu già, khỏe, không bị cong queo.

Cắt cành hom: Thời điểm cắt hom thường tiến hành vào những ngày trời mát hoặc vào buổi sáng sớm. Dùng kéo cắt cành để cắt hom sao cho mỗi hom cần phải có ít nhất 3 đốt. Cành tạo hom có chiều dài từ 20-30cm, đường kính từ 0,5-1,5cm tùy loại hom (hom ngọn hoặc hom giữa đoạn cành).

Cành hom sau khi cắt được đặt vào thùng xốp hoặc xô có đựng nước để hạn chế lượng bốc hơi nước làm cho gốc hom khô.

+ Xử lý hom: Trước khi giâm hom, tiến hành rửa sạch phần nhựa mủ ở vết cắt, vẩy ráo nước, sau đó chấm thuốc kích thích ra rễ IBA với nồng độ 500ppm hoặc 750ppm, 1000ppm tùy theo loại hom, hom càng già thì nồng độ càng cao.

+ Cấy hom

Cành hom sau khi chấm thuốc kích thích để chừng 10-15 phút cho thuốc thấm và dính vào vết cắt, cấy cây vào bầu đã chuẩn bị sẵn. Cấy hom trực tiếp vào luống bầu. Chú ý trước khi cấy cây, bầu phải được tưới ướt đẫm nước.

Bầu cấy cành hom có kích thước 10x18cm, thành phần ruột bầu là đất thịt nhẹ hoặc đất cát pha. Dùng que cấy chọc lỗ chính giữa bầu, độ rộng của lỗ lớn hơn kích thước cành hom một chút, chiều sâu 3-5cm tùy thuộc vào chiều dài của cành hom. Cấy hom vào lỗ, dùng tay nén nhẹ đất ở xung quanh cành hom để gốc hom tiếp xúc với đất. Sau khi cấy hết cành hom trên luống bầu cần phải tưới nước lại một lần để cho túi bầu ướt đẫm một lần nữa.

+ Chăm sóc cây hom

Tưới nước: Cây hom sau khi cấy cần được tưới nước thường xuyên, tốt nhất là bằng hệ thống phun sương tự động. Tùy thuộc vào thời tiết để điều chỉnh thời gian phun và khoảng cách giữa 2 lần phun liên tiếp cho hợp lý, vào những ngày trời nắng to thì thời gian phun dài hơn, từ 4-6 giây/lần phun và khoảng cách giữa 2 lần phun liên tiếp ngắn hơn, từ 5-6 phút/lần, vào những ngày trời râm mát thì thời gian phun ngắn hơn, từ 3-5 giây/lần phun và khoảng cách giữa 2 lần phun liên tiếp dài ra, từ 10-15 phút/lần, còn vào những ngày trời mưa thì nên tắt nước.

Khi sử dụng hệ thống tưới nước bằng hệ thống phun tự động cần phải chú ý kiểm tra thường xuyên hệ thống tưới, tránh trường hợp mất nước giữa chừng làm cho cây hom chết. Nền luống đặt bầu phải cao ráo và bằng phẳng, nên có hệ thống rãnh thoát nước ở 2 bên luống để tránh trường hợp cành hom bị úng nước.

Cây hom sau 30-35 ngày thì bắt đầu ra rễ, lúc này nên giảm dần lượng nước tưới cho hom. Khi các cành hom ra chồi, các lá bắt đầu phát triển và rễ ra đồng đều thì ngừng tưới phun tự động và chuyển qua tưới bằng tay 1 lần/ngày đảm bảo đủ nước để cây phát triển bình thường.

Sau 3 tháng có thể tiến hành bón thúc cho cầy bằng NPK pha với nước với nồng độ 1% để tưới. Sau đó, định kỳ hàng tháng tiến hành bón thúc cho cây 1 lần.

+ Tiêu chuẩn cây con xuất vườn: Cây hom sau 6-8 tháng tuổi, có đường kính gốc lớn hơn 1cm và có chiều cao 0,6-1,0m. Cây sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh, phát triển cân đối.

2. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

· Điều kiện gây trồng: Trồng trên các vùng đất ẩm ven các kênh, rạch, bờ sông, các vùng đất ngập trũng theo mùa.

· Phương thức trồng: Trồng thuần loài hoặc trồng xen với một số loài cây khác.

· Kỹ thuật trồng

+ Thời vụ trồng: thời điểm trồng thường vào đầu mùa xuân, thời tiết mát mẻ và có mưa. Tuy nhiên, tùy từng vùng địa lý, sinh thái khác nhau để xác định thời điểm trồng thích hợp.

+ Làm đất: Quy cách hố: 30 x 30 x 30cm. Khi cuốc hố phần đất tốt để riêng một bên và phần đất xấu để riêng một bên. Lấp hố bằng đất tốt khi cuốc lên và đất xung quanh cùng với cỏ rác, thảm khô mục lấp phần đáy hố. Vun đất theo hình mai rùa. Thời gian cuốc hố phải hoàn thành trước lúc trồng 15 ngày.

+ Bón phân: Bón lót 2-5kg phân hữu cơ + 0,05kg phân lân.

+ Trồng cây: Trộn đều phân và đất trong hố, đặt bầu cây ở vị trí trung tâm sao cho mặt trên bầu ngang hay hơi cao hơn với mặt đất mép hố. Rạch và xé bỏ vỏ bầu, đặt cây thật ngay ngắn rồi dùng tay gạt và lèn đất chặt ít nhất là 1/2 phần dưới bầu. Dùng cuốc cào vun đất và dùng chân giẫm đất xung quanh gần sát với thành bầu, tiếp tục sửa thế cây và vun đất cao hơn mặt trên bầu độ 2-3cm. Sau khi trồng xong nếu gặp thời tiết nắng nóng thì phải tưới nước cho cây. Dùng 3 cọc tre hoặc gỗ cao 1m cắm theo dạng hình chóp tam giác bao quanh cây để bảo vệ cây khỏi bị sóng hay gió làm gãy vào mùa nước lớn.

Chăm sóc và bảo vệ cây trồng:

Thời gian 2 tháng đầu sau khi trồng, tiến hành kiểm tra và trồng giặm những cây bị chết.

Trong 2 năm đầu, cần chú ý chăm sóc, bảo vệ và theo dõi tình hình sinh trưởng của cây thường xuyên. Chăm sóc mỗi năm 2 lần, chủ yếu là làm cỏ và dọn vệ sinh xung quanh gốc cây.

Bảo vệ không cho gia súc phá hay làm gãy cây./.