00:00 Số lượt truy cập: 3227509

Lợi ích từ phụ phẩm bỏ đi 

Được đăng : 03/11/2016
 Trong sản xuất nông nghiệp, lâu nay nhiều nông dân chỉ chú trọng đến những sản phẩm chính mà mình làm ra. Chăn nuôi hay trồng trọt cũng vậy, mục tiêu cuối cùng mà họ muốn đạt tới là làm thế nào để có năng suất và chất lượng cao.Tất nhiên, điều mà họ mong muốn là chính đáng, nhưng ngoài cái chính ấy họ lại quên đi những sản phẩm phụ mà lẽ ra nếu được khai thác tốt sẽ mang lại một nguồn thu đáng kể. Không chỉ có vậy, những thứ mà nông dân cho là bỏ đi sẽ còn làm ảnh hưởng đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường.

MỘT CON SỐ KHÔNG NHỎ

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, năm 2007, tổng đàn heo trong toàn tỉnh Kiên Giang là 357.613 con, đàn trâu bò là 26.500 con, gia cầm 4 triệu 290 ngàn con, diện tích trồng lúa 600 ngàn ha/năm; ngoài ra còn hàng chục ngàn ha cây trồng khác như khoai lang, khoai mì, mía, khóm, bắp, rau màu…. Với ngần ấy đối tượng trên, nếu chỉ khai thác những sản phẩm chính mà quên đi sản phẩm phụ thì chúng ta đã làm ô nhiễm môi trường rất lớn và lãng phí nguồn tiềm năng không nhỏ. Theo tính toán của các nhà chuyên môn thì một con heo thải ra môi trường khoảng 1 tấn phân\năm, 1000 con gia cầm thải phân và chất độn chuồng khoảng 4 tấn/năm, trâu bò vài ba tấn/năm; 600 ngàn ha lúa cho ra sản phẩm phụ là rơm cũng gần 3 triệu tấn. Những con số này có thể nông dân chưa tính đến, nhưng chắc chắn nếu không được xử lý thì môi trường sẽ bị ô nhiễm trầm trọng? Cũng theo các nhà chuyên môn, những chất thải ấy sẽ đưa vào không khí những độc tố làm ảnh hưởng rất lớn đến các bệnh hô hấp cho người và động vật; đưa vào nguồn nước những kim loại nặng và các chất axít gây hại đến các loài thủy sản, thậm chí làm cho rau màu mất an toàn vì sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.

THU LỢI TỪ SẢN PHẨM TRỒNG TRỌT

Sản phẩm phụ từ trồng trọt thải ra môi trường một năm không phải là ít. Nếu bỏ đi thì nông dân chẳng những không được gì mà còn gây hại rất lớn cho môi trường. Chi bằng chúng ta tìm cách khai thác nó vừa tăng thu nhập vừa cải thiện môi trường.

Cây lúa ở Kiên Giang một năm cho ra khoảng gần 3 triệu tấn rơm. Một thời gian dài nguồn rơm này thường bị nông dân đốt bỏ hoặc thải xuống sông rạch gây ô nhiễm và làm cản trở giao thông đường thủy. Khối lượng rơm khổng lồ ấy nếu dùng để sản xuất ra loại hàng hóa khác hoặc dùng trong chăn nuôi thì sẽ làm tăng thu nhập cho nông dân rất nhiều. Vụ lúa Đông-Xuân ở Kiên Giang với 300 ngàn ha, tương đương 1,5 triệu tấn rơm, với lợi thế mùa khô, tranh thủ phơi vài nắng rồi bó lại xếp vào nhà chứa hoặc chất thành cây thì chỉ cần tận dụng một nửa lượng rơm của mùa này thì cũng đã chủ động nuôi vài chục ngàn con trâu, bò. Còn nếu muốn “đổi vị”, tăng chất cho rơm, chỉ cần vài túi nilong đường kính 1-1,2m, rồi cứ 100 kg rơm thêm 4 kg urê, nửa kg muối hòa tan, cứ lần lượt chất rơm vào túi, chất lớp nào tưới dung dịch đã pha sẵn rồi nén thật chặt tuần tự đến khi đầy túi, cột chặt miệng túi lại rồi úp ngược xuống, 8-10 ngày sau lấy ra cho trâu bò ăn rất hữu dụng.

Còn vụ Hè- Thu và lúa vụ 3 cũng gần 300 ngàn ha, vụ này thu hoạch vào mùa mưa nên việc sơ chế và bảo quản rơm dự trữ làm thức ăn cho chăn nuôi khó thực hiện. Nhưng mùa nào thức ăn đó, giải pháp đơn giản để tận dụng trong mùa này là kéo rơm về ủ, rồi chất trồng nấm vừa tăng thêm thu nhập vừa khắc phục tình trạng nông nhàn. Nếu giá nấm dao động từ 8 - 9 ngàn đồng/kg thì nông dân thu lợi từ 3-5 triệu đồng/1000m2, cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Lợi nhuận từ rơm là như vậy, ấy thế mà ở tỉnh Kiên Giang rơm rạ mới chỉ được sử dụng một phần ít ỏi để trồng nấm (chủ yếu ở Giồng Riềng, Gò Quao và Tân Hiệp) còn phần lớn bị bỏ lãng phí. Theo thống kê của tỉnh An giang, hàng năm thị trường Thế giới tiêu thụ khoảng 15 triệu tấn nấm rơm, trong đó nước ta dù đứng hàng thứ 3 thế giới về xuất khẩu nấm nhưng chỉ đạt sản lượng khoảng 100.000 tấn. Khả năng cả nước có thể xuất khẩu được 1 triệu tấn nấm và đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD nếu được đầu tư đúng mức và sử dụng triệt để nguồn rơm hiện có. Không chỉ có vậy, sau một vụ nấm, chất rơm ủ có thể sử dụng làm phân bón cho cây trồng rất tốt.

Rơm - sản phẩm phụ của cây lúa nếu bỏ đi thì cũng chỉ là “rơm rác”- song, nếu biết khai thác thì là cả gia tài.

Ngoài rơm rạ, diện tích trồng khoai lang, khoai mì, bắp mía ở tỉnh ta cũng có hàng chục ngàn ha. Sau khi thu hoạch thân, củ, trái, nếu phần đọt và lá được tận dụng, chế biến theo phương pháp ủ vi sinh, bảo quản cho trâu bò, heo ăn dần trong năm thì cũng đã chủ động nuôi được hàng chục ngàn con trâu bò, hàng chục ngàn con heo, tiết kiệm được nguồn tiền thức ăn rất lớn. Phương pháp ủ chua vi sinh rất dễ làm, tiện dụng và thời gian bảo quản kéo dài, trâu bò, heo lại rất thích ăn loại thức ăn này. Cách làm như trên, với chúng ta như còn mới mẻ, nhưng những nước ôn đới có nền chăn nuôi phát triển họ đã áp dụng rộng rãi hầu như là phổ biến. Theo những nhà khoa học, thức ăn xanh ủ chua ngoài việc dinh dưỡng được bảo tồn, cải thiện còn giúp cho vật nuôi tiêu hóa, hấp thu dễ hơn.

Nhiều người nghĩ rằng: cứ mua vài con bò về nuôi, cỏ tự nhiên quanh ta mọc đầy đường, đầy bờ mặc sức mà cho ăn. Xin thưa rằng, không đâu! một con bò tơ, một ngày ăn từ 30-35kg cỏ tươi, 10 ngày đã thành 10 lần, mười con đã trở thành 100 lần thì hỏi cỏ nào mọc cho kịp? Các nhà khoa học đã tính toán kỹ rồi, cứ mỗi một con bò sữa phải có một ha đồng cỏ, một con bò thịt chí ít cũng phân nửa. Cứ định mức ấy mà tính ra đồng cỏ tự nhiên quanh ta nuôi được bao nhiêu trâu bò? Cho nên tận dụng phụ phẩm của trồng trọt, chế biến, bảo quản để chủ động phát triển chăn nuôi cũng nên sớm được nông dân ta áp dụng.

ĐẾN CHẤT THẢI CHĂN NUÔI

Như đã thống kê, tỉnh Kiên Giang hiện có hàng trăm ngàn con heo và trâu bò, hàng triệu con gia cầm. Ngoài sản phẩm chính là thịt, trứng, sữa, sức kéo thì chất thải của chúng thải ra cũng không ít. Thực tế mới chỉ có phân bò và một ít lượng phân heo, phân gà vịt được sử dụng để bón cho cây tiêu, nuôi cá hoặc trồng rẫy và cây ăn trái. Số còn lại rất lớn thải ra môi trường qua ao, đìa, sông rạch rất mất vệ sinh và là nguồn lây lan dịch bệnh cho người và vật nuôi. Theo tính toán của các chuyên gia về khí sinh học thì chỉ cần 5 con trâu bò hay 10 con heo hoặc 100 con gia cầm, các hộ nông dân có thể làm được một túi khí sinh học qui mô nông hộ (túi ủ Biogas). Công trình khí sinh học sẽ đem lại một nguồn lợi đáng kể cho người sử dụng. Chỉ tính riêng cho việc dùng gas để đun nấu mỗi năm cũng tiết kiệm được trên 2 triệu đồng tiền chất đốt. Nếu hạch toán vào chăn nuôi đây có thể coi như một nguồn lãi đáng kể, làm giảm giá thành khoảng 7%. Mặt khác, phụ phẩm của công trình khí sinh học gồm nước thải lỏng và bã thải là những sản phẩm có giá trị thiết thực đối với sản xuất nông nghịêp. Chúng được sử dụng làm phân bón, nuôi nấm, xử lý hạt giống hay làm thức ăn bổ sung cho gia súc, nuôi cá, nuôi trùn quế… Kết quả nghiên cứu cho thấy, dùng phụ phẩm lỏng phun trên lá năng suất cây trồng tăng bình quân khoảng 10% so với bón trực tiếp vào đất. Còn bã thải của túi khí bón phối hợp với phân vô cơ sẽ làm tăng độ hòa tan và hấp thu phân bón hóa học của đất, tăng hiệu quả sử dụng NPK lên 10-30%. Ngoài ra, cách bón này cũng thúc đẩy hoạt động của vi sinh vật, giữ phân cho đất, làm đất tơi xốp, tránh tình trạng đất bị chai do bón nhiều phân hóa học.

Với kết cấu khép kín và sử dụng triệt để nguồn chất thải trong chăn nuôi và trong sinh họat (hầm Biogas có thể nối với nhà vệ sinh), công trình khí sinh học đã phần nào giải quyết vấn đề bức xúc hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm ở những vùng chăn nuôi tập trung.

Theo giáo sư Võ Tòng Xuân (trong đất và cây trồng 1984) phân heo do thức ăn của heo là rau, cám, bột, ít chất khó phân giải nên phân heo nhẹ, tơi, mau hoai mục. Tỷ lệ chất đạm, lân, kali trong phân tương đối cân bằng. Khi ủ nhiệt độ tăng không nhanh lắm, bón cho cây mau tốt. Phân trâu bò, thức ăn là cỏ, rơm rạ, phần lớn là chất khó phân giải, khi ủ nhiệt độ lên không cao lắm, bón cho cây trồng giúp chắc hạt. Phân gà vịt, tỷ lệ các chất cao, đạm dễ tiêu nhiều, bón cho cây mau tốt. Khi phân giải cho nhiệt độ cao, dùng làm men ủ với các loại phân khác rất tốt.

GHI NHẬN Ở VÀI MÔ HÌNH TẬN DỤNG PHỤ PHẨM HIỆU QUẢ

Vào những dịp thu hoạch lúa vụ 3 hay hè thu, cả môt vùng quê Xẻo Dầu (Hòa An - Giồng Riềng) nhộn nhịp, tấp nập với nghề trồng nấm. Chỗ nào có đất trống, chỗ đó có mô nấm. Nơi thì chất mô, nơi thì rắc meo, nơi thu hoạch… trẻ có việc trẻ, già có việc già, vui cứ như ngày hội. Nấm hái xong đưa vào đã có một bộ phận chờ sẵn để nhặt và lựa nấm, sau đó đưa vào luộc, muối rồi chở đi cân. Chu kỳ một đợt trồng nấm khoảng hơn một tháng. Nhà trồng ít khoảng 100 chai meo, nhà trồng nhiều vài ba trăm chai. Nông nhàn mà có việc để thu nhập bạc triệu đối với vùng quê xa là cả một tài sản. Nhờ lúa, nhờ nấm mà vùng quê này trước đây nghèo khó nay đã có đường nông thôn chạy được xe gắn máy, nhà cửa của nhiều hộ dân đã khang trang, trong nhà đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.

Một số xã ở huyện Gò Quao cũng có không ít hộ vươn lên thoát nghèo từ nghề trồng nấm. Vợ chồng chị Huệ, ngụ ở ấp Hòa Mỹ, người trồng nấm rơm lâu năm trong vùng kể: Gia đình chị không có đất sản xuất, nhưng năm nào cũng trồng hàng trăm mét mô nấm. Nhờ vậy, mỗi năm một vụ, gia đình chị cũng tích lũy được trên 3 triệu đồng. Thu nhập khá từ nghề trồng nấm có vợ chồng chị Hồng, ấp Hòa Tạo. Không đất sản xuất, ngòai làm thuê hàng ngày, tới kỳ thu hoạch lúa, vợ chồng chị mua rơm về trồng nấm. Nhờ siêng năng,chịu khó nên chỉ sau 5 năm chị đã tích lũy được một số vốn mua về cho gia đình 2,5 công ruộng. Còn chị Bé Ba,cũng ở ấp Hòa Tạo, mới ba năm trồng nấm rơm, mà chị đã trả dứt nợ vay ngoài với lãi suất cao và hiện cuộc sống gia đình chị đang dần ổn định.

Tận dụng triệt để nguồn phụ phẩm từ nông nghiệp để vươn lên thoát nghèo ở xã Định Hòa có lẽ là trường hợp của vợ chồng anh Danh Việt và chị thị Hai. Trước đây gia đình anh chị rất nghèo phải đi làm thuê, làm mướn sống tạm qua ngày. Năm 2001 chương trình HPI đầu tư cho gia đình anh chị một con bò cái trị giá hàng triệu đồng. Anh nghĩ, có lẽ đây là cơ hội duy nhất giúp gia đình sớm thoát nghèo. Hàng ngày, anh và các con không quản ngại đi hết cánh đồng này sang cánh đồng khác để cắt từng cọng cỏ, nhặt từng mớ rơm đem về cho bò ăn. Vào vụ thu hoạch lúa, anh đi thu gom rơm mà nhiều người không dùng đến để nuôi bò và trồng nấm. Phân bò anh đem nuôi trùn quế để làm thức ăn cho gà vịt và cá; rơm trồng nấm sau thu hoạch xong anh đem trộn với đất phân của trùn quế bón cho rau màu các loại. Với cách sản xuất của anh, tất cả những phụ phẩm đều trở thành tiền cả. Dẫn tôi đi thăm vườn rau ao cá quanh nhà anh hớn hở bộc bạch "Vườn tược nhà tôi không có một cục phân hay cọng rơm nào thừa cả”. Nhờ vậy, đến nay gia đình anh đã từng bước ổn định và vươn lên khá giả. Từ một con bò ban đầu, hiện tại trong tay anh đã có một đàn bò năm bảy con trị giá hàng chục triệu đồng.

Sản phẩm phụ từ nông nghiệp nếu bỏ đi thì chỉ là rác, một thứ rác độc hại ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con người, vật nuôi và môi sinh. Còn nếu chúng ta biết tận dụng xử lý và khai thác thì nó là một nguồn lợi đáng kể cả về vật chất lẫn tinh thần vì không lo bệnh tật. Cái lợi trước mắt thì đã rõ, còn về lâu dài nó giúp tạo dựng nên nột nền nông nghiệp bền vững. Đất đai có hạn, con người ngày một đông. Thêm nữa, màu mỡ trong đất cũng ngày càng cạn kiệt dần do canh tác liên tục nhiều vụ trong năm. Đã đến lúc chúng ta không thể thờ ơ trước thực trạng này. Tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp vào sản xuất nông nghiệp, cũng có nghĩa là ta đã trả về cho đất những thứ mà ta đã lấy đi. Hơn lúc nào hết, ngày nay cả thế giới đang vào cuộc khắc phục xuống cấp trầm trọng của khí hậu và môi trường. Chúng ta không thể và không nên đứng ngoài cuộc mà phải hành động để bảo vệ khí hậu và thân thiện với môi trường vì cuộc sống của chính chúng ta.