00:00 Số lượt truy cập: 2672978

Phòng và trị bệnh tụ huyết trùng trâu, bò 

Được đăng : 03/11/2016

Bệnh tụ huyết trùng trâu, bò (Pasteurellosis bovum) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính ở trâu, bò do cầu trực khuẩn tụ huyết trùng Pasteurella multocida thuộc các typ A, B, D, E gây ra. Với các biểu hiện đặc trưng: tụ huyết và xuất huyết ở những vùng đặc biệt trên cơ thể, vi khuẩn thường xâm nhập vào máu gây bệnh bại huyết.


Để phòng bệnh cần phải thực hiện:

Vệ sinh phòng bệnh

- Thường xuyên thực hiện vệ sinh chuồng trại, định kỳ tẩy uế, tiêu độc bằng nước vôi 10% hay các chất sát trùng khác. Ở bãi chăn thả và quanh khu vực chuồng nuôi cần phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thoát nước ở chỗ có vũng nước tù tồn đọng để hạn chế sự tồn tại của mầm bệnh trong tự nhiên.

- Tăng cường sức đề kháng cho con vật bằng cách vệ sinh thức ăn, nước uống, ăn đủ, uống đủ, chăm sóc sử dụng và khai thác hợp lý.

- Khi có dịch xảy ra phải phát hiện kịp thời gia súc ốm để cách ly điều trị, tránh làm lây lan bệnh, đồng thời phải công bố dịch, cấm không cho vận chuyển và mổ thịt trâu, bò. Trâu, bò chết phải chôn sâu có đổ vôi bột vào hố chôn.

Toàn bộ chuồng trại, bãi chăn phải được vệ sinh tẩy uế triệt để. Đốt rác thải và ủ phân có trộn vôi bột và phun thuốc sát trùng (Iodin1%, Cloramin 3%) để diệt mầm bệnh.

Phòng bệnh bằng vắcxin

Hiện nay ở Việt Nam có 3 loại vắcxin phòng bệnh tụ huyết trùng trâu, bò. Có thể dùng 1 trong 3 loại vắcxin này để tiêm phòng định kỳ cho toàn bộ trâu, bò.

Loại vắcxin

Nơi sản xuất

Liều ml/con

Đường tiêm

Định kỳ

THT trâu, bò P52 nhũ hoá

NAVETCO

2ml/trâu, bò

1ml/bê, nghé

Bắp

1 năm/1 lần

THT trâu, bò P52

NAVETCO

2ml/con

Dưới da

2 lần/năm

THT trâu, bò keo phèn

XN thuốc
thú y TW

2ml/con

Dưới da

2 lần/năm

Cần tiêm phòng bổ sung cho toàn bộ trâu, bò mới mua về hoặc mới vận chuyển từ nơi khác đến.

Điều trị bệnh

Do đặc điểm của bệnh thường xảy ra ở dạng quá cấp tính và cấp tính nên cần phát hiện bệnh thật sớm, điều trị kịp thời thì mới có kết quả cao. Có thể dùng 1 trong các phác đồ sau:

Phác đồ 1:

- Thuốc điều trị Streptomycin: dùng liều 25mg/kg thể trọng, liên tục 4 - 5 ngày; thuốc tiêm bắp thịt, 2 lần/ngày. Có thể thay Streptomycin bằng Kanamycin.

- Thuốc trợ sức: Cafein, vitamin B1, vitamin C. Con vật bị bệnh quá yếu, bỏ ăn cần truyền huyết thanh mặn ngọt: 1000 - 2000ml/100kg thể trọng. Tiêm Analgin hạ sốt.

- Hộ lý: Cách ly điều trị; thực hiện vệ sinh chuồng trại, có phun thuốc sát trùng (Iodin 1%) theo định kỳ 1-2 lần/tuần; nuôi dưỡng chăm sóc tốt con vật bị bệnh.

Phác đồ 2:

- Thuốc điều trị: Oxytetracyclin chậm (Hanocyclin LA; OTC 10% LA), dùng liều 1 ml/12 - 14kg thể trọng, 3 ngày tiêm 1 lần.

- Thuốc trợ sức: như Phác đồ 1.

- Hộ lý: như Phác đồ 1.

Phác đồ 3:

- Thuốc điều trị: Enrovet 10% (HN-Enrovet 50T): dùng liều 1ml/20kg thể trọng, tiêm dưới da 5 ngày liền.

- Thuốc trợ sức: như Phác đồ 1.

- Hộ lý: như Phác đồ 1.

Phác đồ 4:

- Thuốc điều trị: Ceptiofur (Hanceft, RTD Septicus): dùng liều 1ml/ 10-15kg thể trọng, dùng thuốc trong 3 ngày, tiêm bắp.

- Thuốc trợ sức: như Phác đồ 1.

- Hộ lý: như Phác đồ 1.