00:00 Số lượt truy cập: 2672969

Lợi ích và sự cần thiết trồng cây bán ngập nước ngọt 

Được đăng : 03/11/2016

Các loài cây thân gỗ tại các vùng ngập nước nói chung và bán ngập nói riêng thường gắn liền với các vùng dân cư và các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện, giao thông. Bên cạnh tác dụng phòng hộ chống sạt lở đất, bảo vệ các công trình, bảo vệ môi trường và kiến tạo cảnh quan chúng còn có nhiều giá trị sử dụng trong đời sống và sản xuất của người dân các địa phương.


Cung cấp gỗ, củi: Hầu hết các loài cây bụi thân gỗ và cây gỗ đều được tận dụng làm củi đun, nhiều loại cho giá thể làm nấm ăn (các loài Đa, Sung, Si, So đũa, Côm...), một số loài cho gỗ lớn hoặc gỗ quý (Gáo vàng, Gáo trắng, Phay sừng, Trai nước, Gõ nước...).

+ Dùng làm thực phẩm: Lá hoa và quả nhiều loài được dùng làm rau hay các dạng thực phẩm khác (Sung, Lộc vừng, Bình bát, Bún, Xăng máu, Dừa nươớ, So đũa, Rù rì, Dành dành, Điên điển...) tạo ra nét độc đáo về ẩm thực cho từng vùng miền và là nguồn thực phẩm bổ sung cho từng mùa vụ trong năm.

+ Dùng làm thuốc chữa bệnh: Rất nhiều loài được sử dụng làm thuốc chữa bệnh, trong đó có nhiều loài là cây thuốc quý như Tràm, Vối, Sung, Si, Dành dành, Phèn đen...

+ Dùng làm chất nhuộm màu: Lá Phèn đen dùng nhuộm vải, quả Dành dành chín dùng nhuộm màu làm hoa giấy và tô tranh làng Sình (Phú Vang, Thừa Thiên Huế), ngoài ra còn được dùng nhuộm màu thực phẩm (xôi, bánh trái...) rất bắt mắt và an toàn.

+ Làm vật liệu đan lát, xây dựng: Lá vè bẹ Dừa nước, Đùng đình, Chà là; vỏ cây Tra, vỏ và thân cây Tràm cừ.

+ Lấy tinh dầu và nguyên liệu cho công nghiệp chế biến: Lá Tràm cất dầu khuynh diệp, vỏ và các loài Gáo, Trâm cung cấp tanin làm thuốc nhuộm, thuộc da và thuốc chữa bệnh.

+ Sử dụng trong chăn nuôi: Lá, quả Gáo vàng, So đũa, Sung,... dùng làm thức ăn gia súc, đặc biệt là vào mùa mưa, lũ ở những vùng đất thấp. Hoa tràm, Dành dành, Trai nước... nuôi o­ng cho mật tốt; các loài Sung, Si, Sanh... được dùng thả cánh kiến đỏ để lấy nhựa dùng trong công nghiệp điện tử và dược phẩm.

+ Các tác dụng khác: Trong nhiều trận lũ lớn và xảy ra bất ngờ, các loài cây gỗ vùng thấp trũng đã từng là nơi bấu bíu và cứu sống sinh mạng cho nhiều người bị nạn. Cây ngập nước còn là nơi trú ẩn và neo đậu tốt cho tàu thuyền vào cả hai mùa mưa, nắng; là nơi trú ngụ và sinh sản của nhiều loài dộng vật và côn trùng có ích như chim, dơi, o­ng mật và các loài hải sản.

Đồng bào Nam bộ sử dụng thân và cành cây Gáo vàng làm nông cụ vì càng dùng càng thêm bền trong điều kiện sử dụng thường xuyên trong nước. Thân cây Tràm cừ vừa bền vừa chịu nước tốt nên được sử dụng làm chòi, cọc, cừ, bảo vệ đê bao trong mùa lũ. Hình ảnh các loài cây này bao đời nay đã gắn chặt với đời sống cuả các ngư dân vùng sông nước. Nhiều loài cây đã đi vao lòng người bởi lời ru, điệu hát mộc mạc nhưng da diết qua những hương Tràm, bông Điên điển, cành So đũa, nhánh Mù u hay rặng Trâm bầu.../.