Với mục đích giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, nâng cao năng suất sau thu hoạch, UBND thị xã Bạc Liêu đã xây dựng và triển khai Ðề án nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp bền vững giai đoạn 2007 – 2010, đến nay bước đầu đã đạt kết quả tốt.
Toàn thị xã có 5.216 ha nuôi tôm áp dụng theo đề án. Những hộ nuôi tôm theo đề án đều hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng hóa chất trong nuôi tôm, thay vào đó là dùng chế phẩm sinh học (vi sinh).
Ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Phòng kinh tế thị xã, cho biết: "Nông dân nuôi tôm theo đề án sẽ giảm được nhiều thiệt hại so với nuôi theo tập quán thông thường, năng suất đạt được sau thu hoạch cao hơn gấp nhiều lần. Sau năm tháng thực hiện, diện tích nuôi tôm ở thị xã 3,030 ha, trong đó nuôi công nghiệp là 2.674 ha sản lượng đạt hơn 8.400 tấn. Trong quá trình thực hiện, bà con nông dân được cán bộ chuyên môn tập huấn về quy trình nuôi như: xây dựng và cải tạo ao nuôi, cách lấy nước và khử trùng nước trong ao, cách chọn giống và thả con giống...
Nhiều nơi thực hiện thành công trong việc nuôi tôm theo hướng bền vững, điển hình là địa bàn phường 8: hơn 240 hộ nuôi với diện tích 420 ha. Sau hơn năm tháng thực hiện đề án, kết quả bước đầu tỷ lệ rủi ro thấp hơn khi chưa thực hiện đề án.
Bà Trần Thị Thúy Phượng, Chủ tịch UBND phường 8 cho biết: Nuôi tôm theo hướng bền vững giảm được nhiều chi phí ban đầu, cho năng suất cao. Nhiều hộ nuôi tôm đã trúng mùa nhờ vào thực hiện đề án. Ông Võ Ngọc Lân, khóm 8, phường 8 liên tục "thắng đậm" khi thực hiện kỹ thuật nuôi tôm theo hướng bền vững và những kinh nghiệm tích lũy từ hơn 12 năm nuôi tôm.
Ông Lân kể: "Năm 2002, khi nghe tin về những mô hình nuôi tôm dùng chế phẩm vi sinh thay vì dùng hóa chất, tôi nuôi thử vụ đầu. Khi thấy trúng vụ mà chi phí đầu vào rất thấp nên tôi tiếp tục nuôi theo mô hình này với những vụ sau. Thấy hay nên tôi tuyên truyền, vận động bà con nuôi theo hướng này. Ðến năm nay, khi phường phát động đề án nuôi tôm bền vững thì bà con đều đồng tình ủng hộ". Theo ông Lân, lợi thế của mô hình này là: chi phí đầu vào giảm khoảng 50% so với cách nuôi thông thường, chẳng hạn nếu nuôi xử lý hóa chất sẽ tốn khoảng 35 triệu đồng/ha, còn theo mô hình dùng chế phẩm vi sinh chỉ mất hơn 10 triệu đồng/ha cho hai vụ nuôi. Vụ tôm thu hoạch vừa rồi, sau khi trừ chi phí, ông Lân còn lãi hơn 80 triệu đồng.
Ðây là năm đầu thị xã thực hiện Ðề án nuôi tôm theo hướng bền vững giai đoạn 2007 - 2010. Kết quả bước đầu đã đạt được như trên là một dấu hiệu đáng mừng.