Nhóm khoáng vi lượng bao gồm: sắt (Fe), đồng (Cu), mangan (Mn), coban (Co), kẽm (Zn), selen (Se), iod (I) là những nguyên liệu tốt được tiêu chuẩn hóa trong khẩu phần thức ăn gia cầm.
+ Sắt (Fe)
Sắt tham gia tạo hồng cầu, các sắc tố hô hấp mô bào oxydaza, peroxidaza, myoglobin của tế bào có vân. Fe tham gia thành phần các axit amin chứa lưu huỳnh, axit béo, các vitamin tiamin, biotin, tham gia tạo cơ, da, lông.
Thiếu sắt gây bệnh thiếu máu, chân mỏ gà con nhợt nhạt, gà mái lông xù, mào tái, đẻ giảm.
Ở gà các lứa tuổi, sắt trong thức ăn 88mg/kg.
+ Đồng (Cu)
Đồng tham gia tạo các enzym oxy hóa, cho nên có quan hệ đến quá trình hô hấp của mô bào. Cu làm tăng hấp thu Fe để tạo hemoglobin của hồng cầu, cho nên bổ sung Fe là phải bổ sung đủ Cu. Đồng tham gia tạo sắc tố đen, thiếu đồng da gà nhợt nhạt, lông mất màu, bởi vì đồng thiếu làm giảm men tirosinaza có chứa đồng là loại men xúc tác tạo sắc tố melamin làm ảnh hưởng đến tạo melamin ở biểu bì da, lông và bị mất màu, làm vỏ trứng nhẵn bóng.
Thiếu đồng trong thức ăn làm giảm hấp thu sắt, các thớ thịt bị tối xen lẫn màu sáng vì cả đồng và sắt, lông biến màu, rối loạn về xương, lớn chậm, rụng lông, vỏ trứng mỏng.
Ở gà các loại, Cu trong thức ăn 11mg/kg.
+ Kẽm (Zn)
Kẽm tham gia vào quá trình trao đổi lipid, hydratcarbon, điều hòa chức năng sinh dục và tạo máu. Zn cần cho sức đẻ trứng, tăng tỷ lệ có phôi, cho phát triển lông, cho hình thành enzyme, cho sự tạo hoạt của tuyến giáp, bảo vệ mắt và da. Men Phosphat kiềm chứa kẽm có tác dụng làm tích tụ muối phosphat, carbonat ảnh hưởng đến cấu tạo xương và vỏ trứng.
Thức ăn thiếu kẽm gây giảm sinh trưởng và phát triển lông, giảm hoàn thiện xương, khớp sưng, phôi gà chậm phát triển, nở thấp, gây hiện tượng “Koratoris” - tích nhiều ceratin trên da làm cho da cứng lại kém đàn hồi, giảm tính thèm ăn, còn gây rối loạn trao đổi đường.
Ở gà con dưới 4 tuần tuổi kẽm trong thức ăn 44mg/kg, gà sau 4 tuần 33 mg/kg.
+ Mangan (Mn)
Mangan ảnh hưởng đến trao đổi canxi, phospho, cần cho phát triển bình thường của bộ xương, cấu tạo vỏ trứng, trao đổi protein, hoạt hóa các enzyme.
Thiếu Mn trong thức ăn gây cho gà bệnh vẹo xương, nhất là cổ vẹo, làm giảm men phosphataza trong máu và xương, ảnh hưởng đến cốt hóa, sưng khớp, mỏng vỏ trứng, đẻ giảm, chết phôi tăng, làm ấp nở giảm, gà con chân yếu, đi khuỳnh.
Ở gà các lứa tuổi, Zn cần 55mg/kg thức ăn.
+ Selen (Se)
Selen có vao trò trong trao đổi và hấp thụ vitamin E, phòng bệnh tiêu chảy.
Thiếu selen, làm giảm tốc độ sinh trưởng, kiềm chế sử dụng vitamin E, giảm đẻ, giảm tỷ lệ phôi và ấp nở, hạn chế thành thục sinh dục, gà trống đạp mái kém.
Ở gà con, gà dò, Se trong thức ăn 0.1-0.15mg/kg, gà đẻ 0.15 mg/kg thức ăn.
+ Coban (Co)
Coban là nguyên tố rất quan trọng cho cấu tạo vitamin B12, cho nên có vai trò kích thích tạo máu. Thiếu Co dẫn đến thiếu vitamin B12, làm giảm đồng hóa protein, hydratcarbon, giảm trao đổi năng lượng, giảm tính thèm ăn.
Co có nhiều trong thức ăn nguồn đồng vật hơn nguồn thực vật.
+ Iod (I)
Iod tập trung đến 90% ở tuyến giáp trạng, một phần nhỏ ở tim, gan, thận. Iod duy trì chức năng của tuyến giáp, thông qua tham gia sản xuất hormone tyrozin, mà hormone này có tác dụng điều hòa quá trình sinh trưởng, sinh sản và trao đổi chất trong cơ thể.
Thiếu Iod trong thức ăn dẫn tới hiện tượng “Goiter”, tức là làm tăng trưởng tuyến giáp trạng, dẫn đến sự tăng tiết tyrozin, làm giảm tỷ lệ đẻ, tỷ lệ ấp nở.
Iod có nhiều trong bột cá và ở dạng tổng hợp vô cơ iodua kali (KI).
Thức ăn gà con iod cần 0.37 mg/kg, gà đẻ 0.15 mg/kg./.