00:00 Số lượt truy cập: 2673181

Một số loài cây bán ngập nước có vai trò quan trọng ở Việt Nam 

Được đăng : 03/11/2016

· Họ Sim (Myrtaceae)


Chi Tràm (Melaleuca) ở Việt Nam có khá nhiều loài tràm ngập nước mọc thành rừng bạt ngàn ở các tỉnh Nam bộ, trong đó có loài tràm bản địa Melaleuca cajuputi loài này mọc ở nhiều nơi ở nước ta, hiện có 2 dạng:

Tràm đồi còn gọi là tràm gió - cây bụi nhỏ cao 0,5-3m phân bố chủ yếu ở vùng đồi thấp nội địa hay ven biển, hàm lượng tinh dầu trong lá cao.

Tràm cừ cây gỗ cao 10-20m mọc trên đất phèn ngập nước chủ yếu ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau. Hàm lượng tinh dầu trong lá thấp.

Loài tràm lá dài Melaleuca leucadendra có xuất xứ từ Australia cây cao 25-45m, sinh trưởng nhanh, chịu được đất phèn, đất ngập nước, ngập mặn, tái sinh chồi tốt, chịu lửa và cho nhiều sản phẩm gỗ và ngoài gỗ như cột cừ, nhiên liệu, vật dụng gia đình, vật liệu xây dựng.

Các loài khác Melaleuca spp. là những cây đa tác dụng (lấy gỗ, tinh dầu, nuôi o­ng...) có xuất xứ từ Australia được gọi chung là tràm Úc, ngoài việc phát triển phổ biến ở đồng bằng Nam Bộ hiện đang được nghiên cứu và trồng nhiều ở lòng hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà (Yên Bái), chúng phát triển tốt trong điều kiện bán ngập nước. Mùa nước lên, cây chìm hoàn toàn trong nước mà không chết, nước rút, hở cây ra tới đâu mọc mầm, ra lá ngay tới đó. Người dân địa phương còn gọi là tràm nước ngọt.

Ngoài các loài trong chi Tràm - Melaleuca, trong họ Sim còn có một số loài có khả năng chịu ngập khá tốt như: Vối (Cleistocalyx operculatus), Trâm sừng (Syzygium cumini), sắn thuyền (Syzygium polyanthum)...

· Họ Lộc Vừng hay họ Chiếc (Lecythidaceae)

Nhiều loài trong chi Mưng (Barringtonia) thường sống ven bờ nước và có khả năng chịu ngập tốt. Điển hình là cây Lộc vừng.

Cây Lộc vừng (Mưng - Barringtonia acutangula) là cây cảnh có giá trị được nhiều người ưa thích, phân bố tự nhiên ở những vùng đất ẩm, ven sông, Lộc vừng còn là cây bán ngập tuổi thọ thân cao, nhân giống rất dễ dàng bằng cả hai con đường vô tính: Giâm vào thu đông, chiết vào Xuân hạ và hữu tính: Gieo quả đã chín cây (chín sinh lý) chuyển thành màu đỏ. Lộc vừng được trồng thành rừng chạy dài hàng cây số ở vùng đất thấp bán ngập của làng Phú Thọ huyện Lệ Thủy, Quảng Bình,làng Phò Trạch, làng Siêu Quần, huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế. Tạo thành đê xanh bảo vệ làng trước gió bão, sóng lớn.

· Họ Bàng (Combretaceae)

Cây Trâm bầu (Chưng bầu - Combretum quadrangulare) cây bụi hay gỗ nhỏ, phân bố tự nhiên ở Việt Nam. Cây mọc nhiều ven kênh rạch của tỉnh ở đồngbằng Nam Bộ, không kén đất, nước ngập không chết. Cây cho gỗ nhỏ làm củi, làm nông cụ. Được trồng làm cây giữ đất ven kênh rạch, giữ ẩm cho đất và chắn gió. Lá khô có thể dùng quấn thuốc lá để hút.

· Họ cau dừa (Arecaceae)

Chi Nypa: Có một loài duy nhất là Dừa nước (Nypa fruticans Wurmp.) phân bố tự nhiên ở Việt Nam, phổ biến ở các tỉnh đồng bằng Nam bộ. Dừa nước cũng phân bố rải rác ở các tỉnh Nam Trung Bộ, nhưng không thấp phân bố tự nhiên ở miền Bắc Việt Nam./.