00:00 Số lượt truy cập: 2679207

Phòng và trị bệnh đóng dấu lợn 

Được đăng : 03/11/2016

Bệnh đóng dấu lợn do vi khuẩn Erysipelothrix rhusiopathiae gây ra và được Robert Kock phát hiện năm 1878.


1. Triệu chứng

Thời kỳ nung bệnh từ 1 - 8 ngày, trung bình 3 - 5 ngày. Lợn bị bệnh ở 3 thể:

- Thể quá cấp tính

Lợn bị bệnh nhiễm trùng huyết thường chết sau 2 - 3 giờ hoặc 12 - 24 giờ khi thân nhiệt hạ.

Sốt cao 41 - 420C, mắt đỏ, con vật không ăn uống, điên cuồng lồng lộn rồi rúc đầu vào khe chuồng mà chết hoặc hộc máu ra chết. Lợn chết nhanh, chưa kịp thể hiện dấu hiệu đặc trưng lâm sàng của bệnh.

- Thể cấp tính

Thể này thường thấy: Con vật bắt đầu ủ rũ, mệt mỏi, lờ đờ, chê cám, ăn kém hoặc không ăn, chui vào ổ nằm. Sau đó lợn sốt cao 420C trong 2 - 3 ngày, da khô, run rẩy bốn chân. Lúc sốt có đi táo, phân có màng bọc lầy nhầy, có con nôn mửa, về sau đi ỉa chảy.

Các niêm mạc đỏ thẫm hoặc tím bầm. Lợn bệnh chảy nước mắt, nước mũi, thở khó.

Hai ba ngày sau trên da xuất hiện những vết đỏ, ở tai, lưng, ngực, mắt, trong đùi, hình vuông, hình quả trám, bầu dục, đa giác... Các dấu đó lúc đầu đỏ tươi sau chuyển sang đỏ sẫm tím bầm. Khi lợn bị chết có màu tím xanh hay tím bầm.

Bệnh tiến triển từ 3 - 5 ngày. Con vật yếu dần, thở khó, thân nhiệt hạ nhanh và chết. Tỷ lệ chết 50 - 60%.

- Thể mãn tính

Thể này thường tiếp theo của thể cấp tính, kéo dài 3 - 4 tháng. Con vật ăn uống kém, gầy còm, thiếu máu, niêm mạc nhợt nhạt, thân nhiệt bình thường hoặc sốt nhẹ. Có thể thấy 3 triệu chứng chủ yếu: viêm nội tâm mạc, viêm khớp xương và hoại tử da. Van tim sần sùi như hoa súp lơ, phổi thuỷ thũng.

Triệu chứng hoại tử thấy ở nhiều nơi trên cơ thể: lưng, bụng, vai, đầu, tai... Da sưng đỏ lan rộng ra thành mảng lớn, màu đỏ, không đau, hoại tử, loét chảy nước hôi thối và tróc da từng mảng như bánh đa.

Con vật có thể khỏi hoặc chết do gầy, kiệt sức. Có con chết bất thình lình do viêm nội tâm mạc.

2. Chẩn đoán lâm sàng

Một số triệu chứng điển hình như: dấu đỏ hình vuông, hình quả trám trên da, da hoại tử bóc thành từng mảng; có một số bệnh tích đặc hiệu: thận, lách sưng, tụ máu, van tim sần sùi; viêm khớp xương chân và viêm ruột mãn tính giúp cho việc chẩn đoán lâm sàng.

3. Điều trị bệnh

Dùng kháng huyết thanh

Việc điều trị bằng kháng huyết thanh thường tốn kém, nhưng trong trường hợp đặc biệt, nhất là cơ sở lợn giống thì vẫn phải sử dụng. Kháng huyết thanh được tiêm dưới da: Lợn dưới 25 kg với liều 5 - 10ml/lợn; lợn trên 45kg với liều 20 - 40ml. Huyết thanh có tác dụng bao vây để loại bỏ mầm bệnh trong khoảng thời gian từ 24 - 26 giờ.

Điều trị bằng kháng sinh và Sulfamid:

Phác đồ 1:

- Thuốc điều trị: Penicillin G: 30.000 - 40.000 UI/kg thể trọng/ngày. Dùng tiêm bắp thịt, liên tục 3 - 4 ngày.

Vì hiện tượng kháng thuốc xảy ra nhiều, có thể thay Penicillin G, bằng: Ampicillin: 30 - 40mg/kg thể trọng/ngày.

- Thuốc trợ sức: Tiêm cafêin, vitamin B1, vitamin C, cho uống dung dịch điện giải khi lợn mệt nhọc, ít ăn.

- Hộ lý: cách ly điều trị; giữ chuồng khô sạch, thoáng khí mùa hè; kín ấm, tránh gió lùa mùa đông; chăm sóc, nuôi dưỡng tốt lợn bệnh.

Phác đồ 2:

- Thuốc điều trị: Penstrep: 30mg/kg thể trọng ngày, dùng thuốc tiêm liên tục 3 - 4 ngày.

- Thuốc trợ sức: như Phác đồ 1.

- Hộ lý: như Phác đồ 1.

Phác đồ 3:

- Thuốc điều trị: HN Enrovet 50T (Enrovet 10% INJ): liều 1 ml/20kg thể trọng/ngày. Dùng liên tục 3 - 4 ngày.

- Thuốc trợ sức: như Phác đồ 1.

- Hộ lý: như Phác đồ 1.

Phác đồ 4:

- Thuốc điều trị: RTD Septicus (Hanceft, Navet-cel): tiêm theo liều 1 ml/ 12 - 15 kg thể trọng/ngày; tiêm 3 ngày.

- Thuốc trợ sức: như Phác đồ 1.

- Hộ lý: như Phác đồ 1.

Phác đồ 5:

- Thuốc điều trị: Hanflor tiêm bắp 1ml/20kg thể trọng; tiêm 2 ngày/lần. Mỗi vị trí tiêm không quá 20ml.

- Thuốc trợ sức: như Phác đồ 1.

- Hộ lý: như Phác đồ 1.

4. Phòng bệnh

Phòng bệnh bằng vắcxin

Hiện nay có 3 loại vắcxin phổ biến

- Vắcxin nhược độc VR2: vắcxin này vẫn đang được sử dụng với liều 3ml/lợn. Năm 1985, Nguyễn Văn Lãm đã tạo ra được vắcxin tụ dấu 3/2 phòng cùng một lúc 2 bệnh: Tụ huyết trùng và Đóng dấu lợn. Vắcxin này được tiêm với liều 3ml/1lợn, miễn dịch 6 - 8 tháng. Vắcxin nhược độc cần phải được bảo quản ở điều kiện +40C đến +100C. Thời gian bảo quản 9 tháng.

- Vắcxin VR2: là vắcxin nhược độc chế tạo từ chủng Rumani, tiêm với liều 2ml/lợn, miễn dịch kéo dài 6 - 8 tháng.

- Vắcxin vô hoạt: dạng vắcxin keo phèn được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam. Liều dùng: 3ml/lợn. Sau khi tiêm 2 - 3 tuần lợn có miễn dịch chắc chắn. Độ dài miễn dịch 6 tháng.

Phòng bệnh bằng biện pháp vệ sinh

- Mua lợn nơi không có dịch, lợn mua về nhốt riêng 2 tuần mới cho nhập đàn.

- Vệ sinh chuồng trại thường xuyên. Định kỳ tẩy uế chuồng trại: Iodin 3%. Chuồng có lợn ốm phải xử lý để trống trong 1 - 2 tháng mới nuôi lại.

- Việc giết mổ lợn phải tiến hành đúng nơi quy định và có kiểm soát sát sinh chặt chẽ.