00:00 Số lượt truy cập: 3227294

Ứng dụng kỹ thuật canh tác bền vững trên đất dốc 

Được đăng : 03/11/2016

TS. Lê Quốc Doanh - Viện trưởng Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đưa ra con số đã được các nhà khoa học của Viện này tính toán: với mỗi ha đất ở độ dốc khoảng 30 độ, nếu canh tác theo kiểu đốt nương, cuốc đất, làm rẫy (hay còn gọi là kiểu canh tác "cạo trọc đầu") thì mỗi năm lượng đất bị xói mòn, rửa trôi lên đến 100 tấn. 


Theo báo cáo của Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, phần lớn diện tích đất miền núi phía Bắc có dộ dốc lớn, trong đó đất dốc dưới 15 độ chiếm 22%, đất có độ dốc từ 15-15 độ chiếm trên 16%, còn lại là đất có dộ dốc trên 25 độ. Do thiếu đất sản xuất nên nông dân các tỉnh miền núi vẫn phải canh tác trên diện tích đất có độ dốc trên 25 độ. Với độ dốc như vậy, việc xói mòn đất xảy ra rất mạnh, đất nhanh bị thoái hoá và thời gian canh tác sử dụng đất bị rút ngắn (thường chỉ sau 2-3 vụ trồng cây lương thực ngắn ngày và vài vụ trồng sắn là đất bị bỏ hoang hoá, không còn khả năng hồi phục). Hiện một diện tích không nhỏ đất ở các tỉnh như Sơn La, Phú Thọ... từ chỗ canh tác được nay đã bị rửa trôi tầng mặt trở nên không canh tác được, bỏ hoang. Nhiều diện tích đất trống, đồi núi trọc ở các tỉnh miền núi chính là hậu quả của một thời gian canh tác bừa bãi. Đã có thời gian, diện tích loại đất trống, đồi núi trọc có diện tích lên tới hơn 10 triệu ha (chiếm gần 30% diện tích đất tự nhiên của cả nước). Trong nhiều năm gần đây, do sức ép gia tăng dân số, gia tăng nhu cầu mở rộng diện tích đất sản xuất nên người dân vẫn phải khai thác và sản xuất trên diện tích đất dốc. Tuy nhiên, với loại hình đất nhạy cảm này, việc canh tác không đúng kỹ thuật, không quan tâm tới việc duy trì và cải thiện môi trường đất khiến cho nguồn tài nguyên này lại tiếp tục rơi vào tình trạng thoái hoá.
Gắn bó với địa bàn miền núi, trong nhiều năm qua, các nhà khoa học của Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã nghiên cứu các kỹ thuật canh tác trên đất dốc, trong đó tập trung vào các biện pháp canh tác có che phủ gốc, chống xói mòn; làm ruộng bậc thang, tiểu bậc thang hoặc canh tác theo mô hình đường đồng mức... Tại diễn đàn Khuyến nông @ Công nghệ với chủ đề "Canh tác bền vững trên đất dốc" do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quốc gia phối hợp với Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc tổ chức mới đây, rất nhiều mô hình canh tác bền vững trên đất dốc đã được giới thiệu tới các nhà quản lý, các cán bộ khuyến nông và nông dân các địa phương. Nhiều mô hình ứng dụng các biện pháp này đã được Viện phối hợp cùng các địa phương triển khai với nhiều loại cây trồng như mô hình trồng cây ăn quả kết hợp cây lương thực ngắn ngày, cây thức ăn gia súc và cây cải tạo đất; mô hình trồng cao su xen ngô, đậu đỗ, mô hình trồng cỏ chăn nuôi trong vườn cây ăn quả, trong rừng mới trồng, mô hình cao su xen chè... Đặc biệt, nhiều loại thực vật cải tạo đất như cây lạc lưu niên (lạc dại), đậu mèo, đậu kiếm hay các vật liệu che phủ đất như cỏ guột tế, tàn dư cây trồng như thân ngô, lá mía, thân lá đậu đỗ... đã được Viện nghiên cứu và đưa vào thử nghiệm với các mô hình canh tác trên đất dốc có che phủ đất vừa giảm được độ xói mòn, tăng độ phì nhiêu của đất, đồng thời hạn chế cỏ dại và tăng tác động của phân bón đối với cây trồng. Các mô hình này đều mang lại những kết quả khả quan, vừa đảm bảo tăng năng suất cây trồng, vừa có tác dụng bảo vệ tài nguyên đất bền vững.

Tuy nhiên, vấn đề các nhà khoa học trăn trở vẫn là việc làm thế nào để các mô hình này được triển khai và áp dụng rộng rãi ở các địa phương. Theo TS. Lê Quốc Doanh, xuất phát từ thực tiễn đặc tính đất đai ở từng vùng, từng khu vực khác nhau, trình độ và tập quán của mỗi dân tộc ở miền núi cũng không giống nhau nên các mô hình canh tác trên đất dốc đã được nghiên cứu rất đa dạng với mục đích để nông dân có sự lựa chọn phù hợp, dễ ứng dụng vào sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế, diện tích áp dụng các mô hình này còn quá nhỏ so với tiềm năng và yêu cầu của sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Vì vậy, để các mô hình này được đưa vào sản xuất, các địa phương cần có cơ chế khuyến khích nông dân ứng dụng các biện pháp bảo vệ và nuôi dưỡng nguồn tài nguyên đất dốc.

TS. Lê Quốc Doanh cũng cho rằng, thay đổi tập quán sản xuất của đồng bào là vấn đề không đơn giản. Tuy nhiên, các địa phương, cơ quan khuyến nông nên đi từ những biện pháp đơn giản như sử dụng chính thân cây ngô để che phủ cho đất sau mỗi vụ gieo trồng như đã từng ứng dụng rất thành công ở vùng canh tác ngô ở huyện Văn Chấn (Yên Bái). Bên cạnh đó, một số biện pháp như làm ruộng bậc thang, tiểu bậc thang tuy khó áp dụng hơn do cần sự đầu tư lớn, nhưng các địa phương cũng cần có cơ chế để thực hiện từng bước nhằm bảo vệ tài nguyên đất, đảm bảo sự phát triển bền vững cho sản xuất nông lâm nghiệp khu vực miền núi./.