00:00 Số lượt truy cập: 2673067

Triệu chứng bệnh dịch tả trâu, bò 

Được đăng : 03/11/2016

Bệnh dịch tả trâu, bò là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan nhanh của thú nhai lại thuần hóa và hoang dã do một chủng virút gây hoại tử dung bào tầng thượng bì các niêm mạc, đặc biệt gây ra viêm, tụ máu và loét niêm mạc ruột.


Bệnh xảy ra ở hầu hết các khu vực trên thế giới. Các nước châu Âu và Bắc Mỹ đã thanh toán được bệnh, trong khi nhiều nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi bệnh vẫn phát sinh thành dịch hàng năm, gây nhiều thiệt hại kinh tế. Ở Việt Nam, trong thời kỳ Pháp thuộc bệnh dịch tả trâu, bò xảy ra ở khắp các tỉnh từ Bắc đến Nam, làm thiệt hại 5% tổng số trâu, bò hàng năm. Từ năm 1954 trở lại đây, do chúng ta áp dụng biện pháp tích cực phòng trừ bệnh nên bệnh dịch tả trâu, bò đã dần dần được khống chế. Từ năm 1960 đến nay, bệnh dịch tả trâu, bò không còn thấy xảy ra ở các tỉnh phía Bắc. Năm 2005, Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) đã công nhận Việt Nam thanh toán được bệnh dịch tả trâu, bò.

Triệu chứng bệnh

Trâu, bò bị bệnh ở 4 thể: quá cấp tính, cấp tính, ngoài da và mãn tính.

Thời gian nung bệnh từ 3-9 ngày, có khi kéo dài 12-15 ngày.

- Thể quá cấp tính

Con vật phát bệnh rất nhanh. Trong khoảng thời gian 12-24 giờ, trâu, bò chưa thể hiện đầy đủ các triệu chứng lâm sàng đặc trưng, thường mới thấy các niêm mạc xung huyết đỏ sẫm, chưa ỉa chảy nên còn gọi là "thể dịch tả khô", đã lăn ra chết. Thể này ít gặp ở nước ta.

- Thể cấp tính

Sau thời gian nung bệnh, con vật ủ rũ, mệt nhọc, ăn kém hoặc bỏ ăn, sau đó sốt cao 40-420C kéo dài trong 3-4 ngày. Niêm mạc mắt đỏ sẫm, có chấm xuất huyết. Nước mắt và dử ghèn chảy liên tục. Niêm mạc mũi và miệng viêm đỏ hay tím nhạt, có xuất huyết đỏ ở lợi răng, chân răng, bên trong má, mặt dưới lưỡi và hầu.

Sau đó, mặt niêm mạc mọc các mụn nhỏ bằng hạt kê, vàng xám, tập hợp thành từng mảng, vỡ ra tạo thành mụn loét lồi lõm bờ không đều, tổ chức xung quanh đó bị hoại tử. Các mụn loét này có phủ một lớp bựa vàng xám và làm cho niêm mạc có nhiều màu sắc: đỏ, vàng, nâu tím.

Khi sốt, con vật ỉa phân táo, khi nhiệt độ hạ, con vật ỉa lỏng vọt cầu vồng. Phân màu nâu đen có lẫn máu và màng ruột, dính bết vào đuôi và đùi sau; có mùi tanh khẳm rất đặc biệt. Con vật nằm bẹp, phân lỏng chảy ra hậu môn. Con vật thở gấp, tim đập nhanh và yếu.

Con vật gầy tọp, mắt trũng sâu, nhiệt độ hạ thấp dưới mức bình thường, cuối cùng bị chết do kiệt sức. Tỷ lệ chết 90-100% đối với trâu,
bò bệnh.

Thời gian thành bệnh trong khoảng 7-8 ngày.

Trâu, bò cái đang có chửa thường bị viêm niêm mạc âm đạo, tử cung và sảy thai.

- Thể mãn tính

Thể này nhẹ, do chuyển dần từ thể cấp tính, các triệu chứng thể hiện rõ nhất là kiệt sức, suy nhược, thở dốc kèm theo những cơn ho, lông dựng đứng, đi lại xiêu vẹo. Con vật khi ỉa táo, khi ỉa chảy, kéo dài hàng tháng.

Đa số trâu, bò bệnh bị chết do kiệt sức. Một số trâu, bò có thể khỏi bệnh, hồi phục dần.

Trâu, bò bị bệnh mãn tính và sau khi hồi phục vẫn là ổ chứa virút, gieo rắc vào môi trường xung quanh, góp phần làm tái phát các ổ dịch cũ.

- Thể ngoài da

Con vật đầu tiên cũng bị loét niêm mạc mồm, mũi, ỉa chảy, sau đó ỉa lỏng giảm dần, bắt đầu xuất hiện những mụn nhỏ như đầu kim tập trung thành từng mảng ở những chỗ da mềm như: bẹn, nách, cạnh vú... Mụn đỏ, có mủ, sau vài ngày vỡ ra, đóng vảy. Vảy tróc ra, làm bong từng mảng thượng bì, để lộ nội bì tụ máu đỏ.

Ở nước ta đã phát hiện trâu, bò bị bệnh thể ngoài da (Yên Dũng, Hà Bắc năm 1952), thể này cũng nhẹ, thỉnh thoảng mới gặp./.