00:00 Số lượt truy cập: 2672845

Triệu chứng bệnh đạo ôn trên lúa 

Được đăng : 03/11/2016

Bệnh đạo ôn có thể phát sinh từ thời kỳ mạ đến khi lúa chín, bệnh có thể xâm nhiễm gây hại ở bẹ lá, lá, lóng thân, cổ bông, gié và hạt nhưng chủ yếu là hại lá và cổ bông. Vết bệnh ở hạt không định hình, cũng có màu nâu xám hoặc nâu đen, nấm ký sinh ở vỏ trấu và có thể ở bên trong hạt, hạt giống bị bệnh là nguồn truyền bệnh từ vụ này sang vụ khác.


1.            Triệu chứng bệnh đạo ôn trên lá

Vết bệnh trên lá mạ lúc đầu hình bầu dục nhỏ, sau tạo thành hình thoi nhỏ màu nâu hồng hoặc nâu vàng, khi bệnh nặng cây mạ có thể bị héo khô và chết.

Trên lá lúa vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ màu xanh lục mờ sau chuyển thành màu xám nhạt, trên các giống lúa mẫn cảm, vết bệnh to hình thoi, màu nâu nhạt có khi có quầng màu vàng nhạt, phần giữa vết bệnh có màu nâu xám. Khi bệnh nặng, trên lá có nhiều vết bệnh, các vết liên kết với nhau thành đám làm lá bị chết hoặc cây lúa sinh trưởng phát triển kém. Đối với các giống chống chịu, vết bệnh là những chấm rất nhỏ, hình dạng không đặc trưng, vết bệnh nhỏ như đầu kim, có màu nâu đỏ. Ở các giống có phản ứng trung gian, vết bệnh hình tròn hoặc bầu dục nhỏ, xung quanh vết bệnh có viền màu nâu.

2.            Triệu chứng bệnh đạo ôn trên đốt thân cây lúa

Vết bệnh trên đốt thân đầu tiên là một đốm nhỏ màu nâu đen, lớn rộng ra thành một vòng tròn bao quanh đốt thân, lõm tóp lại, màu nâu đen, khi trời mưa ẩm, đốt thân bị bệnh mềm nhũn dễ bị gãy gập khi gặp gió, dông. Trên đồng ruộng, bệnh trên đốt thân có xuất hiện nhưng không nhiều.

3.            Triệu chứng bệnh đạo ôn trên bông lúa

3.1.   Vết bệnh ở cổ bông, cổ gié

Trên cổ bông, cổ gié vết bệnh là đốm nhỏ có màu nâu xám hoặc nâu đen, về sau lan ra làm cả đoạn cổ bông có màu nâu xám khô tóp lại, bông lúa lép trắng nếu nhiễm bệnh sớm ngay thời gian trỗ. Trường hợp lúa nhiễm bệnh muộn vào thời kỳ làm hạt - chín tuy không gây ra hiện tượng bạc bông trắng nhưng trên bông có nhiều hạt lép lửng, bông lúa nhỏ, dễ gãy cổ bông, rụng gié, làm giảm năng suất. Sau khi bệnh xuất hiện trên cổ bông, cổ gié thì bệnh có thể gây hại ở trên hạt thóc.

3.2.   Vết bệnh đạo ôn trên hạt

Vết bệnh trên hạt không đồng nhất về hình dạng như trên lá lúa, mà có dạng đốm tròn hoặc không định hình, có màu đen hoặc xám. Nấm ký sinh ở vỏ trấu và có thể ở trong hạt. Hạt giống bị bệnh là nguồn bệnh truyền từ vụ này qua vụ khác.

Trên bề mặt vết bệnh ở lá, đốt thân, cổ bông khi bào tử được hình thành đều có một lớp giống như mốc xám./.