00:00 Số lượt truy cập: 2690683

Kỹ thuật trồng địa liền 

Được đăng : 03/11/2016

Tên thường gọi: Địa liền

Tên phổ thông: Sơn nao tam tại, Thiền liền, Sa khương, faux galanga

Tên khoa học: Kaempferia galanga L.

Họ gừng: Zingiberaceae.


· Giá trị sử dụng

Địa liền dùng làm thuốc chữa ngực bụng đau, đau răng. Thường dùng làm thuốc giúp quá trình tiêu hóa tốt hơn, có tác dụng giúp ăn ngon, chóng tiêu và còn làm thuốc xông. Rượu ngâm dùng xoa bóp chữa tê phù, tê thấp, nhức đầu, đau nhức.

· Đặc điểm nhận biết

Địa liền là cây thân cỏ nhỏ sống lâu năm. Có thân rễ dạng củ (như củ gừng) hình trứng có nhiều nhánh bám vào nhau. Có 2-3 lá mọc sát đất và xòe ngang, hình trứng rộng, trên mặt lá xanh lục thẫm, mặt dưới có lông mịn, lá có kích thước từ 8-15 cm. Cụm hoa mọc ở giữa thân, cành màu trắng, với những điểm màu tím ở giữa hoa.

Thân củ ở dưới mặt đất có màu nâu nhạt. Trong thân có chứa tinh dầu thơm.

· Đặc điểm sinh thái, phân bố

Cây ưa sáng, có khả năng chịu bóng, thường mọc nơi có thành phần cơ giới nhẹ đến trung bình, tầng đất tơi xốp, ẩm nhưng thoát nước.

Phạm vi phân bố rộng, mọc hoang ở nhiều tỉnh, được trồng khắp nơi trong cả nước. Trồng nhiều ở Bắc Giang, Hưng Yên.

· Kỹ thuật gây trồng

-   Phương thức trồng: Địa liền có thể trồng trên đất vườn nhà hoặc vườn đồi nơi ít dốc, đất tơi xốp, hoặc có thể trồng xen dưới tán vườn cây ăn quả hay tán rừng trồng nơi không bị tán cây che khuất.

-   Thời vụ trồng: Trồng vào vụ Xuân (tháng 2, tháng 3) khi thời tiết ấm áp có nhiều mưa phùn, độ ẩm không khí cao.

-   Chọn giống: Địa liền trồng bằng củ (thân ngầm ở dưới đất). Củ sau khi dỡ được bảo quản nơi râm mát, thường đặt dưới sàn nhà hay xếp trên giá thành từng tầng. Chọn những củ còn tươi không bị thối, tách thành từng nhánh như nhánh gừng hoặc cắt khúc trên đó có mang các mắt (chồi nhủ) để đem trồng.

-   Phát dọn cây cỏ: Dùng dao phát dọn sạch cỏ, cây bụi, dây leo trên diện tích trồng địa liền.

-   Làm đất: Cuốc toàn diện (nếu trồng trên đất vườn nhà hoặc vườn đồi, sau đó lên luống rộng khoảng 1-1,2m, cao 25cm, bón lót bằng phân chuồng hoai trước khi trồng 15 ngày.

Cuốc theo băng (nếu trồng dưới tán vườn cây ăn quả vải, nhãn, cam, hồng...), chiều rộng của băng tùy thuộc vào tán cây ăn quả, không cuốc vào phần dưới tán cây ăn quả. Sau đó bón lót bằng phân chuồng hoai.

Dùng vôi bột rắc đều trên mặt luống để trừ kiến và sâu bệnh, khử chua.

Làm cho đất tơi xốp rồi đánh rạch trên mặt luống sâu 2-3cm, mỗi rạch cách nhau 20-25cm.

-   Kỹ thuật trồng: Khi địa liền đã nảy mầm, xếp vào rổ hay sọt đem đi trồng. Dùng tay đặt từng nhánh trên rạch đã chuẩn bị sẵn, mỗi nhánh đặt cách nhau 20-25 cm. Sau đó phủ một lớp đất mịn dày 1-1,5cm lên phía trên, dùng tay lèn chặt đất xung quanh. Có thể phủ một lớp rơm rạ hoặc trấu mỏng lên mặt luống để giữ ẩm.

-   Chăm sóc: Vào những ngày trời khô nóng cần tưới nước đủ ẩm. Thường xuyên làm cỏ, xới xáo quanh gốc cho đất tơi xốp. Khi cây mọc được 2 lá có thể dùng nước phân chuồng pha loãng để tưới giữa 2 rạch. Giai đoạn hình thành củ cần bón thúc có thêm Kali.

· Thu hái, sơ chế, thị trường

Thu hoạch củ từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau, dùng cuốc hoặc thuổng đào xung quanh, nhẹ nhàng lấy cả bụi lên, rửa sạch hết cát, thái thành lát mỏng đem phơi khô dưới nắng. Tuyệt đối không sấy vì tinh dầu sẽ bị giảm, kém thơm. Bảo quản trong túi nilon hoặc chum vại sành.

Theo kinh nghiệm của người dân có thể sử dụng củ địa liền tươi hoặc khô cạovcỏ cho vào ninh măng chân giò hay hầm gà giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Có thể dùng địa liền, quế chi tán nhỏ uống để chữa ăn uống không tiêu, đau dạ dày, đau điền kinh. Củ địa liền ngâm rượu dùng làm thuốc xoa bóp giảm đau.

Trên thị trường có thể tiêu thụ dạng củ tươi hay khô hoặc thái mỏng phơi khô./.