00:00 Số lượt truy cập: 2670213

Nguyên nhân bệnh tụ huyết trùng ở trâu, bò 

Được đăng : 03/11/2016

Bệnh có ở nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam bệnh có khắp nơi, thường mang tính chất dịch lẻ tẻ địa phương. Các ổ dịch nhỏ có thể xảy ra quanh năm, đến mùa mưa khí hậu nóng ẩm bệnh lây lan rộng hơn và giết hại nhiều trâu, bò. Các tỉnh miền Tây Nam Bộ do khí hậu nóng ẩm và nhiều đầm lầy nên bệnh xảy ra quanh năm. Các tỉnh miền Bắc bệnh thường có vào mùa mưa, lũ lụt từ tháng 6 - 12. Hiện nay, bệnh hay gặp ở các tỉnh miền núi như Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Hà Giang... gây nhiều thiệt hại cho đàn trâu, bò.


1. Nguyên nhân bệnh

Bệnh do cầu trực khuẩn tụ huyết trùng Pasteurella multocida.

- Hình thái

Đó là một cầu trực khuẩn nhỏ, có hình trứng hoặc bầu dục, hai đầu tròn, kích thước 0,25 - 0,4´0,4-1,5mm, vi khuẩn không có lông, không di động, không hình thành nha bào, bắt màu Gram âm.

Trong cơ thể bệnh, vi khuẩn hình thành giáp mô nhưng khó quan sát và khi nhuộm, vi khuẩn có hiện tượng bắt màu sẫm hơn ở hai đầu tế bào nên người ta gọi là vi khuẩn lưỡng cực.

- Nuôi cấy

Vi khuẩn hiếu khí hoặc yếm khí tuỳ tiện, nhiệt độ thích hợp 370C, pH thích hợp từ 7,2 - 7,4. Mọc yếu trên các môi trường nuôi cấy thông thường, môi trường có bổ sung huyết thanh hoặc máu thì vi khuẩn mọc tốt.

- Môi trường nước thịt: Sau cấy 24 giờ môi trường đục, khi lắc có vẩn như sương mù rồi lại mất, đáy ống có cặn nhầy, trên mặt môi trường có lớp màng mỏng.

- Môi trường thạch thường: Hình thái khuẩn lạc dạng S nhỏ, trong suốt, long lanh như hạt sương.

- Môi trường thạch máu: vi khuẩn gây dung huyết, phát triển tốt, khuẩn lạc to hơn trên thạch thường. Đây là môi trường thường dùng để nhân và giữ giống vi khuẩn.

- Sức đề kháng

Vi khuẩn tụ huyết trùng dễ bị tiêu diệt bởi sức nóng, ánh sáng mặt trời và chất sát trùng: Vi khuẩn bị diệt khi đun ở 580C trong 20 phút, ở 800C sau 10 phút; ở 1000C chết ngay. ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp, diệt vi khuẩn trong canh trùng sau 1 ngày.

Trong tổ chức của động vật bệnh bị thối nát vi khuẩn sống được 1 - 3 tháng, các chất sát trùng thông thường diệt vi khuẩn nhanh chóng: axit phenic 5%, cresyl 3%; nước vôi 10%, formol 2%, Iodin 1%, Benkocid 3%, Cloramin B3%, Virkon 0,5%...

Trong chuồng nuôi súc vật và trên đồng cỏ vi khuẩn sống hàng tháng, có khi hàng năm.

2. Dịch tễ học

- Loài vật mắc bệnh

Trong thiên nhiên, trâu, bò cảm thụ mạnh nhất. Trâu, bò rừng cũng mắc bệnh. Bệnh từ trâu, bò có thể lây sang ngựa, chó và lợn, vì vậy trong ổ dịch tụ huyết trùng trâu, bò cần chú ý phòng bệnh cho các loài động vật này. Bê, nghé đang bú mẹ ít mắc, trâu, bò 2 - 3 tuổi dễ mắc bệnh hơn trâu, bò già.

Ở nước ta trâu thường mắc nhiều và nặng hơn bò.

Trong phòng thí nghiệm: Thỏ cảm nhiễm nhất, tiêm vi khuẩn vào dưới da hoặc tĩnh mạch chỉ sau 1 - 2 ngày thỏ chết. Bệnh tích thể hiện: chỗ tiêm có nước, tụ máu, lồng ngực tích nước, phổi và khí quản viêm xuất huyết, ruột xuất huyết.

- Cơ chế sinh bệnh

Bệnh tụ huyết trùng thường phát sinh ở các vùng nóng ẩm. Vào mùa mưa, vi khuẩn có sẵn trong đất được nước đưa lên mặt đất, lẫn vào rơm cỏ và nước uống. Trâu, bò ăn thức ăn và uống nước có nhiễm khuẩn sẽ bị mắc bệnh.

Sau khi vào đường tiêu hoá, vi khuẩn qua niêm mạc, sau đó nhờ các vết sây sát nhỏ do rơm, cỏ cứng và dị vật, chúng xâm nhập vào máu đến hệ thống lympho ruột, hạch sau hầu làm hạch này sưng rất to. Từ đó, vi khuẩn xâm nhập vào các hạch lympho khác như hạch trước vai, hạch trước đùi làm cho các hạch này cũng sưng to và bị thuỷ thũng. Bởi vậy trâu, bò bị bệnh tụ huyết trùng thường có biểu hiện đặc trưng là sưng hạch hầu.

Trong điều kiện bình thường, ở đa số trâu, bò khoẻ vi khuẩn tụ huyết trùng thường sống ký sinh trên niêm mạc đường hô hấp và tiêu hoá. Có tới 80% số trâu, bò khoẻ mang vi khuẩn nhưng chúng không gây bệnh, giữa vi khuẩn và súc vật có sự cân bằng sinh học. Khi gặp các yếu tố ngoại cảnh bất lợi như: thời tiết thay đổi đột ngột, thiếu thức ăn, làm việc nặng nhọc làm cho sức đề kháng của con vật giảm sút, thế cân bằng sinh học bị phá vỡ, vi khuẩn tăng cường độc lực, xâm nhập vào máu và phủ tạng để gây bệnh.

- Phương thức truyền lây

Bệnh lây lan trực tiếp từ con ốm sang con khoẻ thông qua tiếp xúc, chung đụng nguồn thức ăn, nước uống, nhốt cùng chuồng, chăn cùng bãi chăn thả hoặc dùng chung các dụng cụ chăn nuôi.

Bệnh có thể lan rộng do việc mổ thịt súc vật bị ốm, phân tán thịt da. Chó, mèo, chuột, côn trùng hút máu như ruồi, mòng cũng là các môi giới trung gian để truyền bệnh đi xa.

- Mùa phát bệnh

Bệnh xảy ra rải rác quanh năm ở các vùng nóng ẩm nhưng thường tập trung vào mùa mưa từ tháng 6 - 9./.