00:00 Số lượt truy cập: 3227468

Sự điều hòa thân nhiệt 

Được đăng : 03/11/2016

Nhiệt độ môi trường ngoài thường xuyên thay đổi nhưng nhiệt độ cơ cơ thể của động vật máu nóng thường xuyên vẫn ổn định, chỉ xê dịch trong phạm vi rất nhỏ. Đó là nhờ cơ thể có một quá trình điều hòa nhiệt bằng hai cơ thể sinh nhiệt và tỏa nhiệt sau đây:


Khi gặp lạnh: nói đúng hơn là khi nhiệt độ bên ngoài và có khi cả bên trong cơ thể hạ xuống thấp, tác nhân lạnh đó kích thích vào cơ quan thụ quan nhiệt độ trên bề mặt da và trong thành mạch máu, luồng xung động thần kinh được truyền vào trung khu điều hòa nhiệt ở vùng dưới đồi, làm hưng phấn trung khu sinh nhiệt và ức chế trung khu toả nhiệt (ở não giữa, hành tủy và tủy sống cũng có những trung khu điều hòa nhiệt nhưng đều hoạt động liên đới với trung khu cao hơn nằm dưới đồi).

Do hưng phấn trung khu sinh nhiệt, luồng xung động truyền đến các mô bào nhất là ở gan và cơ làm tăng cường quá trình oxy hóa sinh học để tăng sản sinh nhiệt lượng, trong hoạt động này sự tham gia hormone adrenalin của tủy thượng thận và tyroxin của tuyến giáp chiếm một vị trí quan trọng.

Mặt khác trung khu tỏa nhiệt bị ức chế, luồng xung động còn truyền đến mạch máu ngoài da (theo con đường giao cảm thần kinh) làm co mạch để dồn máu vào trong giữ ấm cơ thể. Trong hoạt động này sự tham gia của hormone noradrenalin của tủy thượng thận chiếm một vị trí quan trọng.

Từ trung khu điều hòa nhiệt độ ở vùng dưới đồi có đường liên hệ lên và chịu sự chỉ huy của lớp vỏ đại não. Những biện pháp tự chống rét của cơ thể người và gia súc như chạy vào nhà, chịu vào ổ rơm (gia súc) mặc thêm áo, sưởi ấm (người) là những biểu hiện hoạt động của vỏ não trong chống rét.

Khi quá rét cơ thể có những phản ứng mãnh liệt để chống lại như rét run, các cơ bắp run rẩy mục đích tăng sản nhiệt mạnh để chống rét, nổi da gà, lông dựng đứng đó là do hưng phấn mạnh thần kinh giao cảm điều khiển cơ trơn gốc lông co ngắn lại làm lông dựng đứng (kéo theo hiện tượng nổi da gà) để tạo thành một lớp áo không khí dày để giữ nhiệt cho cơ thể khỏi mất đi.

Khả năng chống rét của gia súc tuy vậy chỉ có hạn, rét quá con vật sẽ chết cho nên các biện pháp chống rét cho gia súc như che chuồng, lót ổ,… là cần thiết.

Khi gặp nóng: tức khi nhiệt độ bên ngoài lên cao tác động lên mặt da, hoặc khi dao động nhiệt độ cơ thể lên cao tác động lên thành mạch luồng xung động thần kinh truyền vào vùng dưới đồi, làm hưng phấn trung khu tỏa nhiệt tức là ức chế trung khu sinh nhiệt. Kết quả là giảm quá trình oxy hóa sinh học trong các mô bào mạch máu ngoài da giãn ra (do hưng phấn thần kinh phó giao cảm) để tỏa nhiệt ra mặt da mà thoát đi bằng phương pháp truyền tỏa nhiệt trực tiếp và bức xạ. Mặt khác tuyến mồ hôi tăng hoạt động để thoát nhiệt ra ngoài bằng hiện tượng bốc hơi nước.

Bình thường thải nhiệt do truyền trực tiếp và bức xạ chiếm 80% còn bốc hơi nước qua da và thở ra chỉ chiếm 20%. Nhưng khi gặp nhiệt độ cao và khi thao tác vận động khẩn trương thì nhiệt tỏa ra do bốc hơi nước tăng rất nhanh, có thể chiếm đến 90% tổng lượng nhiệt thải ra. Theo tính toán của 1 lít mồ hôi toát ra có thể thải được 580 kcal nhiệt lượng. Cần nhớ thêm là trong mồ hôi có chứa muối, mất 5-10 lít mồ hôi thì cũng mất khoảng 26-30g muối ăn do đó cho gia súc uống nước vào mùa hè nên bổ sung ít muối.

Sự tỏa nhiệt do tiếp xúc trực tiếp hoặc bức xạ tỷ lệ thuận với sự chênh lệch nhiệt độ giữa cơ thể và môi trường ngoài. Khi nhiệt độ bên ngoài tăng cao bằng nhiệt độ cơ thể thì cơ chế thải nhiệt này ngừng, lúc này nhờ vào thoát mồ hôi hoặc thở dốc (như chó) hoặc đầm mình dưới nước (như trâu) do tuyến mồ hôi kém phát triển để tăng thải nhiệt.

Khả năng chống nóng của gia súc cũng có hạn, nóng quá gia súc sẽ chết. Để giúp gia súc chống nóng, chúng ta phải xây dựng chuồng thoáng mát, thường xuyên tắm chải cho chúng. Cần chú ý một điều là: lượng nước bốc hơi trên da bao giờ cũng tỷ lệ nghịch với độ ẩm không khí bao quanh, nếu độ ẩm không khí càng cao thì cường độ bốc hơi nước càng giảm, cho nên cần phải xây chuồng nơi khô ráo, thường xuyên quét dọn, đừng để chuồng ẩm và thường có gió./.