00:00 Số lượt truy cập: 2670416

Phòng và trị bệnh xoắn trùng ở lợn 

Được đăng : 03/11/2016

Bệnh xoắn trùng ở lợn còn gọi là "bệnh lợn nghệ" vì lợn bệnh thường bị vàng da. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, xoắn trùng vào máu, tăng nhanh số lượng, rồi đi vào các phủ tạng: não, gan, lách, thận... và gây ra các tổn thương ở đây. Độc tố của xoắn trùng tác động lên não gây sốt cao ở thời kỳ đầu của bệnh, làm tan vỡ hồng cầu hàng loạt, dẫn đến hiện tượng nước tiểu đỏ vì có nhiều huyết sắc tố và hoàng đản ở da và các niêm mạc. Sau đó, xoắn trùng sẽ về cư trú ở thận, gây viêm thận mãn ở lợn và thải qua nước tiểu lợn cấp tính và chuyển thành thể mãn tính. Đặc biệt, xoắn trùng xâm nhập vào bộ máy sinh dục của lợn cái và gây viêm. Nếu lợn đang thời kỳ mang thai bị nhiễm xoắn trùng sẽ bị tiêu thai ở giai đoạn đầu và sảy thai ở giai đoạn cuối.


1. Điều trị bệnh

Điều trị lợn bị bệnh theo phác đồ sau:

- Thuốc điều trị: Penicillin với liều 25.000đv/kg thể trọng phối hợp với Streptomycin với liều 20mg/kg thể trọng, tiêm bắp thịt. Thời gian dùng thuốc 5 - 6 ngày liền.

Có thể thay Penicillin bằng Ampicillin; Streptomycin bằng Kanamycin.

- Kết hợp sử dụng các thuốc trợ sức cho lợn bị bệnh như cafein, vitamin B12, C, K.

- Hộ lý: Cách ly súc vật bị bệnh điều trị để hạn chế bệnh lây nhiễm sang súc vật khoẻ, nuôi dưỡng chăm sóc tốt súc vật trong thời gian điều trị.

2. Phòng bệnh

- Phòng bệnh bằng tiêm vắcxin tạo miễn dịch cho lợn

Hiện nay, vắcxin dùng cho lợn ở nước ta là vắcxin chết gồm 6 serovar Leptospira: L.icterohaemorrhagiae, L.pomona, L.bataviae, L.mitis, L.canicola L.grippotiphosa.

Liều tiêm vắcxin: lợn từ 5 - 15kg, tiêm 2ml; lợn từ 15 - 30kg, tiêm 3 - 5ml; lợn trên 50kg, tiêm 4 - 6ml. Sau khi tiêm 6 - 7 ngày phải tiêm nhắc lại lần 2 cũng như liều lần đầu.

Lợn được tiêm vắcxin sau 2 - 3 tuần lễ có miễn dịch với xoắn trùng với tỷ lệ bảo hộ 70 - 80% và miễn dịch kéo dài 6 tháng. Do vậy ở các vùng xuất hiện bệnh xoắn trùng cần tiêm vắcxin cho lợn theo định kỳ: 6 tháng/lần.

- Diệt chuột ở khu vực chuồng trại và môi trường chăn nuôi.

Hiện nay, người ta diệt chuột bằng phương pháp cơ giới: đặt các loại bẫy chuột; bằng hoá học: dùng các loại thuốc diệt chuột và bằng biện pháp sinh học. Các nước tiên tiến đã dùng phương pháp làm cho chuột đực mất khả năng sản xuất tinh trùng rồi thả vào môi trường tự nhiên, cho giao phối với chuột cái làm cho chuột cái không sinh sản được. Ở một số nước đã sử dụng một số mầm bệnh như: virút, vi khuẩn thương hàn (Salmonella) chỉ gây bệnh cho chuột, không gây bênh cho súc vật khác thả vào môi trường tự nhiên, tạo ra các ổ dịch giết hại chuột hàng loạt.

- Thực hiện vệ sinh thú y

Khơi thông cống rãnh, làm cho chuồng trại và khu chăn nuôi luôn khô sạch, hạn chế sự tồn tại của xoắn trùng.

Khi nhân giống phải nhập từ các cơ sở chăn nuôi và vùng không xuất hiện bệnh xoắn trùng và phải kiểm tra huyết thanh học đã loại trừ lợn mang mầm bệnh./.