00:00 Số lượt truy cập: 2671615

Lào Cai: Dùng giống lợn nội chống bệnh 'ngoại' 

Được đăng : 03/11/2016
Đó là giống lợn đen Mường Khương quý hiếm nổi tiếng từng là giống lợn quốc gia sánh ngang giống lợn Móng Cái với ưu điểm thích ứng tốt trong điều kiện tự nhiên đồng thời sinh trưởng phát triển nhanh, thịt thơm ngon, tăng đàn, tăng trọng hơn hẳn giống lợn các địa phương khác, rất phù hợp với thị hiếu người chăn nuôi và tiêu dùng.

Đặc biệt đây là một trong những giống lợn nội có sức kháng các bệnh ngoại mới phát sinh như lở mồm long móng, tai xanh rất có hiệu quả. Tại vùng cao ít có giống lợn nào khác có thể thay thế được giống lợn Mường Khương, tuy nhiên do tập quán chăn nuôi của nhân dân các địa phương còn hạn chế, chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nuôi giữ giống lợn Mường Khương, do đó nguồn giống lợn bản địa này không đủ cung ứng giống cho các địa phương trong tỉnh phát triển chăn nuôi.

Để giữ vững, phát triển giống lợn quý hiếm Mường Khương, đầu năm 2007, Viện Chăn nuôi Quốc gia, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai và huyện Mường Khương đã phối hợp tổ chức thực hiện thành công đề tài nghiên cứu chọn lọc nâng cao chất lượng phục tráng và phát triển giống lợn Mường Khương. Đề tài sau khi được áp dụng thực hiện tại hai xã Nấm Lư và Bản Sen (nơi có số đông đồng bào dân tộc sinh sống và cũng là những địa phương có phong trào chăn nuôi phát triển) từ hơn 100 hộ đăng ký tham gia mô hình với hơn 180 con lợn nái nền và lợn đực giống tốt, sau 1 năm đến nay đàn lợn Mường Khương phục tráng đã tăng gấp 10 lần, chiếm 90% tổng đàn lợn của toàn huyện và 25% tổng đàn toàn tỉnh. Dự kiến đến giữa năm 2008, đàn lợn giống Mường Khương sẽ phát triển rất nhanh gấp 3 lần hiện nay.

Trong điều kiện dịch bệnh luôn đe dọa người chăn nuôi như hiện nay, việc chọn giống lợn địa phương có sức đề kháng tốt lại có những ưu điểm như lợn Mường Khương nêu trên là điều rất phù hợp. Ông Phạm Bá Uyên, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mường Khương khẳng định: đây là giống lợn có sức kháng bệnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện chăn nuôi nghèo dinh dưỡng của đồng bào vùng cao, do đó nó được người chăn nuôi ưa chuộng và phát triển./.