Kỹ thuật ủ phân xanh: Cần có phân men là phân chuồng tươi (tỷ lệ 15-20%) và một trong các loại phân, chế phẩm vi sinh: Phân vi sinh Sông Gianh tỷ lệ 3-5%, chế phẩm EM, Penac PR hoặc Bio-Plant (tỷ lệ như phần trên). Thân lá cây xanh được chặt ngắn thành đoạn dài 30-40 cm, nên phơi héo để giảm thể tích, chất thành từng lớp dày 0,5-0,6 m rắc một lớp phân men, tưới thêm nước giải, nước phân chuồng bảo đảm độ ẩm đống phân 75-80%, nén chặt. Sau đó trát kín toàn bộ đống phân bằng một lớp bùn nhão, có để lỗ tưới nước ở đỉnh đống phân, cứ khoảng 15-20 ngày lại tưới bổ sung nước để duy trì độ ẩm sau đó trát kín lại. Khoảng 35-40 ngày sau ủ ta tiến hành đảo đều đống phân, bổ sung nước cho đủ ẩm, lại nén chặt, trát bùn kín, sau khoảng 25-30 ngày nữa là phân hoàn toàn hoai mục, sử dụng được.
Kỹ thuật ủ chìm: Chọn đất nơi cao ráo, đào hố ủ sâu: 1,0-1,5 m, đường kính hố ủ: 1,5-3 m (tuỳ lượng phân cần ủ). Đáy và phần chìm của hố ủ được lót bằng ni-lông hay lá chuối tươi để chống nước ngầm xâm nhập hoặc nước phân chảy đi. Tiến hành ủ phân chuồng, phân bắc, phân xanh vào hố đã chuẩn bị, như đã trình bày ở phần trên.
Chất lượng phân ủ đạt yêu cầu, phân tơi xốp, có màu nâu đen không còn mùi hôi, đem bón trực tiếp phân ủ cho cây trồng với lượng 5-10 tạ/sào Bắc Bộ 360 m2, có thể dùng bón lót hoặc bón thúc đều rất tốt.