Quy trình canh tác hoa cúc trong nhà có mái che
Được đăng : 03/11/2016
Cây giống được tạo ra từ kỹ thuật cấy mô nhằm trẻ hoá nguồn giống. Thực hiện nhân giống để gia tăng số lượng và chọn cây giống tốt để sản xuất thương phẩm. Cành giâm được cắt đều từ 8 -10 cm, xử lý gốc bằng thuốc kích thích ra rễ sau đó cắm vào giá thể cát hoặc đất được sàng mịn, giữ ẩm 70-75% cho đến khi ra rễ. Thời gian giâm cây đến khi trồng được khoảng 15 - 20 ngày.
1. Giống cây con:
Cây giống được tạo ra từ kỹ thuật cấy mô nhằm trẻ hoá nguồn giống. Thực hiện nhân giống để gia tăng số lượng và chọn cây giống tốt để sản xuất thương phẩm.
Cành giâm được cắt đều từ 8 -10 cm, xử lý gốc bằng thuốc kích thích ra rễ sau đó cắm vào giá thể cát hoặc đất được sàng mịn, giữ ẩm 70-75% cho đến khi ra rễ. Thời gian giâm cây đến khi trồng được khoảng 15 - 20 ngày.
2. Làm đất:
Đất trồng cúc cần tơi xốp, thông thoáng nhằm tạo điều kiện cho bộ rễ non phát triển thuận lợi trong giai đoạn đầu. Vì thế, có thể bồ sung thêm rơm, rạ, cỏ khô, trấu luá…trộn lẫn vào đất để tăng độ thông thoáng.
Bón lót: Phân chuồng: 1000-1500kg (tương đương 1,5 - 2m3), Phân lân 20 -30 kg/100m2. Bón vôi bổ sung để điều chỉnh pH đất đạt 6,5 - 7,2.
3. Trồng cây con:
Đối với các giống cúc hoa nhỏ được canh tác tại Đà Lạt hiện nay, mật độ trồng thương phẩm trung bình 4.000 cây/100m2. Hiện nay có nhiều quy cách trồng cây khác nhau nhưng nhìn chung có thể trồng đều với khoảng cách 15 x 15 cm hoặc trồng theo cặp (10 x 10) x 20 cm.
4. Chăm sóc:
Bổ sung ánh sáng:
Cây hoa cúc trồng trong điều kiện Đà Lạt cần nguồn chiếu sáng để cây phát triển sinh dưỡng trong giai đoạn ban đầu. Do đó phải bổ sung nguồn sáng kể từ khi trồng cây trong khoản 30 ngày (cây cao 35 - 40cm).
Phân bón: (Lượng phân bón tính cho 100 m2)
• Bón xăm mồi: 7–10 ngày skt : 1kg Urê + 2 kg DAP.
• Bón thúc 1: 20 ngày skt : 1 kg DAP+ 2kg Nitrophoska (15- 5-20).
• Bón thúc 2: 30 ngày skt đến khi tạo nụ hoa: Áp dụng phương pháp bón thường xuyên 10 ngày/lần. Dùng phân Nitrophoska (15-5-20) với liều lượng 1–2 kg.
• Từ khi tạo nụ hoa đến khi cắt bói: bón 2 lần phân kali (ở dạng K2SO4 hoặc KNO3) mỗi lần 1,5 - 2 kg.
Lưới đỡ cây: Cần bố trí lưới đỡ cây để cây không bị ngã rạp ở giai đoạn tạo nụ và ra hoa. Chú ý thiết kế giàn đỡ sao cho có thể dễ dàng nâng lưới theo chiều cao của cây.
Tưới nước: Sau khi trồng cây cần tưới nhẹ 2-3 lần/ngày để cây nhanh hồi phục. Sau đó chỉ cần tưới đủ ẩm, 1-2 ngày/lần. Chú ý cần tưới nhẹ để cây không bị đổ ngả.
Bảo vệ thực vật:
• Côn trùng gây hại cúc nói chung bao gồm các loại sâu xanh, sâu xám, rầy rệp, ruồi đen… có thể phòng trừ bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật sau: Sherpa, Sumi-a, Trebon, Confidor , Trigard, Ofunack, Sumi-a, Sherzol, DDVP...với nồng độ khuyến cáo.
• Hoa cúc trồng trong nhà có mái che tuy có thể hạn chế được một số nấm bệnh nhưng nếu không có biện pháp phòng chống thường xuyên cũng sẽ bị thất thu hoặc sản phẩm bị giảm giá trị do nấm bệnh gây hại.
Bệnh virus: Hiện nay chưa có thuốc phòng chống các loại bệnh do virus gây ra. Biện pháp tốt nhất là loại bỏ cây bị nhiễm bệnh virus ngay từ vuờn giống và thường xuyên phun thuốc phòng ngừa để loại bỏ các vec-tơ lây truyền.
Bệnh nấm-khuẩn: Có nhiều nguyên nhân gây bệnh, cần xác định rõ từng loại bệnh để có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu. Các dạng bệnh thường gặp là:
+ Gốc cành giâm bị thối ướt có màu đen nhạt, do Pythium debaryanum gây ra.
+ Vết chết hoại có màu nâu: do Rhizoctonia solanii và Phytophtora cryptoyea.
+ Vết thối ở gốc thân, có xuất hiện màng tơ trắng: do Sclerotinia minor và Sclerotinia sclerotiorum
+ Trên lá xuất hiện bột phấn trắng, do Erysiphe cichoracearum gây ra.
+ Mặt trên lá có những đốm màu vàng sau đó chuyển sanh màu nâu đen, lá bị khô héo. Bệnh do Septoria chrysanthemi gây ra.
+ Mặt dưới lá có những mụn tập trung, màu nâu: do Puccinia chrysanthemi.
+ Mặt dưới lá xuất hiện những mụn trắng nhạt: Puccinia horiana.
+ Vết tổn thương bị loét, gây ra sự nứt thân, lá khô héo và lây nhiễm mạnh. Bệnh gây ra do Erwinia chrysanthemi.
Biện pháp phòng chống tốt nhất là xử lý đất canh tác, bổ sung dinh dưỡng cân đối và đúng thời gian để cây tăng sức chống chịu, giữ ẩm độ vừa phải (không quá khô và quá ẩm), phun phòng định kỳ bằng các loại thuốc chống nấm bệnh với liều lượng khuyến cáo.
Với một số bệnh thường gặp, sử dụng các loại thuốc bvtv như sau:
• Bệnh lở cổ rễ sử dụng Benlat, Topsin M, Monceren… phun vào gốc cây.
• Bệnh rỉ (mụn cóc): sử dụng các thuốc Daconil, Sumi eight, Score, Bayfidan, Bonaza, Anvil…
• Bệnh cháy lá do Alternaria sp sử dụng Rovral, Anilazine.
Bấm nụ: Đối với cúc chùm, ở giai đoạn cây ra nụ hoàn chỉnh cần thực hiện công tác tiả bỏ nụ hoa ở thân chính khi đạt kích cở 0,7-1cm, các nụ hoa phụ không tiả bỏ nhằm tạo cho cây hoa phát triển một cách hài hoà, hoa nở đồng đều.
Đối với hoa đơn (đại đoá) thực hiện công tác tiả bỏ những nụ hoa phụ nhằm tạo điều kiện cho hoa chính phát triển một cách ổn định và nở tốt, không bị lép.