00:00 Số lượt truy cập: 2690601

Kỹ thuật trồng trám ghép 

Được đăng : 03/11/2016

Tên thường gọi: Trám trắng

Tên khoa học: Canarium album Raeusch

Họ: Trám - Burseraceae


1. Giá trị sử dụng:

Trám trắng là loài cây đa tác dụng, quả dùng làm thực phẩm như kho với thịt, cá hay "ỏm" để ăn tươi, hoặc lám mứt trám, ô mai trám, hạt có dầu béo ăn rất bùi, đây là loại dầu ăn cao cấp. Nhựa Trám dùng làm hương liệu, chế tinh dầu và cô lophan, nhân dân thường dùng làm hương thắp vào các dịp lễ, Tết. Gỗ dùng trong xây dựng, gỗ dán lạng, đóng đồ. Trồng Trám ghép chủ yếu phục vụ mục đích lấy quả.

2. Đặc điểm hình thái:

Trám trắng là cây gỗ lớn, cao 25-30cm, đường kính ngang ngực có thể đạt 80-120cm. Thân tròn, thẳng, vỏ xám trắng, lúc già thường bong vẩy. Vết đẽo có nhựa thơm hơi đục. Lá kép lông chim lẻ có 7-13 lá chét; lá chét hình trái xoan thuôn hoặc hình trứng dài 6-15cm, rộng 2,5-5,5cm; đầu lá nhọn dần, đuôi lệch, mép nguyên; mặt dưới lá thường có nhiều vẩy sáp trắng. Gân bên 12-16 đôi. Có lá kèm sớm rụng.

Hoa tự chùm, quả hình trái xoan khi chín màu vàng xanh, hạt hình thoi.

3.     Đặc tính hình thái và phân bố

Trám trắng là loài cây ưa sáng, sinh trưởng tương đối nhanh. Mùa ra hoa tháng 4-5, quả chín tháng 9-10. Trám trắng sinh trưởng và phát triển tốt trên đất ferarit đỏ vàng, phát triển trên đá mẹ phiến thạch sét, phiến thạch mica, riolit. Đất có tầng dày, ẩm, thoát nước, lượng mùn khá, đất, còn tính chất đất rừng. Tái sinh hạt và chồi tốt.

Trám trắng là loài cây phân bố cả 3 miền Bắc, Trung, Nam từ độ cao 10m đến 1000m so với mực nước biển, nhưng nhiều nhất từ độ cao 100m đến 800m. Cây thường mọc trong rừng tự nhiên, sau nương rẫy.

4.     Kỹ thuật tạo giống

4.1.        Thu hái, chế biến và bảo quản hạt giống

* Thời gian thu hái

Thu hái quả vào thời gian quả chín, tháng 9-10. Cây có quả chín trước được thu hái trước, cây có quả chín sau thu hái sau.

* Phương pháp thu hái

-   Hạt giống được lấy từ rừng hoặc cây giống đã được tuyển chọn. Quả có cùi dầy.

-   Khi thu hái chỉ lấy những quả chín hoặc gần chín, không lấy quả non.

-   Không nên nhặt quả chín rụng để lấy hạt vì tỷ lệ nảy mầm thấp.

-   Dùng dụng cụ thủ công để thu hái quả chín, với cây thấp dùng sào, móc hoặc kéo cắt cành; với cây cao dùng thang, sào dài, ở đầu có cắm câu liêm, cào kết hợp chèo lên cây đó để thu hái.

* Chế biến

Trám trắng là loại quả hạch, để tách hạt ra khỏi phần thịt quả dùng phương pháp ngâm quả vào nước nóng (60-70oC) trong 2-3 giờ, hoặc dùng nước đun sôi đổ vừa ngập phần quả để nguội sau đó dùng dao nhỏ để tách phần thịt quả để thu hạt, hoặc có thể dùng biện pháp trà sát bằng dụng cụ thủ công cho thịt quả nát ra để thu hạt.

* Bảo quản hạt giống

-   Hạt sau khi làm sạch, phơi trong bóng râm hoặc nắng nhẹ, cần phân cấp hạt theo độ lớn của nó, nhằm cho mục đích bảo quản và sử dụng hợp lý. Thực tế cho thấy hạt càng to, càng mập thì tỷ lệ nảy mầm càng cao, cây non lên càng mạnh.

-   Trường hợp chưa gieo ngay thì cần bảo quản bằng cách trộn hạt với cát ẩm theo tỷ lệ 1 hạt + 2 cát (theo thể tích), vun thành những đống cao 30-40cm. Thường xuyên kiểm tra, nếu thấy cát khô, lấy ra sàng riêng cát, phun ẩm và bảo quản lại như cũ.

4.2.        Kỹ thuật ghép cây

-   Dụng cụ ghép cây

+ Dao ghép: sử dụng dao chuyên dụng (dao nhỏ, lưỡi sắc, làm từ hợp kim chống gỉ)

+ Kéo cắt cành

+ Băng nilông chuyên dụng

+ Có thể dùng thêm sáp

-   Tạo gốc ghép

+ Đóng bầu: Kích thước bầu 8x12cm (thành phần ruột bầu: 84% đất mầu + 15% phân chuồng hoai + 1% NPK).

+ Gieo ươm: Ngâm hạt trong nước ấm 30-40oC trong 8 giờ, vớt ra rửa sạch, ủ trong các túi vải, xếp trong nhà hoặc nơi kín gió. Khi hạt nứt nanh, nhú mầm (20 ngày), đem gieo vào các bầu đất đã đóng sẵn.

Cách khác là sau khi ngâm nước, gieo trên nền cát ẩm hoặc đất cát pha, lấp đất bằng chiều dầy của hạt, ủ luống bằng rơm rạ đã khử trùng, tưới ẩm hàng ngày. Sau 10-15 ngày hạt nảy mầm có thể cấy vào bầu.

+ Chăm sóc: Cây con trong vườn ươm cần che bóng. Nhổ cỏ, phá váng thường xuyên để tạo điều kiện cho cây sinh trưởng tốt. Sau khi cây con có lá thật hoàn chỉnh một thời gian thì sang bầu có kích thước 16x18cm để tạo thêm môi trường dinh dưỡng cho cây phát triển. Cần chú ý đề phòng sâu bệnh cho cây con.

+ Tiêu chuẩn gốc ghép: Cây con 12-18 tháng tuổi, thân cây thẳng, không sâu bệnh. Cây có đường kính gốc >1cm (hoặc đoạn thân cách mặt bầu 30cm có đường kính > 0,7cm).

-   Chọn cây mẹ

Chọn những cây là cây trội, có chu kỳ sai quả hàng năm, quả to cho năng suất cao và phải nắm được nguồn gốc xuất xứ của cây định chọn làm cây mẹ.

-   Chọn cành ghép

Chọn những cành bánh tẻ ở khoảng giữa của tán lá, nơi có nhiều ánh sáng và không sâu bệnh.

-   Thời vụ ghép

Thời vụ ghép tốt nhất là vào thời điểm trước mùa sinh trưởng, vào khoảng tháng 1-2 tùy theo từng địa phương. Ngoài ra còn có thể ghép vào tháng 8-10 khi chuẩn bị thu hái quả hoặc vừa thu hái quả xong nhưng cây chưa phát chồi, lúc này cành ghép đạt cành bánh tẻ.

-   Các phương pháp ghép: Với loài trám trắng có 3 phương pháp ghép chủ yếu sau:

a.      Phương pháp ghép nêm

-   Gốc ghép có đường kính lớn hơn cành ghép

-   Dùng dao ghép cắt ngang gốc ghép (chỗ cắt phải cách mặt bầu 25cm trở lên). Sau đó dùng dao chẻ ngay giữa gốc ghép. Cành ghép được cắt vát nhọn 2 mặt, đặt cành ghép vào chỗ chẻ của gốc ghép sao cho dải tượng tầng (lớp nằm giữa vỏ và gỗ) của cành ghép và gốc ghép trùng nhau. Trường hợp gốc ghép lớn có thể đặt 2 cành ghép trên 1 gốc ghép. Dùng băng nilon chuyên dụng buộc chặt và kín vết ghép để giữ cành ghép được chắc, sau đó dải nilon cuốn 1 lớp mỏng chùm kín lên phía cành ghép giúp cho cành ghép giữ được độ ẩm trong cành và ngăn nước mưa hoặc sương làm oxy hóa các vết cắt, ngăn vi khuẩn hoặc nấm bệnh phát sinh làm chết cành ghép.

b.     Phương pháp ghép nối tiếp

-   Sử dụng phương pháp này khi chỗ định ghép của gốc ghép và cành ghép có đường kính tương đương với nhau.

-   Dùng dao cắt vát phần thân của gốc ghép và cành ghép với chiều dài bằng nhau. Sau đó ép sát 2 mặt vát của cành ghép và gốc ghép sao cho 2 dải tượng tầng của chúng trùng khít với nhau, tiếp đến buộc kín vết ghép bằng băng nilông chuyên dụng. Sau đó dải 1 lớp nilon mỏng quấn kín toàn bộ cành ghép.

c.      Phương pháp ghép áp

-   Sử dụng phương pháp này khi gốc ghép lớn hơn nhiều so với cành ghép.

-   Cắt vát 2 bên của cành ghép và gốc ghép, độ sâu vết cắt ở gốc ghép không quá 1/3 đường kính thân cây. Ép cành ghép và gốc ghép sao cho tối thiểu 1 bên của dải tượng tầng của cành ghép và gốc ghép trùng khít với nhau. Sau đó dùng nilông chuyên dụng buộc chặt và kín toàn bộ vết ghép, quấn 1 lượt nilông lên phần cành ghép để tránh hiện tượng mất nước của cành ghép.

-   Chăm sóc cây ghép

+ Sau khi ghép từ 15-20 ngày không được tưới nước quá ẩm ngay, không được dùng vòi phun với cường độ mạnh tránh hiện tượng cành ghép bị lung lay mạnh sẽ làm bung vết ghép.

+ Cành ghép sau 10-15 ngày sẽ bắt đầu nẩy mầm. Trong thời gian đầu mầm lá còn non nên thường xuyên tưới nhẹ bằng uroa.

+ Sau khi nẩy mầm 1 tháng có thể tưới phân để cây ghép phát triển tốt. Lần đầu nên tưới phân NPK với nồng độ nhỏ 0.05%, sau đó tăng dần.

Luôn luôn phải nhổ sạch cỏ, phá váng trong luống cây ghép để tạo điều kiện cho cây sinh trưởng tốt.

5.     Kỹ thuật trồng cây ghép

-   Cây ghép sau 9-12 tháng là đem trồng được.

-   Có thể trồng thuần loài hay hỗn giao tùy theo mục đích.

5.1.        Hố trồng

-   Thiết kế khoảng cách hàng cách hàng, hố cách hố 6x6m hoặc 6x8m.

-   Cuốc hố theo đường đồng mức, kích thước hố: 60x60x60cm.

5.2.        Bón phân

Mỗi hố bón lót 5kg phân chuồng hoai + 0,2kg NPK trộn đều với 1/2 lượng đất trong hố. Nên bón phân và ủ trước khi trồng 15 ngày.

5.3. Trồng

Vào đúng vụ, chọn thời tiết vừa mưa xong, râm mát bứng cây để trồng rừng. Cây đem trồng phải rạch vỏ bầu, trước khi đặt cây ghép vào hố trồng nên lót 2-5cm đất sạch lên lớp đất đã được trộn phía dưới để tránh hiện tượng rễ non vừa ra gặp phân sẽ bị chết. Sau đó lấp đất trồng cây (lấp hình mu rùa), đảm bảo đất tơi nhỏ không sỏi đá.

5.4.        Chăm sóc

-   Định kỳ phát thực bì, rẫy cỏ quanh gốc, xới vun gốc với đường kính 0,8-1m.

-   Bón thêm phân vào năm thứ hai.

-   Phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng.

-   Cần chú trọng khâu bảo vệ không cho người và gia súc phá hoại.

6.     Thu hái quả, chế biến

Sau 2-3 năm trồng trám ghép đã bắt đầu ra quả, do tán thấp, có thể dùng ghế, sào để hái quả, chọn chùm quả đã bắt đầu chuyển sang màu xanh vàng để hái. Không dùng dao chặt cành hay ken cây để lấy quả sẽ làm tổn hại cây.

Quả tươi có thể bỏ vào sọt vận chuyển và để được 4-5 ngày.

Chế biến trám: Nếu ăn ngay cho quả vào nước nóng già (60-70o) đợi cho nguội vớt ra tách lấy cùi (vỏ quả) dùng để kho cá, thịt hoặc ăn ngay. Hiện nay nhiều nơi dùng quả còn xanh làm mứt để tới tết bán rất có giá.

Giá quả tươi trên thị trường từ 12-15 nghìn đồng/kg. Người tiêu dùng rất ưa chuộng để làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh (tiêu độc, giải rượu)./.