00:00 Số lượt truy cập: 2637576

Sóc Trăng: Phối hợp chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ 

Được đăng : 03/11/2016

Thời gian qua, việc chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN vào sản xuất nông nghiệp được các cấp ủy, chính quyền của tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện, từng bước tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao.


Ngay từ đầu năm Hội Nông dân tổ chức phát động phong trào Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã có 151.010 hộ đăng ký nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp năm 2013, chiếm 75,43% so với hộ nông nghiệp, đến cuối năm xét công nhận trên 60% hộ đăng ký, đạt danh hiệu hộ nông dânsản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Để hỗ trợ cho phong trào này, hai ngành đã phối hợp chuyển giao Khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho nông dân được 768 lớp với 32.500 lượt nông dân dự, tổ chức hội thảo 167 buổi, 6.687 lượt nông dân dự, đã triển khai dự án“Xây dựng mô hình nuôi và chế biến trứng bào xác Artemia tại huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng”: Kết quả, đã hỗ trợ đầu tư cho vùng nuôi xây dựng xưởng chế biến trứng bào xác Artemia, công suất sấy bình quân 30-45 kg trứng tươi/ngày tương đương 6.000-7.000 kg trứng tươi/vụ tại Hợp tác xã muối - tôm - Artemia Vĩnh Châu, thị xã Vĩnh Châu, đã sấy và đóng lon được 750 kg trứng bào xác khô; xây dựng được 60 điểm mô hình nuôi Artemia, quy mô 01 ha/điểm, năng suất bình quân 81,4 kg/ha/vụ/năm; việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nuôi thủy sản đã mang lại một số hiệu quả thiết thực, tạo được quy trình sản xuất khép kín từ khâu nuôi đến chế biến, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình khoa học công nghệ sản xuất và tiêu thụ lúa đặc sản cao cấp ST19 và ST20 tại huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng”: Kết quả, đã xây dựng mô hình sản xuất lúa ST19 và ST20 đạt năng suất bình quân 5,26tấn/ha; xây dựng và chuyển giao Quy trình sản xuất lúa giống cấp xác nhận tại nông hộ, Quy trình nhân nuôi nấm Xanh phòng trừ côn trùng hại lúa, Quy trình kỹ thuật canh tác lúa thơm theo hướng an toàn cho nông dân. Triển khai dự án “Xây dựng mô hình khai thác thông tin Internet phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương tại các điểm chùa Khmer tỉnh Sóc Trăng”: Kết quả, đã lắp đặt các trang thiết bị cho 22 điểm chùa Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; tổ chức 22 lớp đào tạo kỹ năng thực hành khai thác thông tin Internet và 01 lớp đào tạo nghiệp vụ viết tin, bài. Kết quả dự án bước đầu đã giúp người dân nắm rõ hơn cách truy cập và khai thác thông tin Internet, từng bước tiếp cận và ứng dụng các thông tin về khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất.

Ngoài ra, hai ngành phối hợp hướng dẫn nông dân triển khai một số mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN như: Mô hình sử dụng nấm Xanh trong mô hình cánh đồng mẫu, mô hình trồng nấm Bào Ngư Xám trong nhà, mô hình sản xuất rau đạt chứng nhận VietGAP, mô hình trồng Thanh Long ở thành phố Sóc Trăng. Mô hình khu vườn sản xuất kiểu mẫu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăm sóc, phòng trừ bệnh chổi rồng trên cây nhãn để đạt năng suất chất lượng cao, mô hình kiểu mẫu trồng bưởi Da Xanh, mô hình trồng cam Sành ở huyện Kế Sách. Mô hình nuôi ếch Thái Lan, mô hình trồng măng Tây Xanh ở huyện Trần Đề; mô hình nuôi gà thả vườn, mô hình cánh đồng sản xuất tập trung ở huyện Châu Thành; Mô hình cánh đồng mẫu, mô hình BioIPM kết hợp với sinh thái, mô hình phòng trừ sâu đục trái trên cây có múi bằng nhà lưới ở huyện Mỹ Tú; Mô hình nuôi tôm Càng Xanh thâm canh với lúa, mô hình hỗ trợ túi ủ Biogas cho hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ ở huyện Mỹ Xuyên; Mô hình cánh đồng mẫu, mô hình trồng nấm Bào Ngư và nấm Linh Chi ở huyện Thạnh Trị; Mô hình cánh đồng mẫu sản xuất giống lúa cấp xác nhận; mô hình trồng màu trong vùng quy hoạch có sử dụng màng phủ nông nghiệp, mô hình nuôi gà thả vườn, mô hình nuôi cá Sặc Rằn, mô hình nuôi cá Trê Vàng, mô hình nuôi rắn Ri Voi, mô hình nuôi rắn Hổ Hèo ở huyện Ngã Năm; Mô hình nuôi ghép cá Sặc Rằn với cá Thát Lát ở huyện Long Phú; Mô hình cánh đồng mía mẫu, mô hình trồng cây Ca Cao xen trong vườn dừa, mô hình sử dụng nấm Xanh Metarhizium phòng trừ rầy Đầu Vàng trên mía tại huyện Cù Lao Dung; Mô hình trồng tỏi Ta, mô hình luân canh tôm lúa ở thị xã Vĩnh Châu...

Nhìn chung, việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu KH&CN vào sản xuất nông nghiệp được nông dân tích cực hưởng ứng và đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất phù hợp với từng vùng sinh thái, hình thành được một số vùng chuyên canh tập trung như: lúa cao sản, hành tím, rau màu, cây ăn trái chất lượng cao. Các giống rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày cũng đã được thử nghiệm và đưa ra sản xuất đại trà, bước đầu thu được kết quả khả quan, góp phần thay đổi một bước về cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp./.