Bệnh rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá (RN, VL&LXL) hại lúa lâu nay diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh ta. Trong đó, huyện Đức Linh được coi là một trong những điểm nóng của dịch bệnh. Mô hình liên kết “4 nhà” (gồm nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông), nhằm quản lý RN, VL&LXL lần đầu tiên thực hiện tại vùng lúa thị trấn Võ Xu (Đức Linh). Hội nghị tổng kết mới đây cho thấy rõ hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ nhiễm bệnh VL&LXL, giảm chi phí giống và tăng năng suất so những vùng lúa không thực hiện mô hình này.
Thực hiện mô hình liên kết “4 nhà” trong quản lý RN, VL&LXL, có đại diện Sở Nông nghiệp & PTNT (Chi cục BVTV tỉnh và Trạm BVTV Đức Linh), Viện BVTV, Công ty CP BVTV An Giang và 13 hộ nông dân tham gia, trên diện tích 11,5 ha lúa vụ đông xuân 2008-2009. Theo đánh giá của địa phương, qua thời gian thực hiện (từ tháng 10/2008) đến nay đã cho hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, tỷ lệ nhiễm bệnh VL&LXL trong ruộng lúa của mô hình ở mức thấp so với những ruộng lúa ngoài mô hình, tiết kiệm chi phí giống ( giảm 80-100kg/ha), nhưng năng suất lúa bình quân vẫn đạt khoảng 7 tấn/ha (ruộng ngoài mô hình chỉ đạt 5 tấn/ha). Qua hạch toán sơ bộ, lợi nhuận từ ruộng trong mô hình là 13 triệu đồng/ha, cao hơn 8 triệu đồng/ha so với ruộng ngoài mô hình. Trước những kết quả đó, các hộ nông dân thực hiện mô hình đều rất phấn khởi. Một nông dân cho biết, trước đây tôi thường gieo sạ 25 kg/sào nên nhiều sâu bệnh và năng suất thấp. Nay tôi chỉ sử dụng 15 kg/sào, được cán bộ thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật và cung cấp thuốc phun xịt kịp thời, nên giảm chi phí giống và công phun xịt thuốc, năng suất đạt trên 6,5 tấn/ha. Phải nói rằng, để quản lý được diện tích lúa bị nhiễm RN, VL&LXL tại vùng lúa Đức Linh là nhiệm vụ không dễ dàng. Vì vậy, trong suốt thời gian thực hiện mô hình, sự liên kết giữa nhà khoa học, nhà doanh nghiệp với người dân đã thể hiện qua việc cán bộ kỹ thuật của Viện BVTV và Công ty CP thuốc BVTV An Giang thường xuyên bám đồng. Sau khi tìm hiểu và điều tra tình hình dịch bệnh VL&LXL đang diễn ra trên địa bàn, các cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn bà con thực hiện một số biện pháp như gieo sạ đồng loạt cho mô hình, cải tạo đất, bón lót vôi trước khi trục và bón lót lân, xử lý hạt giống nhằm chủ động giảm mật độ RN di trú ngay sau khi sạ. Đồng thời, khuyến khích bà con gieo sạ hàng, với mật độ khoảng 150kg/ha, thực hiện giãn vụ,… Một cán bộ thuộc Công ty CP BVTV cho biết, mô hình liên kết “4 nhà” nằm trong chương trình “cùng nông dân ra đồng” của Viện BVTV và Công ty CP BVTV An Giang phối hợp thực hiện, chúng tôi cùng ăn, cùng ở và cùng làm với nông dân. Ngoài ra, Công ty đã hỗ trợ các hộ dân thực hiện mô hình 20% chi phí thuốc BVTV và hướng dẫn kỹ thuật cụ thể cho từng bà con trong quá trình sản xuất lúa. Qua đó, bà con nông dân đã nắm bắt được tầm quan trọng trong việc chủ động phòng trừ RN bằng các biện pháp tổng hợp, cải tạo đất, sử dụng phân bón hợp lý,… Tuy nhiên, 11,5ha lúa được khống chế RN, bệnh VL&LXL là con số còn quá nhỏ so với diện tích nhiễm RN, VL&LXL mà huyện Đức Linh đang gánh chịu. Vấn đề quan tâm hiện nay, là làm sao để duy trì và tiếp tục phát triển mô hình rộng khắp trên địa bàn. Từ đó, rút ra bài học để các địa phương khác thực hiện theo đạt hiệu quả.
Theo nhận xét của các nhà khoa học, tình trạng bùng phát dịch bệnh hại lúa trên địa bàn Đức Linh chủ yếu do nông dân tổ chức gieo sạ né rầy không đồng loạt, sử dụng giống lúa cũ không còn khả năng kháng rầy, gieo trồng gối vụ liên tục và không chủ động nước tưới. Hơn nữa, thói quen của bà con vẫn thường sạ lan với mật độ cao (200-300 kg/ha), sử dụng thuốc BVTV chưa theo “4 đúng”,… Vì vậy, nông dân địa phương cần cải tiến cơ cấu giống, giảm lượng giống (150 kg/ha); tìm biện pháp giảm số lần phun thuốc theo đúng mô hình và bón phân cân đối… nhằm quản lý tốt sâu bệnh, mang lại hiệu quả trong sản xuất.
Cũng theo một số ý kiến đóng góp tại hội nghị tổng kết, do điều kiện đất đai tại Đức Linh không bằng phẳng, hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh và nhiều diện tích bị nhiễm phèn, nên đồng loạt thực hiện các biện pháp kỹ thuật như sạ thưa, sạ hàng,… sẽ rất khó thực hiện. Để giải quyết được bài toán này, rất cần sự liên kết và phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, nhà khoa học, doanh nghiệp và bà con nông dân trong thời gian tới. Hy vọng rằng, từ kết quả đạt được từ mô hình này, sẽ trở thành “đòn bẩy” để bà con Đức Linh nhanh chóng dập tắt được dịch RN, VL&LXL hại lúa.