00:00 Số lượt truy cập: 2673131

Nguyên nhân gây bệnh xoắn trùng ở lợn 

Được đăng : 03/11/2016

Bệnh xoắn trùng ở lợn thường phát sinh các ổ dịch và gây nhiều thiệt hại cho lợn các tỉnh trung du và miền núi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các ổ dịch xoắn trùng cũng xuất hiện ở các tỉnh đồng bằng như: ổ dịch xoắn trùng ở Hải Hậu, Xuân Thuỷ (Nam Định, năm 1998), ở Thanh Oai (Hà Tây, năm 1981), ở trại lợn Lạc Vệ (Bắc Ninh, năm 1980)... Bệnh gây sảy thai và tiêu thai ở lợn nái, làm cho lợn thịt các lứa tuổi bị hoàng đản, suy nhược và chết do kiệt sức trong điều kiện chăn nuôi tập trung cũng như nuôi trong gia đình.


1. Nguyên nhân bệnh

Bệnh gây ra ở lợn do các serovar Leptospira. Ở nước ta đã phát hiện 12 serovar Leptospira ở các loài gia súc và người. Gần đây Hoàng Mạnh Lân (năm 2002) đã xác định được 16 serovar Leptospira ở trâu, bò và lợn ở tỉnh Đắclắk.

Trong số các serovar đã phát hiện, các serovar thường gặp gây bệnh cho lợn là: Leptospira icterohaemorrhagiae, L.pomona, L.bataviae, L.grippotiphosa, L.mitis, L.autumnalis, L.poi và L.canicola.

Các serovar Leptospira từ lợn có thể lây truyền cho trâu, bò, dê, người và ngược lại qua vật chủ môi giới là các loài chuột sống trong tự nhiên.

2. Triệu chứng

Thời kỳ ủ bệnh từ 3 - 7 ngày. Lợn bị bệnh ở 2 thể:

- Thể cấp tính: Con vật bị bệnh sốt cao 41 - 420C khoảng 5 - 7 ngày, thở nhanh và mạnh, đi lại xiêu vẹo, thường nằm bệt một chỗ, co giật và run cơ từng cơn, sùi bọt mép, da và niêm mạc vàng, nước tiểu chuyển từ đỏ sang vàng sẫm, nước tiểu ít dần. Lợn ở lứa tuổi 3 - 4 tháng, khi sốt cao còn có các hội chứng thần kinh như: đi vòng tròn, húc đầu vào tường, kêu thét lên và lăn ra chết sau 1 - 2 ngày.

- Thể bệnh mãn tính: Thời kỳ ủ bệnh từ 5 - 20 ngày. Bệnh phát sinh âm ỉ, chậm chạp. Lợn bị bệnh ăn kém dần hoặc bỏ ăn, uống nước nhiều, đi táo, nước tiểu hồng sau đó chuyển thành vàng, ít dần. Trong thời kỳ bị bệnh, thân nhiệt ở 40 - 410C, lợn bị run rẩy hoặc co giật nhẹ từng cơn. Sau đó, các triệu chứng trên giảm nhẹ dần nhưng lợn gầy rạc, da vàng, mặt và phần bụng bị phù thũng, liệt chân sau, cuối cùng bị chết do kiệt sức sau 1 - 2 tháng. Lợn cái mang thai thường bị tiêu thai hoặc sảy thai.

3. Bệnh tích

Cơ thể lợn thường gầy xơ xác, da và các niêm mạc đều vàng, mỡ cũng vàng và có mùi khét. Trong xoang ngực và xoang bụng ở lợn có nhiều nước vàng. Phổi bị tụ huyết từng đám. Mật teo, nước mật đặc như keo. Thận có mầu tái nhợt, cắt ra có xuất huyết. Gan vàng nhợt. Niêm mạc bàng quang có lấm tấm xuất huyết.

4. Dịch tễ học

- Lợn ở các lứa tuổi đều bị mắc bệnh. Trong tự nhiên các loài gia súc: lợn, trâu, bò, dê, chó, mèo... và các loài thú hoang: bò rừng, sơn dương, hươu, chó sói, chuột... đều bị nhiễm các serovar Leptospira. Bệnh có thể từ súc vật lây sang người và ngược lại.

- Các loài chuột nhiễm các serovar Leptospira mắc bệnh mãn tính hoặc mang trùng, luôn thải Leptospiraqua nước tiểu ra môi trường. Ở môi trường tự nhiên, các serovar Leptospiracó thể tồn tại từ vài ngày đến vài tuần trong nước cống rãnh, ao tù.

- Lợn và các loài súc vật khác bị nhiễm xoắn trùng khi tiếp xúc với nước bẩn có mầm bệnh. Xoắn trùng có thể chui qua da, qua các vết thương mới vào cơ thể. Súc vật ăn thức ăn hoặc uống nước có mầm bệnh cũng có thể bị nhiễm bệnh.

- Bệnh phát sinh và phát triển quanh năm nhưng thường thấy bệnh xảy ra nhiều vào các tháng nóng ẩm, mưa nhiều từ mùa hè tới mùa thu.

5. Chẩn đoán bệnh

- Chẩn đoán lâm sàng

Căn cứ vào các dấu hiệu lâm sàng đặc trưng của súc vật bị bệnh: da và các niêm mạc vàng; nước tiểu hồng hoặc vàng sẫm; mỡ và thịt có mùi khét; mặt teo; xoang ngực và bụng có dịch vàng.

- Chẩn đoán huyết thanh học

Sử dụng phản ứng vi ngưng kết mà kháng nguyên được chế từ các serovar Leptospira đã nhuộm mầu và kháng thể là huyết thanh của súc vật nghi mắc bệnh. Phản ứng có thể phát hiện 85% súc vật bị bệnh.

- Chẩn đoán vi khuẩn

Có thể phân lập xoắn trùng bằng cách nuôi cấy các bệnh phẩm, đặc biệt là nước tiểu trên môi trường Teckit./.