00:00 Số lượt truy cập: 2692266

Kỹ thuật nuôi cá he trong bè 

Được đăng : 03/11/2016

Hình thức này nuôi phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long.


1.     Thiết kế bè theo kích thước

Dài x rộng x cao (m): 5x3x2.5; 8x4x2.5; 16x5x3.5.

-   Vật liệu: gồm các gỗ bền trong nước như: sao, vên vên, bo bo, cẩm xe, có thể tận dụng tre gáo để làm bè.

Vật liệu giữ bè: dây chằng, phao nổi neo, dưới.

-   Cấu tạo bè:

+ Phần mặt bè: gồm đà ngang, đà dọc, ngang bên hông bè có 1 điểm tựa (dùng để gắn phao nổi) nẹp gỗ để lót ván. Trên mặt bè có chừa một hoặc hai cửa để cho cá ăn (có nắp đậy).

+ Phần xung quanh bè: có các thanh gỗ chéo hai bên hông và hai đầu bè. Xung quanh bè có đỗ đứng, ở hai đầu bè nơi tiếp giáp với dòng nước chảy có 2 mặt được đóng bằng lưới kẽm để nước lưu thông dễ. Ngoaì ra có thiết kế cửa ván khi cần đóng lại xử lý thuốc.

+ Phần đáy bè: có đà ngang lớp trên, đà ngang lớp dưới đáy bè, giữa đà ngang lớp trên và dưới có đà dọc đáy bè, đáy bè được lót bằng ván.

+ Phần làm nổi: gồm phuy hoặc tre bó thành bó.

+ Phần cố định bè: nên chọn vật liệu bền trong nước không gỉ như: đinh bu lông,…

Đóng bè xong ngâm nước nửa tháng hoặc có thể sơn chống thấm tăng thời gian sử dụng bè.

Trên mặt bè có mái che để người ngủ giữ và tránh ánh nắng trưa gay gắt rọi vào cá.

Các dụng cụ phục vụ nuôi như: chảo nấu, cối xay cá, vợt, lưới để bắt cá.

Tỷ lệ ghép cá he, chài chiếm 25-30% trong lồng nuôi chung.

2.     Vị trí đặt bè

-   Nguồn nước trong sạch; pH = 7-8, nước ngọt quanhnăm.

-   Nơi nứơc sâu, biến động nước trong ngày thấp, dòng chảy vừa (0.2-0.3m/giây), nơi có gió nhẹ ánh nắng vừa phải.

-   Nơi quản lý, chăm sóc thuận tiện.

Không đặt bè ở chỗ: sông rạch quá cạn, nhiều rác tích tụ, nơi nước xoáy, nước không chảy hoặc chảy quá mạnh. Nơi có nhiều sóng gió, tàu bè qua lại, nơi gần nguồn nước bẩn: chợ, nhà máy công nghiệp, nước xả từ đồng ruộng.

3.     Chọn và thả cá

Chọn cá đúng kích cỡ đồng đều, khoẻ mạnh, không bị xây xát, không bị dị tật. Bỏ những con bị quắm mỏ, hóp mang do khi ương bị thiếu oxy, nếu bắt về nuôi sẽ bị chậm lớn.

Cỡ giống: 12-15 g/con.

Mật độ thả: 800-1000con/m3.

Thời gian thả tháng 6, tháng 7.

Trước khi thả cá tắm bằng nước muối 2-3% trong thời gian 10-15 phút.

4.     Chăm sóc quản lý

Thức ăn theo khẩu phần: cám 25-35%; gạo, tấm: 35-38%; rau xanh 5-10%; cá tươi 25-27%.

Các thức ăn như: gạo, tấm, cám được nấu chín, xắt rau xanh, cá tươi xay nhuyễn trộn lẫn vào nhau vắt thành viên cho cá ăn.

Gạo tấm có thể xay bằng khoai lang, sắn, bắp xay để tận dụng sản phẩm của địa phương, giảm giá thành. Nếu không chủ động được cá tươi có thể xay bằng bột cá.

Số lượng và cách cho cá ăn, số lượng thức ăn trong ngày như sau:

Cỡ cá (g/con)

Tỷ lệ cho ăn (%) tổng trọng lượng cá

dưới 10

8-12

10-12

6-10

20-50

4-8

50-100

3.5-6

Trên 100

3-5

 

Ngày cho ăn hai lần vào lúc nước chảy mạnh để kích thích cá bắt mồi. Khi cho ăn nên rải thức ăn từ từ và cho ăn nhiều điểm để tất cả cá đều ăn được.

· Quản lý chăm sóc:

Mỗi ngày phải quan sát hoạt động bắt mồi của cá, tình hình sức khoẻ bệnh tật để xử lý kịp thời.

Hàng ngày vệ sinh bè, kiểm tra quanh bè để tránh thất thoát cá.

Trường hợp nước chảy quá mạnh, quá yếu hoặc lúc nước đứng, bè nuôi với mật độ dày phải dùng máy để quạt nước cho bè cung cấp đủ oxy cho cá.

5.     Thu hoạch

Nuôi sau 8-10 tháng cá đạt 0.15-0.2 kg trở lên có thể thu hoạch. Trước khi thu hoạch nên ngừng cho ăn 2-3 ngày để tránh cá bị mệt trong quá trình bắt. Dùng lưới kéo và nên thu trong thời gian ngắn./.