Sau đợt dịch bệnh hoa hồng môn năm 2005 – 2007, nhiều cơ sở trồng hoa ở các huyện Di Linh, Bảo Lộc, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng diện tích hoa gần như bị mất trắng, thiệt hại tới cả tỷ đồng, giống hồng môn có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Thế nhưng cơ sở nuôi trồng hồng môn của anh Nguyễn Văn Cường (ở số 405 Hùng Vương, huyện Di Linh) vẫn tồn tại và phát triển tốt, nhờ sáng chế lò đốt phụ phẩm nông nghiệp, tận dụng vừa làm phân bón, vừa làm giá thể để thay đổi chất trồng cho hồng môn, giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Cường cho biết: Gia đình có truyền thống làm nghề nuôi trồng hoa từ đời cha ông, nhưng đợt dịch bệnh hại năm 2005 – 2007 cũng khiến gia đình phải lúng túng. Tuy nhiên trong cái rủi lại có cái may, tình cờ có một người Nhật sang tham quan và đặt vấn đề ký hợp đồng mua hoa.
Trong thời gian tham quan, ông thấy hầu hết ai cũng sử dụng xơ dừa, vỏ đậu phộng thô để làm chất trồng (giá thể), nhưng không qua xử lý, dẫn tới hồng môn bị bệnh nhiều. Ông người Nhật gợi ý tại sao không đốt đi để diệt mầm mống bệnh, rồi cho vào trồng. Lúc đầu anh đốt trấu theo cách truyền thống, đổ một đống trấu đốt từ ngoài vào, trấu cháy hết tới đâu thì cào ra rồi té nước cho lửa tắt. Làm như vậy mất nhiều công lao động, nhiều thời gian, trấu đốt cháy thành tro hết, không thay thế giá thể để trồng hồng môn được.
Qua thời gian mày mò nghiên cứu anh đã chế thành công lò đốt (lò đốt trong), tận dụng tất cả các loại phế phẩm nông nghiệp như: Vỏ quả cà phê, trấu, bã mía, gáo dừa, lõi ngô… Khi các phụ phẩm này qua lò đốt, cháy thành than, nhưng vẫn giữ nguyên thể trạng (dạng than hoạt tính). Than này làm phân bón cho cây trồng, đặc biệt làm giá thể trồng hồng môn và chống được một số bệnh cho hồng môn rất tốt. Để áp dụng cho vườn hồng môn của mình, anh thay bỏ chất trồng cũ, thay vào bằng than thu được từ lò đốt.
Qua thời gian thử nghiệm kết quả thật bất ngờ, vườn hồng môn của anh Cường vượt qua được trận dịch, nhanh chóng được hồi phục, giữ lại được giống. Hiện nay vườn hồng môn của anh không những phát triển tốt, bông to, màu sắc đẹp mà bán cũng rất được giá. Giá bán hiện nay từ 4.000đ – 4.500đ/bông, giá thời điểm Tết lên tới 7.000đ – 8.000đ/ bông. Một tuần anh cắt bán 1 lần, mỗi lần cắt được từ 1.000 bông – 2.000 bông.
Anh Cường cho hay: Thực ra lò đốt này rất đơn giản, ai làm cũng được, chi phí thấp, hiệu quả cao, cần tiến hành thực hiện như sau:
Làm thân lò: Hình nón cụt cao 1m; đường kính đáy dưới 35cm dùng sắt phi 8 uốn tròn; đường kính đáy trên 20cm làm bằng sắt 6; dùng 4 cây sắt 6 dài 1m hàn nối liền đáy trên với đáy dưới; xung quanh quây lưới mắt cáo hoặc hàn tấm tôn xung quanh, dùi lỗ 1cm, để không cho nguyên liệu tuồn vào.
Làm ống khói: Ở trên mặt hình tháp dùng 1 cái xô nhỏ úp lại, xung quanh và đáy xô có dùi lỗ làm ống thông khói.
Cách đốt: Chọn chỗ đất trống để đặt khung lò đốt (đốt vỏ cà phê, vỏ đậu phộng, lõi ngô, trấu đều giống nhau) ta dùng miếng cao su đốt cháy, nhóm thêm một ít củi để cháy to, dựng khung lò vào, sau đó đổ trấu xung quanh khung lò khi nào đầy tới gần miệng ống khói thì thôi. Đường kính đống trấu khoảng 3m, mỗi mẻ đốt được khoảng 50 – 60 bao trấu. Thời gian đốt 24 giờ, khi nào thấy khói xì ra ngoài (cháy còn lại 1-2cm), ta cào ra và dùng vòi nước tưới cho lửa tắt. Để than nguội ngày hôm sau là sử dụng được.
- Nếu đốt gáo dừa thao tác giống đốt trấu, cần lưu ý: Khi xếp xong gáo dừa, lớp ngoài cùng phủ thêm một lớp trấu dày khoảng 10cm.
Anh Cường cho biết thêm: Than thu được từ lò đốt làm phân bón hay làm chất trồng cho hồng môn và địa lan rất tốt. Ngoài ra than còn có tác dụng sát khuẩn, hạn chế một số bệnh về rễ. Tạo độ thông thoáng, kích thích ra rễ, giảm nồng độ pH của nước trước khi tới cây trồng… Đặc biệt nếu làm chất trồng cho hồng môn thì thời gian được rất lâu.