00:00 Số lượt truy cập: 2673124

Phòng và trị bệnh nhiệt thán ở gia súc 

Được đăng : 03/11/2016

1. Phòng bệnh

1.1. Vệ sinh phòng bệnh

a. Khi chưa có dịch


Ở những vùng nhiệt thán, cần chú ý phòng bệnh cho súc vật thụ cảm để ngăn chặn không cho dịch xảy ra:

- Tiêm phòng vắcxin triệt để cho súc vật thụ cảm là biện pháp chủ động, có hiệu quả và kinh tế để bảo vệ gia súc.

- Xây dựng chuồng nuôi gia súc hợp vệ sinh, luôn giữ chuồng trại sạch sẽ và định kỳ sát trùng tẩy uế.

- Kiểm dịch chặt chẽ việc xuất nhập gia súc trong vùng dịch.

- Không mổ thịt, tiêu thụ thịt và sản phẩm của gia súc ốm, chết.

- Không chăn thả súc vật gần nơi chôn xác chết vì bệnh nhiệt thán hoặc nơi mổ thịt súc vật bị mắc bệnh.

- Cách ly theo dõi 15 ngày với gia súc mới mua về rồi mới cho nhập đàn.

b. Khi có dịch xảy ra

Khi đã xác định có bệnh nhiệt thán cần phải công bố dịch, thi hành chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch.

- Tiêm phòng ngay cho toàn đàn gia súc.

- Cách ly kịp thời gia súc mắc bệnh và nghi mắc bệnh, các chất thải của gia súc cách ly như thức ăn thừa, phân rác thải thu gom hàng ngày đem chôn sâu với vôi bột.

- Tuyệt đối không mổ gia súc ốm hoặc chết, không bán chạy gia súc ốm.

- Không vận chuyển gia súc qua vùng đang có dịch.

- Xác của gia súc chết vì bệnh phải được chôn đúng kỹ thuật: Đào hố hình chữ nhật, dài 2m rộng 0,6m sâu 2m. Xếp củi đầy dưới hố, đặt xác con vật lên trên, tưới dầu lên và đốt. Phải đốt đến khi con vật cháy hoàn toàn thành tro. Rắc vôi bột lên lớp tro, lấp chặt hố lại rồi xây thành mả có biển báo "gia súc chết do bệnh nhiệt thán".

Làm vệ sinh tiêu độc kỹ nơi ô nhiễm mầm bệnh:

- Phân, rác, chất thải của gia súc ốm và chết phải được chôn hoặc đốt.

- Phun xút nóng 3 - 5% (NaOH) vào nền chuồng, lối đi, sân chơi, nơi mổ khám hoặc chuồng gia súc bị chết.

- Nếu gia súc bị bệnh nhiệt thán chết trong chuồng, có thể đốt toàn bộ chuồng nuôi, đất nền chuồng phải được nạo vét một lớp dày 5 cm đem chôn sâu với vôi bột hoặc xút 5%.

- Trước khi hết dịch phải làm vệ sinh tiêu độc lần cuối một cách kỹ càng.

1.2. Phòng bệnh bằng vắcxin

Hiện nay ở nước ta đang sử dụng một loại vắcxin nhược độc nha bào nhiệt thán khi dùng tiêm dưới da cổ cho trâu, bò, ngựa với liều 1ml. Vắcxin cho miễn dịch được 1 năm vì vậy 1 năm tổ chức tiêm phòng 1 lần vào tháng 3 và 4 dương lịch và tiêm bổ sung vào tháng 9 và 10 cho những gia súc mới mua về hoặc mới sinh ra.

Vắcxin được sử dụng ở vùng nhiệt thán với thời hạn tiêm phòng được quy định như sau:

- Đối với vùng có gia súc chết vì bệnh nhiệt thán đã được đốt xác hoặc chôn, mả gia súc được xây và đổ bê tông thì tiêm phòng 5 năm liên tục tính từ năm có dịch cuối cùng.

- Đối với vùng có gia súc mắc bệnh nhiệt thán bị giết mổ ăn thịt, phải tiêm phòng 10 năm liên tục tính từ năm có dịch cuối cùng.

- Đối với vùng có gia súc chết đã chôn nhưng mả chưa xây và đổ bê tông thì phải tiêm phòng 20 năm liên tục tính từ năm có dịch cuối cùng.

2. Điều trị bệnh

Khi xác định chính xác gia súc bị mắc bệnh nhiệt thán, tốt nhất là giết huỷ và đốt xác để tránh lây lan. Trong trường hợp cần thiết có thể tiến hành điều trị.

Do bệnh chết nhanh nên việc điều tra cần tiến hành sớm; có thể dùng kháng huyết thanh nhiệt thán chế qua ngựa (tuy nhiên phương pháp này không phổ biến).

- Nếu bệnh lây lan do nhiễm bởi chất chứa trong đất, có thể dùng kháng sinh điều trị cho động vật bị ốm và tiêm vắcxin tạo miễn dịch cho đàn gia súc xung quanh.

- Nếu dịch liên quan đến các nguồn khác (ví dụ như lây qua thức ăn) cần điều trị kháng sinh: có thể dùng 1 trong các dòng kháng sinh: penicillin, oxytetracyclin, amoxicillin, cyprofloxacin... Liều lượng 25.000 - 30.000 UI/kg thể trọng; với liệu trình 5 ngày liên tục, không tiêm ít hơn 1 triệu UI/ngày.

Sử dụng một trong các phác đồ sau đây:

Phác đồ 1:

- Thuốc điều trị: Penicillin G dùng liều 30.000 đv/kg thể trọng/ngày; thuốc tiêm bắp thịt liên tục 4-5 ngày. Liều thuốc trong ngày chia 2-3 lần tiêm. Có thể thay bằng: Ampicillin dùng liều 30mg/kg thể trọng; cách sử dụng như Penicillin G.

- Thuốc trợ tim mạch và nâng cao thể trọng: phối hợp tiêm cafein, vitamin B1, C và truyền huyết thanh mặn ngọt: 1000 - 2000ml/100kg thể trọng; tiêm thuốc hạ nhiệt Analgin.

- Hộ lý: Cách ly triệt để để điều trị; chuồng nhốt súc vật bị bệnh thực hiện vệ sinh hàng ngày và phun thuốc diệt trùng Iodin 1%; chăm sóc nuôi dưỡng tốt súc vật bị bệnh (có người nuôi riêng với trang bị bảo hộ đầy đủ).

Phác đồ 2:

- Thuốc điều trị: Cephaflexin dùng liều 30mg/kg thể trọng/ngày, thuốc tiêm bắp thịt liên tục 4-5 ngày; Liều thuốc trong ngày chia 2-3lần tiêm.

- Thuốc trợ tim mạch và nâng cao thể trọng: như Phác đồ 1.

- Hộ lý: như Phác đồ 1.

Phác đồ 3:

- Thuốc điều trị: Ceftiofur (Hanceft, RTS Septicus)

- Thuốc trợ tim mạch và nâng cao thể trọng: như Phác đồ 1.

- Hộ lý: như Phác đồ 1.

Phác đồ 4:

- Thuốc điều trị: Enrofloxacin (Enrovet 10% INJ) dùng liều 1ml/20kg thể trọng/ngày; tiêm thuốc liên tục 4-5 ngày; liều thuốc trong ngày chia 2 lần tiêm.

- Thuốc trợ tim mạch và nâng cao thể trọng: như Phác đồ 1.

- Hộ lý: như Phác đồ 1./.