00:00 Số lượt truy cập: 2673176

Phòng bệnh suyễn lợn 

Được đăng : 03/11/2016

Bệnh do Mycoplasma hyopneumoniae, nhưng bệnh sẽ trầm trọng hơn nếu kết hợp với một Adenovirus và các vi khuẩn đường hô hấp khác. Mycoplasma là nhóm vi sinh vật có kích thước lớn hơn virút và nhỏ hơn vi khuẩn. Bệnh ở lợn thường thấy những bệnh tích ở phổi do sự xâm nhiễm bởi những vi khuẩn thứ phát: Pasteurella, Streptococcus, Bordetella, Klebsiella. Những tác nhân này làm thay đổi nhiều tiến triển của bệnh.


Lợn ở các lứa tuổi đều có thể cảm nhiễm M.hyopneumoniae nhưng lợn từ 3 - 6 tháng bị bệnh với tỷ lệ cao và bị chết nhiều hơn. Lợn nái bị bệnh thể mãn tính kéo dài, thường truyền bệnh cho lợn con và là nguồn tàng trữ mầm bệnh. Lợn ngoại bị bệnh nặng và chết nhiều hơn lợn nội. Bệnh lây lan qua đường hô hấp do lợn khoẻ hít thở không khí có mầm bệnh và bị lây bệnh. Bệnh phát triển quanh năm trong đàn lợn. Các ổ dịch suyễn thường phát sinh vào thời gian lạnh ẩm trong năm từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau. Ở các vùng có lưu hành bệnh, các ổ dịch suyễn cũng lẻ tẻ xảy ra vào thời gian nóng nực, ẩm ướt và mưa nhiều, từ tháng 6 đến tháng 8 dương lịch hằng năm.

Cần chú ý phòng bệnh gây hại trên đàn lợn.

1. Đối với những trại chưa có bệnh

- Thực hiện phương châm không nhập lợn từ ngoài vào. Nếu cần thiết phải nhập lợn thì chọn ở những vùng, trại từ trước chưa phát hiện ra bệnh suyễn; kiểm tra kỹ tình hình sức khoẻ của lợn khi mua; khi đem lợn về phải cách ly một tháng, khi không phát hiện triệu chứng bệnh mới cho nhập đàn.

- Thường xuyên làm công tác phòng dịch, nếu phát hiện lợn có triệu chứng của bệnh suyễn: cách ly ngay, điều trị kịp thời hoặc cần thiết phải xử lý lợn bệnh.

2. Đối với các trại đã có bệnh

- Tuyệt đối không bán lợn, xuất lợn khỏi trại, trường hợp cho đi mổ ở lò sát sinh thì vận chuyển thẳng từ trại đến lò, đề phòng gieo rắc mầm bệnh dọc đường.

- Lợn đực giống tốt bị bệnh, tuyệt đối không cho nhảy trực tiếp mà dùng thụ tinh nhân tạo. Những lợn đực giống kém giá trị đem nuôi vỗ béo để thịt.

- Lợn nái đã mắc bệnh thì nên vỗ béo để thịt, không dùng sinh sản. Trường hợp lợn nái giống tốt phải thực hiện các biện pháp phòng trừ tổng hợp; nếu sau 5 tháng thấy khỏi về triệu chứng thì có thể dùng sinh sản bằng thụ tinh nhân tạo, nhưng không được phát giống ra khỏi trại.

- Lợn con mà mẹ mắc bệnh suyễn thì phải theo dõi nghiêm ngặt và nuôi lợn để giết thịt, không dùng làm giống.

- Thịt lợn bị suyễn có thể dùng ăn được, nhưng phải huỷ bỏ toàn bộ phổi và các hạch lâm ba phổi.

- Trong thời gian trại đang bị bệnh, không nhập lợn mới. Nếu cần thiết phải nhập thì phải để riêng ở một khu vực cách xa đàn lợn cũ tối thiểu 10 mét, có hàng rào kín.

3. Biện pháp chung

- Chuồng: Quét dọn sạch sẽ, khô ráo, tránh ẩm ướt. Trời rét phải có rơm lót, giữ cho chuồng ấm, kín gió: Chuồng cần phải đủ ánh sáng và có sân vận động. Mỗi ngày cho lợn vận động ít nhất 3 giờ ngoài trời. Trong khi thả không để lợn ốm và lợn khoẻ tiếp xúc với nhau.

- Tiêu độc: hàng tuần tiêu độc một lần toàn trại. Tất cả dụng cụ, máng ăn, sau khi dùng phải rửa sạch và phơi nắng. Thường xuyên quét vôi và tiêu độc nền với những chất sát trùng như: NaOH 5%, nước vôi 10%, cresyl 5%, Iodin 1%...

- Nuôi dưỡng: cho lợn ăn no đủ, nhiều thức ăn tươi, tăng thức ăn tinh, bột xương, muối và chất khoáng./.