00:00 Số lượt truy cập: 2690627

Một số bệnh sinh sản thường gặp ở lợn nái 

Được đăng : 03/11/2016

1. Bại liệt chân

Lợn nái chửa, nhất là sau khi đẻ một hai ngày hoặc một vài tuần bị liệt chân sau, đi lại rất khó khăn, có khi nằm liệt. Lợn vẫn ăn uống bình thường không sốt.


-   Nguyên nhân: + Dinh dưỡng thức ăn thiếu chất, nhất là khoáng canxi (Ca) và phootspho (P) do thai rút ở cơ thể mẹ để phát triển.

+ Lợn mẹ không được tắm nắng, sống trong chuồng tối. Thiếu sinh tố D, gây rối loạn trao đổi Ca, P trong xương làm xương biến dạng, mềm.

-   Phòng bệnh:

+ Thời gian có chửa cho ăn bổ sung khoáng Ca, P 1% (có bán sẵn).

+ Lợn cần vận động, tắm nắng lúa tháng gần đẻ.

+ Cho uống vitamin D: 2ml - 1 thìa cà phê/ngày.

-   Chữa trị: Có triệu chứng bại liệt cần chữa trị như sau:

Tiêm gluco Ca 10% 40CC vào tĩnh mạch hoặc vào bắp.

Vitamin B1 100mg, một ống 5cc/ngày, tiêm liền 5-7 ngày.

Vitamin B12 1000mg, một ống vào bắp/ngày, tiêm 5-7 ngày.

Tiêm hỗn hợp vitamin A, D, E 2ml/lần, sau 30 ngày tiêm lần 2.

Trong thời gian điều trị, cho ăn khẩu phần có 10% bột cá, 1% bột xương và 10ml dầu cá/ngày.

2. Lợn phối không chửa, đẻ non

- Nguyên nhân:

+ Cơ quan sinh dục cái có thể bị viêm nên trứng không bám chắc vào thành tử cung hoặc va chạm nhau do chuồng chật, nền trơn trượt ngã bị đẻ non.

+ Rối loạn chức năng thể vàng, thiếu hoócmôn progesteron, thiếu vitamin E, niêm mạc tử cung thoái hóa, nên trứng thụ tinh không trụ ổ được. Vì thế lợn phối mà không thấy chửa, hoặc chậm động dục.

+ Sẩy thai do bệnh lép tô, bệnh sẩy thai truyền nhiễm, độc tố của các bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, đóng dấu tác động. Do ngộ độc thức ăn, nhiễm thuốc trừ sâu...

-   Phòng bệnh:

Rửa thụt tử cung trước khi cho phối nếu lợn đã bị bệnh viêm tử cung.

Kiểm tra con đực: xét nghiệm tinh dịch.

-   Chữa: + Tiêm huyết thanh ngựa chửa và progesteron.

+ Sau cai sữa tiêm 2000 đơn vị (2 lọ) mỗi lọ tiêm 5cc nước cất, tiêm bắp 3-4 ngày, sau đó lợn động dục cho phối giống sau 2-3 ngày động dục.

+ Đối với nái phối nhiều lần mà không có chửa: tiêm progesteron 75-100mg/con, 3-4 ống loại 1ml, tiêm bắp sau đó 3 ngày tiêm 1000-2000 đơn vị/con. Không nên nuôi để sinh sản tiếp, nếu điều trị không hiệu quả.

3. Lợn đẻ khó

- Nguyên nhân:

+ Đẻ khó do con mẹ có thể do: Chuồng chật, thiếu vật động; Xương chậu lợn mẹ hẹp; Lợn mẹ quá béo do ăn nhiều tinh bột, thiếu Ca, P; Nái già: Thiếu oxytoxin, dịch nước ối ít.

+ Do con: Con to, đẻ ngược, chết thai

- Triệu chứng: + Nước ối có lẫn màu đỏ, sau 2-3 giờ rặn đẻ thai không ra.

+ Thai ra nửa chừng không ra hết vì con to.

+ Thai ra 1-2 con, sau đó không ra tiếp được, do mẹ sức yếu.

- Cách chữa: Tiêm oxytoxin 10-15 đơn vị/lần, sau 30 phút tiêm lần 2. Nếu thai vẫn chưa ra được thì bơm vào tử cung 100ml dầu nhờn (dầu lạc, dầu đỗ tương). Có trường hợp phải cho tay vào tử cung (sau khi đã rửa sạch và sát trùng cẩn thận), cho ngón tay trỏ vào miệng lợn con, ngón cái bấm miệng lợn, kéo ra cùng lúc với đợt rặn đẻ của lợn mẹ.

Trường hợp nặng phải mổ thì mời cán bộ thú y đến can thiệp.

4. Lợn mẹ ăn con, cắn con sau khi đẻ

- Nguyên nhân: Do đau đẻ, thần kinh bị rối loạn.

Sữa quá căng gây khó chịu khi cho bú.

Răng nanh ở lợn con chưa cắt, cắn vú đau.

Còn do nguyên nhân cho lợn nái ăn thịt sống lợn con loại thải của đàn khác, gây thói quen.

- Xử lý: Xoa tay lên bụng lợn mẹ, xoa nhẹ nhành nhiều lần. Cho con bú lúc sữa không căng. Lợn mẹ cắn con thì cho uống thuốc ngủ hoặc tiêm aminazin 50mg - 2-3 ống 1 lần.

Cho ăn đủ đạm trong khẩu phần lợn mẹ.

5. Sót nhau

Lợn đẻ xong sau 5-7 tiếng, không ra nhau.

-   Nguyên nhân: + Có thể do đẻ nhiều con, nái già, tử cung co bóp kém, nên không đẩy hết nhau ra.

+ Do bị viêm niêm mạc tử cung trước lúc đẻ, nên khi đẻ nhau không ra hết.

+ Nhau bị đứt do người nuôi vội can thiệp, nên bị sót nhau.

+ Lợn bị sót nhau sốt cao 40-41oC; không cho con bú, dịch chảy ở âm hộ màu đen nhạt lẫn máu và hôi.

-   Phòng, chữa: Lúc lợn chửa cho ăn khẩu phần đủ dinh dưỡng.

Tiêm oxytoxin dưới da.

Sau khi tiêm, nên bơm thuốc tím 1 ‰ hoặc nước muối 9 ‰, khoảng 2 lít để rửa tử cung trong 3 ngày liền, để trị bệnh.

6. Viêm vú sau khi đẻ

- Triệu chứng: Sau khi đẻ 1-2 ngày thấy vú đỏ, đầu vú sưng nóng, sờ vào lợn thấy đau. Ăn ít, không cho con bú và sốt cao 40-42oC.

Nguyên nhân: Sót nhau, bị nhiễm trùng máu, vi khuẩn theo máu đến bầu vú gây viêm nhiễm nhanh.

Núm vú bị xây xát do răng nanh lợn con cắn.

Lợn mẹ ăn thừa chất đạm, sữa nhiều, con bú không hết gây tắc.

Cần chữa trị ngay, nếu không chữa trị kịp thời lợn mẹ mất sữa, con yếu còi, có khi ảnh hưởng cả lứa đẻ sau.

-   Phòng chữa: Trước khi đẻ, lau, xoa vú và tắm cho nái. Cho con đẻ đầu tiên bú ngay sau 1 giờ đẻ, cắt răng nanh lợn con.

Chườm nước đá vào đầu vú để giảm sưng, giảm sốt.

Tiêm kháng sinh: Penixillin 1,5-2 triệu đơn vị với 10ml nước cất, tiêm quanh vú. Nếu nhiều vú bị viêm thì pha loãng liều thuốc trên với 20cc nước cất, tiêm xung quanh các vú viêm.

Tiêm trong 3 ngày liền./.