00:00 Số lượt truy cập: 2670259

Phương thức truyền lây bệnh nhiệt thán ở gia súc 

Được đăng : 03/11/2016

1. Loài mắc bệnh

Bệnh nhiệt thán là một bệnh truyền nhiễm chung của nhiều loài động vật và có thể lây sang người.


- Trong tự nhiên: Những loài động vật ăn cỏ như trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai, lạc đà dễ mắc bệnh. Khi mắc bệnh chúng thường bị nhiễm trùng huyết mà chết.

Lợn, chó ít cảm nhiễm, nếu mắc bệnh thường chỉ có bệnh tích cục bộ ở họng và hạch.

Loài chim nói chung và gia cầm như gà, vịt không cảm nhiễm.

- Trong phòng thí nghiệm có thể gây bệnh cho thỏ hoặc chuột lang:

+ Chuột lang: tiêm dưới da canh khuẩn hay bệnh phẩm. Sau 12 - 15 giờ, nơi tiêm thuỷ thũng, con vật sốt. Sau 24 - 36 giờ con vật khó thở, mệt nhọc và chết sau 48 - 72 giờ. Mổ, khám thấy: nơi tiêm thuỷ thũng, hạch lâm ba gần đó sưng đỏ, thuỷ thũng xung quanh, máu đen, đặc, khó đông, lá lách sưng to, mềm nát.

+ Thỏ: Tiêm dưới da bệnh phẩm, sau 2 - 3 ngày thỏ chết.

2. Chất chứa vi khuẩn

Trong cơ thể, vi khuẩn có nhiều ở máu và các tổ chức như lách, gan, thận. Các chất bài tiết qua các lỗ tự nhiên như mắt, mũi, miệng, hậu môn... đều có vi khuẩn. Trong dịch mật, nước tiểu và sữa đều tìm thấy mầm bệnh.

3. Phương thức truyền lây

Trong tự nhiên nha bào đóng vai trò quan trọng trong quá trình truyền bệnh.

Khi mưa xuống nha bào trong đất theo mưa phát tán đi xa rồi bám vào cây cỏ, khi động vật ăn phải nha bào, khi vào đường tiêu hoá, nếu niêm mạc bị tổn thương (do thức ăn cứng, dị vật hoặc tổn thương do ký sinh trùng...) nha bào sẽ qua vết thương vào máu mọc thành vi khuẩn mà gây bệnh. Liều gây chết trung bình cho động vật là 2500 đến 55.000 nha bào.

Người và súc vật có 3 đường truyền bệnh chính:

- Qua đường tiêu hoá: Do ăn phải nha bào lẫn trong thức ăn hoặc nước uống. Ở người là ăn thịt gia súc bị bệnh.

- Qua da: Do da bị tổn thương cơ giới hoặc côn trùng mang mầm bệnh đốt phải. Trong những trường hợp này vai trò của ruồi, nhặng, ve, mòng là rất lớn.

Ở người lây qua da hay gặp ở công nhân thuộc da, làm ở lò sát sinh hoặc bác sĩ thú y.

- Đường hô hấp: Do hít phải nha bào.

4. Mùa vụ phát bệnh

Bệnh nhiệt thán thường xảy ra quanh năm nhưng hay phát vào mùa nóng ẩm, những tháng mưa nhiều, vào mùa ngập lụt vì lúc đó nha bào có điều kiện phát tán.

Ở miền núi, bệnh hay phát vào mùa hanh khô, do mùa này hiếm cỏ, gia súc phải gặm sát đất mà ăn cả nha bào; mặt khác vào mùa khô, những nơi ao tù, nước cạn thường tập trung nhiều nha bào, gia súc uống phải dễ mắc bệnh.

Bệnh thường xảy ra ở những vùng nhất định, gọi là "vùng nhiệt thán" do đã từng xảy ra bệnh, chất thải hoặc xác súc vật chết, môi trường được xử lý không tốt nha bào có điều kiện hình thành, phát tán và lây lan bệnh.

5. Cơ chế sinh bệnh

Sau khi xâm nhập cơ thể, vi khuẩn hình thành giáp mô để chống lại sự thực bào rồi nhân lên rất nhanh, lan tràn vào hệ bạch huyết rồi vào máu, gây nhiễm trùng huyết. Vi khuẩn theo máu đến các cơ quan tổ chức, gây rối loạn chức năng, vi khuẩn tiết độc tố đầu độc cơ thể, cuối cùng do sinh sản quá nhiều, chúng chiếm hết oxy trong cơ thể ký chủ gây trạng thái ngạt thở. Con vật chết do nhiễm trùng huyết, ngạt thở và bị đầu độc.