1.Đặc điểm hình thái
Trúc sào có nhiều đặc điểm hình thái giống trúc cần câu, nhưng Trúc sào có thân tre to hơn: Cây cao 10-20cm, đường kính 4-12cm hoặc hơn, mặt lóng có lông cứng. Mo thân có bẹ mo lớn (15x20cm), mặt lưng có lông cứng, mép có lông thô, tai mo thoái hóa, lông tai mo dài.
1.Đặc điểm hình thái
Ở Việt Nam Trúc sào được trồng ở độ cao 500-1500m, nơi có độ dốc 5-30o, trên loại địa hình sườn và đỉnh núi đất và núi đá vôi. Trúc sào phát triển tốt ở nơi nhiều ánh sáng, tầng đất sâu, giàu mùn và ẩm (đường kính thân trúc tới 12-15cm). Trúc phát triển kém ở nơi đất khô, tầng mỏng, nghèo mùn (cây chỉ cao 6-7m, đường kính 5-6cm).
Trúc sào thường được trồng thuần loại, mùa măng tháng 2-3. Tuổi thành thục 1-2 năm. Trúc sào có hiện tượng khuy khá nặng. Năm 1973, riêng huyện Nguyên Bình và Bảo Lạc có tới 40-60% diện tích rừng Trúc sào bị khuy. Sau khi khuy cây bị chết, chưa thấy tái sinh bằng hạt.
Rừng Trúc sào ít bị sâu bệnh. Mới bắt gặp kiến đục măng và châu chấu ăn lá, nhưng tác hại không đáng kể.
2.Phân bố
Trên thế giới, Trúc sào phân bố ở Trung Quốc, Nhật Bản. Ở Việt Nam loài trúc này không gặp trong trạng thái tự nhiên, chúng được trồng ở Bao Bằng (Chợ Rã, Bảo Lạc), Hà Giang (Đồng Văn), … Cõ lẽ giống Trúc sào đã được người Dao mang từ Trung Quốc vào Việt Nam từ rất lâu đời, trong các đợt di cư xuống phía Nam của họ. Hiện nay khi di chuyển đến các địa điểm mới, đồng bào Dao thường mang giống Trúc sào theo để trồng ở nơi mới định cư.
3.Giá trị kinh tế
Trúc sào thường được nhân dân dùng làm nhà. Trong các căn nhà của đồng bào Dao ở Cao Bằng rất nhiều bộ phận làm bằng trúc như: mái nhà, tường liếp, cột kèo,cửa… Trúc sào cũng dùng làm các đồ gia dụng như: bàn, ghế, giường, chõng, rổ rá…
Các xưởng chế biến Trúc sào làm sào nhảy, gậy trượt tuyết xuất khẩu… Xưởng giấy Cao Bằng dùng thân Trúc sào làm nguyên liệu bột giấy. Một cây Trúc sào cao 10m, đường kính 5cm cân nặng khoảng 3,2kg.
4.Kỹ thuật trồng
Kỹ thuật trồng Trúc sào cũng giống như trồng trúc cần câu. Nhưng mùa trồng Trúc sào sớm hơn. Trúc sào được trồng vào tháng 10-12, trước mùa măng. Nơi trồng Trúc sào có độ cao lớn hơn vì loài này chịu lạnh hơn trúc cần câu.
Sau khi trồng 1 năm, Trúc sào đã có kích thước bằng Trúc cần câu. Sau 5 năm đạt đường kính lớn nhất. Sau khi trồng 4-5 năm có thể khai thác được.
Ở Việt Nam nên phát triển trồng Trúc sào ở các tỉnh giáp biên giới Việt- Trung. Giống lấy từ vùng Trúc sào mọc tập trung ở 2 huyện Bảo Lạc và Nguyên Bình của Cao Bằng.
6. Chăm sóc bảo vệ
Sau khi trồng nếu đất quá khô phải tưới nước cho đủ ẩm, hoặc che phủ thích hợp để tránh nắng gắt, đất thoát nước mạnh.
Ở miền núi cần đặc biệt chống gia súc phá hoại vì măng và lá trúc được các loại gia súc và thú rừng lớn rất ưa thích. Cần làm hàng rào, đào rãnh quanh nơi trồng trúc.
Khi măng nhú được 2 tháng thì làm cỏ, xới gốc. Chăm sóc liên tục trong 3năm. Số lần chăm sóc năm đầu nhiều hơn các năm sau.
Sau khi trồng 4-5 năm thì có thể khai thác được. Sau đó, 2 năm khai thác một lần./.