00:00 Số lượt truy cập: 2676765

Nguyên tắc xây dựng kho và cách bố trí nguyên liệu trong kho bảo quản nông sản 

Được đăng : 03/11/2016

1. Nguyên tắc xây dựng kho

- Móng kho:

Móng kho được làm bng bê tông cốt thép, cao hơn bề mặt đất ngoài công trình 30 - 40 cm, thường có gờ úp xuống tránh chuột khỏi trèo lên. Móng phải được xây trên nền đất cứng, để khỏi bị lún.


- Sàn kho:

Cấu trúc của sàn kho có ảnh hưởng lớn tới độ bền của kho và điều kiện áp dụng cơ khí hoá. Sàn kho phải đáp ứng một số yêu cầu kỹ thuật sau:

+ Bền vững, chịu được tải trọng riêng lớn (trọng lượng sản phẩm trên 1 m2 sàn).

+ Cách ẩm tốt, ngăn được mạch nước ngầm và khí ẩm ở bên ngoài vào.

+ Bảo đảm không cho côn trùng và sâu bọ xâm nhập vào kho.

Kho chứa ngũ cốc, sàn kho thường hơi nghiêng để dễ dàng cho việc cơ khí hoá xuất hạt. Sàn kho đựng rau quả thường làm phẳng, chia thành các ngăn dọc ngang kho. Giữa các ngăn có lối đi đủ lớn để tạo thông thoáng và để các phương tiện vận chuyển đi lại trong kho để bốc dỡ hàng.

Sàn kho hiện nay thường có ba loại: sàn gỗ, sàn gạch và sàn bê tông cốt thép. Sàn có thể có gầm thông thoáng phía dưới, tránh ẩm từ dưới theo mạch nước ngầm ngấm vào. Sàn bê tông thường dày và có lớp chống thấm bằng bitum.

- Tường kho:

Tường kho thường có một lớp hoặc hai lớp. Giữa hai lớp có lớp chống thấm và cách nhiệt. Tường kho phải bảo đảm vững chắc, không bị nứt nẻ,...

- Mái kho:

Mái kho thường làm bằng tôn, phibrô xi măng hoặc đổ bê tông. Yêu cầu đối với mái kho phải cách nhiệt tốt (giảm bức xạ mặt trời). Để bảo đảm cách nhiệt người ta có thể sử dụng bông thuỷ tinh. Đối với mái ngói thường phải có trần bằng vôi rơm. Trần loại này rẻ tiền, hiệu quả cũng tốt nhưng có nhược điểm là độ bền kém.

- Cửa kho:

Các cửa ra vào phải bố trí hợp lý để công việc kiểm tra, xuất, nhập, xử lý sự cố được thuận tiện và nhanh chóng. Cửa sổ phía trên phải có máng hất, tránh mưa hắt vào. Cửa thông gió phải có hai lớp, lớp trong bằng lưới, phía ngoài bằng kính hoặc chớp, tránh chim, chuột xâm nhập và khi thông gió có thể mở cửa dễ dàng. Kích thước cửa phổ biến 2,5´2,5 m đóng kín.

2. Bố trí nguyên liệu trong kho

Về nguyên tắc, chúng ta không thể sắp xếp các bao hạt đầy kín trong kho. Cần phải có lối vào, ra đủ rộng để các phương tiện vận chuyển đi lại để chất hàng vào kho và lấy hàng ra khỏi kho. Khoảng trống ở trần và xung quanh các đống bao cần thiết cho việc thông gió, làm vệ sinh và phun thuốc phòng trừ,... Thông thường theo quy định với kho chứa 500 tấn thì thể tích sử dụng có thể ít hơn 50% tổng thể tích bên trong tính tới dưới chỗ bắt đầu mái chìa. khi kích thước của kho tăng lên thì thể tích sử dụng cũng tăng lên (tối đa 80% với kho chứa 10.000 tấn).

Đối với mỗi thể tích nhà kho nhất định, thể tích sử dụng cũng giảm do số loại sản phẩm lưu kho gia tăng, bị sâu bệnh, quản lý không tốt,...

Chăm sóc nông sản trong kho với những nội dung sau:

- Khi xây dựng, tấm sàn có bố trí nhiều lớp trong đó có lớp ngăn ẩm xâm nhập từ dưới đất lên bằng lớp nhựa bitum. Đồng thời bao sản phẩm không đặt trực tiếp lên sàn mà thông qua giá đỡ.

- Ngăn nước ẩm từ tường thấm vào nông sản: khối nông sản không được xếp tiếp xúc trực tiếp với tường mà cần có khoảng cách thích hợp.

- Xếp các bao đúng quy cách: điều này có nghĩa là phải bảo đảm sử dụng tối đa không gian kho, làm vệ sinh mặt sàn dễ dàng, kiểm tra nông sản, kiểm tra số lượng dễ dàng, tạo khoảng cách để thông gió cho các bao.

- Phòng trừ chuột và sâu bệnh: phải bịt kín các lỗ nơi ẩn náu của chuột, bảo đảm kho sạch tuyệt đối, dọn và huỷ các phế phẩm bị nhiễm bệnh.

- Giá lót là một vật liệu đặt giữa sàn kho và bao đựng hạt, nhằm ngăn không cho ẩm thấm vào nông sản từ sàn, dẫn tới mốc và hư hỏng hạt.

Giá lót đơn giản nhất là tấm nilông dày, không bị thủng đặt trực tiếp xuống sàn và trên các bao hạt. Giá lót gỗ (thường gọi là palet nâng hàng) cấu tạo gồm các thanh gỗ ngang và dọc, bao nông sản đặt trên đó cách ly với sàn. Cần lưu ý trước khi dùng cần tẩy trùng sạch, tránh nhiễm sâu bệnh. Cách xếp bao như hình vẽ dưới, tránh cho bao bị đổ và làm cho việc kiểm kê kho dễ dàng.