Thức ăn từ nguồn thực vật có thể chia nhóm giàu tinh bột đường và nhóm giàu protein và năng lượng.
+ Thức ăn thực vật giàu tinh bột đường có nhiều glucid, hydratcarbon là thành phần chủ yếu với tỷ lệ lớn trong khẩu phần thức ăn đến 65-70%, bao gồm thóc, ngô, cám, tấm, mỳ, cao lương, kê, khoai, sắn,…
Ngô là nguồn thức ăn chủ yếu của gia cầm đến 45-70% của khẩu phần. Ngô có năng lượng cao 3.300-3.450 Kcal/kg, thường dùng ngô để tăng giảm năng lượng thức ăn gà. Ngô có 8-10% protein, 4-4.5% lipid, đáng kể là caroten (tiền vitamin A). Thức ăn nhiều ngô vàng lòng đỏ trứng có màu vàng. Gà thích ăn ngô vì thơm, ngon.
Cần chú ý là ngô dễ nhiếm nấm mốc khi độ ẩm trên 15%. Khi bị mốc, độ tố aflatoxin trong ngô gây ngộ độc gà con chết, gà mái giảm đẻ, trứng giống nở thấp. Tuyệt đối không cho gà ăn ngô đã có nhiều hạt đầu đen là đã nhiễm độc tố trên. Ngô chín thu hoạch là phải phơi sấy ngay đến độ ẩm xuống dưới 13%, mới đem dự trữ.
Protein của ngô nghèo lyzin, nghèo chất khoáng, khi phối trộn thức ăn cần chú ý bổ sung bằng nguồn tổng hợp L-lyzin.
Thóc là thức ăn chủ yếu cho gà ở vùng hiếm ngô. Các nông hộ thường cho gà ăn thóc lép, thóc lửng, cả thóc thịt. Phối trộn thức ăn hỗn hợp gà đẻ, gà dò có thể dùng thóc 10-20%. Thóc ngâm mọc mầm hàng ngày cho ăn 15-20 g/con, gà trống đạp mái hăng, gà mái đẻ tốt, tỷ lệ trứng có phôi tăng, ấp nở cao, do phôi nhũ mầm thóc có nhiều vitamin E, B, nhiều enzyme tiêu hóa tinh bột. Thóc có năng lượng tương đối cao 2500-2550 Kcal/kg, protein 6.5%, nhưng tỷ lệ xơ cao 12.5%, vỏ khó tiêu cho nên khẩu phần gà con không cao quá 5%. Tốt hơn là xay thóc bỏ vỏ cho gia cầm ăn gạo lứt. Cám gạo là phụ thuộc xay sát thóc, đây là thức ăn tốt cho gia súc gia cầm. Thành phần dinh dưỡng trong cám gạo loại I bao gồm protein thô 13%, lipid thô 12%, xơ thô 7,77%, nhiều lyzin, axit amin khác, nhiều vitamin nhóm B, E, nhiều khoáng.
Gia cầm ăn cám khắc phục được chứng thiếu vitamin nhóm B, chống bại liệt.
+ Thức ăn thực vật giàu proteingồm các loại đậu, khô dầu lạc, vừng, đỗ tương… có giá trị sinh học cao.
Đỗ tương có tỷ lệ protein cao, trong hạt 36-39%, trong khô dầu 44-47%, lipid trong hạt 14%, trong khô dầu 1-2%, năng lượng trao đổi của hạt 3.380-3.400 Kcal/kg, trong khô dầu 2.250-2.850 Kcal/kg, tỷ lệ lyzin cao 2.9-3%.
Đỗ tương là nguồn Protein thực vật chủ yếu trong khẩu phần thức ăn gà con, gà broiler 15-20% bột xay, 30-35% khô dầu, cho gà hậu bị, gà đẻ thường dùng khô dầu (ít dầu) với tỷ lệ 15-25%. Đỗ tương rang, khô dầu thơm ngon, kích thích ngon miệng, tiêu hóa tốt.
Đỗ tương và một số loại đậu khác thường ở vỏ có chất cyanhydric (HCN) độc cho thần kinh, có chất kháng men tiêu hóa (trypxin). Rang đỗ tương, ép dầu là dùng nhiệt khử các chất có hại trên. Đỗ tương có tỷ lệ methionine tương đối thấp cho nên khi dùng đỗ tương thì cần bổ sung DI-methionine tổng hợp vào khẩu phần.
Nước ta chưa nhiều đỗ tương, thường nhập khô đỗ tương của Ấn Độ, Mỹ,… cho chế biến thức ăn gia súc, gia cầm.
Lạc có giá trị dinh dưỡng cao. Khô dầu lạc nhân là nguồn protein thực vật cho chăn nuôi, tỷ lệ protein 45-46%, lipid 6-7% (ép dầu thủ công còn nhiều dầu 11-12%), năng lượng 2900-3100 Kcal/kg, có thể dùng đến 25-35% trong thức ăn nuôi gà. Nhiều vùng đất màu trồng lạc có sản lượng khô lạc nhân khá lớn cho gia súc, gia cầm.
Khô lạc bị ẩm rất nhanh chóng lên men mốc sinh độc tố aflatoxin, bị ôi, dễ bị oxy hóa cho nên cần phơi lạc thật khô còn 9-10% ẩm mới ép dầu, bảo quản khô lạc nơi khô thoáng mát.
Khô dầu các loại vừng, hạt bông, cám ép đều có giá trị dinh dưỡng cao cho chăn nuôi. Khô vừng tương đương khô lạc nhân, có thể cho 25-30% vào thức ăn hỗn hợp.
Khô dầu hạt bông bỏ vỏ protein thô 37-38%, lipid 8.9%, nhưng xơ cao 9%, năng lượng thấp 2539 Kcal/kg nên không trộn nhiều vào thức ăn gia cầm, chỉ 15-20%.
Khô dầu cám ép có 15% protein, lipid 11%, nhưng xơ cũng cao 11.6%, năng lượng thấp 2343 Kcal/kg, nên chỉ cho 10-12% vào thức ăn gà lớn, gà đẻ. Các loại khô dầu này đều dễ bị mốc độc phải bảo quản tốt.
+ Thức ăn thực vật giàu năng lượng
Các loại dầu lạc, dầu đỗ tương, dầu cám,… đều có năng lượng cao, thường dùng bổ sung với tỷ lệ thấp 3-5% để đảm bảo đủ năng lượng của khẩu phần nhất là cho gà broiler. Dầu thực vật thơm tăng mùi vị, gà thích ăn và bổ sung để vitamin A, D, E được hòa tan trong mỡ.
Thức ăn trộn thêm dầu là phải cho gà ăn ngay trong 2-3 ngày vì dầu dễ bị oxy hóa làm thức ăn bị ôi. Bảo quản dầu ở nơi mát, lạnh, đựng thùng kín./.