00:00 Số lượt truy cập: 2662971

Kỹ thuật trồng đậu tằm 

Được đăng : 03/11/2016

Hỏi: Tôi xem trên tivi và được biết hiện nay trồng đậu tằm cho giá trị kinh tế cao. Tôi muốn biết rõ hơn về loại cây này và kỹ thuật trồng?

Nguyễn Văn Huy (Chương Mỹ, Hà Nội).


Đáp:

Cây đậu tằm từ lúc gieo hạt đến thu hoạch chỉ khoảng 120-140 ngày, năng suất hạt đậu tằm tươi có thể đạt 6 tấn/ha/vụ, có thể trồng vào vụ đông ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, vụ thu ở vùng cao các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Đậu tằm có khả năng cung cấp hạt đậu rau cho thị trường và dùng làm thức ăn trong nuôi cá cho hiệu quả kinh tế cao. Xin giới thiệu cùng bạn và bà con kỹ thuật trồng đậu tằm ở vùng Đồng bằng sông Hồng:

1. Làm đất:

Nếu trồng đậu tằm trên đất màu thì phải cày bừa kỹ, đảm bảo đất tơi xốp, thoát nước tốt. Nếu trồng trên đất lúa, thì không cày lật, chỉ cần làm luống rộng 1,5m, có rãnh thoát nước tốt, đảm bảo sau khi trồng, cây đậu tằm mọc rễ thuận lợi, nốt sần phát triển tốt.

2. Chọn giống và xử lý hạt giống:

Cần chọn giống tốt có năng suất cao, chất lượng tốt. Nên chọn giống đậu tằm quả dài, hạt đậu tươi lớn, vỏ mỏng, thịt mềm mịn, nhiều đường.

Khi trồng phải chọn hạt to, mẩy, không có vệt sâu bệnh, phơi nắng 2 -3 ngày, ngâm vào nuớc 30oC trong 20 - 30 giây rồi lại ngâm vào nước lã 1 ngày đêm. Sau đó lấy hạt đã ngâm đem ủ thúc mầm, khi mầm rễ phôi dài 1- 2cm thì đem trồng vào bầu hoặc trồng ngoài ruộng.

3. Thời vụ trồng:

- Trồng trên đất màu: Có thể trồng vào đầu tháng 9 để thu hái vào tháng 1 năm sau.

- Trồng vào vụ đông trên đất lúa: Có thể dùng cách ươm hạt vào bầu từ 15/9 đến hết tháng 9, trong bầu có phân hữu cơ vi sinh. Trước 5/10 ra ngôi trồng vào ruộng lúa, thu hái vào cuối tháng 1 năm sau, để kịp đất cấy lúa xuân. Cũng có thể ươm hạt ra mầm rồi trồng thẳng vào ruộng lúa trước 5/10, nhưng thu hái vào đầu tháng 2 năm sau, thời vụ sẽ rất khẩn trương.

4. Khoảng cách mật độ:

 Phải đảm bảo mật độ trồng, để đạt năng suất cao. Khoảng cách cây x hàng 30 x 40 cm, mật độ khoảng 70.000 - 80.000 cây/ha lượng hạt khoảng 90kg/ha (giống Nhật).

 5. Bón phân, tưới tiêu nước:

Đậu tằm nhạy cảm với phân bón, nhất là P, K. Bón lót trước khi trồng 500 kg NPK/ha. Vào thời kỳ sinh trưởng tuỳ sự sinh trưởng của cây để quyết định mức bón thúc. Vào lúc ra hoa bón 120kg ure/ha để tăng tỷ lệ đậu quả và đậu hạt. Vào lúc ra quả, bón thúc 2 - 3 lần, nên dùng phân hữu cơ vi sinh bón 1 tấn/ha. Vào thời kỳ cây con đậu tằm chịu khô hạn tốt, sau ra hoa cần đủ ẩm, nếu đất khô cần tưới. Nhưng chú ý không để đọng nước, nếu đọng nuớc rễ phát triển kém, rụng hoa quả nhiều. Vào thời kỳ đậu quả, không cần tưới nuớc, giữ đất khô ráo để tăng tỷ lệ đậu quả. 

6. Bấm ngọn, tỉa cành: 

Đậu tằm cần được bấm ngọn, tỉa cành để cải thiện điều kiện thông thoáng, phân phối dinh dưỡng hợp lý, tăng năng suất, gồm 3 việc sau:

 - Ngắt ngọn thân chính: khi cây cao 20 cm thì ngắt ngọn thân chính

 - Tỉa cành: Cây đậu tằm Nhật phân cành nhiều, nhưng không phải mọi cành đều ra quả, nếu để cành mọc tự nhiên, độ thoáng kém, giảm cành hữu hiệu, rụng hoa quả nhiều. Do đó phải kịp thời tỉa bớt cành, khử cành yếu, cành có bệnh, và cành mọc chậm. Chỉ nên giữ 4 – 8 cành hữu hiệu trên 1 cây, các cành còn lại cần cắt tỉa trước khi ra hoa, kết quả

 - Bấm ngọn: đậu tằm Nhật ra hoa, kết quả từ dưới lên, càng gần phía ngọn, hoa quả càng ít, do đó đến khi vào thời kỳ ra hoa rộ cần bấm ngọn để ngăn dinh dưỡng chuyển lên ngọn mà tập trung vào hoa quả ở dưới, tăng số quả và hạt, chín đều, năng suất cao. Việc bấm ngọn làm vào ngày nắng.

 7. Phòng trừ dịch bệnh:

 Đậu tằm dễ bị rệp, bọ trĩ gây hại, cần diệt trừ kịp thời. Nếu phát hiện cây bị virut gây hại thì lập tức nhổ bỏ rồi huỷ ngay, không để lây lan. Đậu tằm cũng có bệnh đốm đỏ, đốm nâu, chủ yếu là phòng ngừa bằng cách giảm độ ẩm trong ruộng, tăng bón P, K, tỉa cành, nhổ cây bệnh kịp thời, khi cần thiết thì dùng thuốc để chữa trị.

8. Thu hái

Thu hái đậu rau ăn tươi phải kịp thời để đảm bảo chất lượng thương mại của sản phẩm. Khi hạt đã đẫy, màu vỏ xanh nhạt, rốn hạt có vết đen chưa rõ thì thu hái để làm đậu rau ăn hạt tươi. Quả thu hái xong không được chất đống, kịp thời bóc hạt để bán hạt tươi hoặc đưa vào cấp đông. Thời vụ hái cần làm gọn trong 10 ngày, nên thu vào ngày nắng ráo. Nếu trồng đậu tằm lấy hạt khô thì thu hoạch vào sau khi hạt đã chín khô./.