00:00 Số lượt truy cập: 2692095

Trồng ớt vụ xuân hè 

Được đăng : 03/11/2016

Vụ xuân hè là vụ trồng có tiềm năng năng suất cao với nhiều giống ớt. Song, việc chăm sóc và bảo vệ thực vật cho cây ớt ở vụ này cần phải rất cẩn trọng mới nhằm mang lại một kết quả khả quan với tiềm năng vốn có của vụ trồng.


Ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Huế và Duyên hải Nam trung bộ, người dân chủ yếu trồng giống ớt chìa vôi. Giống có thời gian sinh trưởng 115 - 120 ngày, cây cao 40 - 45 cm, cây có 4-5 cành. Mỗi cây có 40 - 45 quả. Năng suất trung bình đạt 10 - 13 tấn/ha. Hàm lượng chất khô 18%.

Ớt chìa vôi có số quả/cây nhiều, quả to >10g/quả, màu quả đẹp, chất lượng tốt nhưng bị bệnh thán thư từ trung bình đến nặng, virus và nhện trắng hại nặng.

Ớt thích hợp nhiệt độ cao từ 25-300C, do đó nên bố trí trồng vụ xuân hè sẽ cho năng suất cao. Gieo hạt từ tháng 1-2 trồng tháng 2-3 thu hoạch tháng 4-5 đến tháng 6 tháng 7

1. Chọn và làm đất:

- Chọn đất thoát nước tốt, có cơ cấu thoáng xốp như: đất cát pha, đất thịt pha sét, đất phù sa ven sông và đất canh tác lúa. Đất không hoặc ít nhiễm phèn mặn, có hàm lượng dinh dưỡng khá, pH đất thích hợp 5,5-6,5.

- Có nguồn nước tưới tốt và giao thông vận chuyển sản phẩm thuận tiện.

- Đất: được cày bừa kỹ sâu 20-25cm, phơi ải 10-15 ngày.

- Luống: đánh cao thấp tuỳ mùa vụ: mùa mưa luống cao 25-30cm, mùa khô luống cao 20 - 25 cm, mặt luống rộng 40-50cm (trồng một hàng) rãnh rộng 40- 50cm; trồng hàng đôi mặt luống rộng 1- 1,2cm.

2. Ươm và trồng cây

Để tiết kiệm hạt giống, công chăm sóc cây giai đoạn đầu và tăng độ đồng đều cây, cần sản xuất cây con trong khay xốp hoặc khay nhựa có kích thước 60 ´ 45 cm với 40 hốc/khay.

Vật liệu làm bầu gồm 40% đất, 30% trấu hun hoặc mùn mục và 30% phân chuồng mục. Các thành phần trên được trộn đều, loại bỏ rơm, rác, vật rắn sau đó đổ đầy các hốc trên khay, ấn nhẹ rồi xếp khay trên giá cao cách mặt đất ít nhất 50 cm trong nhà lưới có che mái bằng vật liệu sáng (nylon hoặc tấm nhựa trắng).

Tiêu chuẩn cây giống tốt: cây cứng cáp, đốt sít, mập, lùn. Cây có 5 - 6 lá thật thì nhổ trồng. Sau khi gieo hạt 30-35 ngày trong vụ đông và 45 -50 ngày trong vụ xuân cây con sẽ đạt tiêu chuẩn xuất vườn. Trước khi trồng 7 ngày tưới ít nước và cho cây ra ngoài nắng để luyện cho cây cứng cáp, khi đem đi trồng cần tưới đẫm nước.

3. Chăm sóc và bón phân:

Sau khi gieo hạt hoặc trồng cây con, cần tưới ẩm và che nắng lúc cây con chưa bén rễ. Sau khi trồng 20-25 ngày tiến hành làm cỏ kết hợp vun gốc cho cây.

Lượng phân chuồng cho 1 ha là 20 - 25 tấn phân chuồng mục - tốt nhất là phân gia cầm dùng bón lót, chỉ sử dụng phân chuồng ủ mục, tuyệt đối không dùng phân tươi.

Kali khá quan trọng vì nó quyết định độ cay của ớt.

Liều lượng nguyên chất phân hóa học bón cho 1ha theo từng giai đoạn như sau:

Bón lót: Toàn bộ phân chuồng hoai mục; 20 %N; 100 %P2O5; 20 K2O

Bón thúc lần 1: Sau khi cây bén rễ hồi xanh: 20 %N; 20 K2O

Bón thúc lần 2: khi cây ra hoa rộ:30 %N; 30 K2O

Bón thúc lần 3: Sau khi thu quả đợt đầu: 30 %N; 30 K2O

Chú ý: Nếu không có phân chuồng hoai mục có thể thay thế bằng phân hữu cơ sinh học với lượng cần dùng là 1000 - 3000 kg/ha

Sau khi trồng cần tưới đủ ẩm cho cây. Thường xuyên tỉa bỏ lá già ở gốc và lá bệnh để tạo độ thông thoáng cho cây, hạn chế nơi cư trú của sâu bệnh hại. Trước khi cây ra hoa tiến hành tỉa cành, mỗi cây chỉ để 3-4 cành.

4. Sâu bệnh gây hại

Cần chú ý phòng trừ 1 số bệnh thường gặp trên cây ớt như: Bệnh thán thư; bệnh sương mai; bệnh héo rũ; nhện trắng; rệp.

5. Thu hoạch:

Ớt cay có thời gian ra hoa và tạo quả dài nên thời gian thu hoạch cũng rất dài, có giống tới 100- 120 ngày. Những quả chín nên hái ngay để không ảnh hưởng đến hoa và quả đang lớn. Hái cả cuống, nếu nghiền bột thì sau khi thu đem phơi nắng ngay. Nếu gặp mưa kéo dài, cần phải sấy để ớt không bị mốc, giảm phẩm chất./.