00:00 Số lượt truy cập: 2676086

Xã hội hóa sản xuất giống lúa ở Bình Thuận 

Được đăng : 03/11/2016
Muốn tăng năng suất cây trồng, cải thiện chất lượng nông sản, tăng hiệu quả kinh tế, thì yếu tố quyết định là phải có nguồn giống tốt. Với cây lúa cũng vậy. Biết thế, nhưng không phải người nông dân nào cũng dễ tìm được nguồn giống tốt. Ðẩy mạnh xã hội hóa (XHH) sản xuất giống lúa là cách mà Bình Thuận giúp nông dân nhanh chóng tiếp cận với giống tốt và cũng chính từng hộ nông dân trực tiếp nhân rộng các nguồn giống này.

Thiếu nguồn giống chất lượng tốt

Năm 2007, Bình Thuận đạt sản lượng lúa gần 435 nghìn tấn, tăng hơn năm 2006 gần 74 nghìn tấn, dù tổng diện tích gieo trồng ba vụ cũng tương đương nhau (hơn 96.400ha). Ngoài yếu tố thời tiết thuận lợi, sản lượng lúa tăng chủ yếu nhờ tăng năng suất. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Bình Thuận, năng suất lúa bình quân cả năm 2007 đạt hơn 45 tạ/ha, tăng so với năm 2006 hơn bảy tạ/ha. Năng suất tăng chủ yếu do yếu tố giống quyết định.

Ngoài các giống lúa quen thuộc lâu nay như ML 48, TH 6..., năm qua, nhiều địa phương ở Bình Thuận đã đưa vào gieo trồng các giống lúa mới như ML 214, ML 211, IR 50404, OM 4498, MTL 384 và đã chứng tỏ nhiều ưu thế. Tất nhiên, để có thêm nguồn giống tốt phục vụ gieo trồng, việc nhân giống phải đi trước một bước. Trung tâm Giống cây trồng là đơn vị được Sở NN-PTNT Bình Thuận giao nhiệm vụ chính trong khâu này. Năm qua, Trung tâm đã sản xuất và cung ứng hơn 1.500 tấn lúa giống, tăng so năm 2006 hơn 400 tấn, trong đó giống lúa nguyên chủng đạt gần 450 tấn.  Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Bình Thuận Nguyễn Văn Bình cho biết: "Năm qua, Trung tâm đã cung ứng gần 100 tấn lúa giống nguyên chủng phục vụ chương trình XHH sản xuất giống lúa của tỉnh, đồng thời tiếp tục ký kết hợp đồng với nhiều hộ nông dân, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp gieo trồng 176ha và đã thu mua gần 900 tấn lúa xác nhận".

Cùng với Trung tâm Giống cây trồng, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, các địa phương, HTX nông nghiệp ở Bình Thuận cũng đã tích cực thực hiện chương trình XHH sản xuất giống lúa, đưa diện tích sản xuất lúa xác nhận  lên hơn 933ha. Nhờ đó, đã có thêm nguồn giống tốt cung ứng cho nông dân gieo trồng và chính đây là yếu tố giúp cho năng suất, sản lượng lúa tăng cao.

Tuy nhiên, nếu so với nhu cầu giống lúa cần sử dụng khoảng từ 16 - 18 nghìn tấn, thì tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận để gieo cấy trong năm qua ở Bình Thuận chỉ mới đạt khoảng 35%. Do vậy, còn nhiều hộ nông dân phải tự lấy lúa từ sản xuất đại trà (lúa "thịt") để làm giống cho vụ sau, dẫn đến bị nhiễm sâu bệnh, thoái hóa. Không ít bà con mua phải giống kém chất lượng trôi nổi trên thị trường, làm cho chi phí đầu tư sản xuất tăng cao, nhưng năng suất, hiệu quả kinh tế lại thấp. Nguyên nhân chính của sự bất cập này chủ yếu do việc tổ chức sản xuất và kinh doanh giống cây trồng, trong đó có giống lúa, của Bình Thuận chưa được quy hoạch lâu dài, chưa thành hệ thống chặt chẽ, nên việc quản lý hết sức khó khăn.

Nhiều ưu đãi cho sản xuất lúa giống

Tính về hiệu quả kinh tế, thì giống là biện pháp chủ yếu trong bốn biện pháp thâm canh cây lúa. Nhu cầu về nguồn giống tốt cho gieo trồng hằng năm ở Bình Thuận còn rất lớn, do vậy, các đơn vị, cá nhân trực tiếp tham gia sản xuất giống lúa nhận được rất nhiều ưu đãi và thực tế đã thu được lợi nhuận hấp dẫn hơn nhiều so với sản xuất lúa "thịt".

Từ đầu mỗi vụ, Trung tâm Giống cây trồng (bên A) ứng trước giống nguyên chủng cho các HTX, hoặc hộ nông dân (bên B) hợp đồng nhân giống lúa xác nhận, đồng thời tạm ứng 1,5 triệu đồng/ha, đến khi thu hoạch, mới thu hồi các nguồn ứng trước. Khi thu hoạch, bên A thu mua lúa tươi sau khi tuốt ngay tại ruộng với giá bằng giá thị trường tại thời điểm đó. Hợp đồng giữa HTX với các hộ xã viên sản xuất lúa xác nhận còn ưu đãi hơn. Anh Hồ Lo, Phó Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Long Ðiền I, thị trấn Liên Hương (huyện Tuy Phong, Bình Thuận), cho biết: Ngoài việc được Nhà nước hỗ trợ 40% giá giống nguyên chủng, HTX còn hỗ trợ tối đa cho bà con xã viên từ khâu làm đất đến việc cung ứng vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. HTX thu mua toàn bộ sản phẩm của xã viên cao hơn 500 đồng/kg so với giá thị trường tại thời điểm thu họach. "Sau khi thu hoạch, nếu bị mưa, lúa không đạt tiêu chuẩn làm giống, HTX sẽ hỗ trợ cho xã viên 300.000 đồng/ha, tương đương với 10 công của bà con đã bỏ ra trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, hộ sản xuất giống còn được hưởng 10% từ lợi nhuận làm dịch vụ giống của HTX" - anh Hồ Lo cho biết thêm.

Với ưu đãi như vậy, nên xã viên HTX nông nghiệp Long Ðiền I tham gia sản xuất giống ngày càng nhiều. Bắt đầu sản xuất giống từ vụ hè thu 2004 chỉ với ba ha, đến năm 2007, HTX nông nghiệp Long Ðiền I đã đưa diện tích sản xuất giống lên 23 ha ở cả ba vụ và đã nhập kho hơn 67 tấn lúa xác nhận. Vụ đông xuân 2007-2008 này, HTX  tiếp tục hợp đồng với xã viên sản xuất lúa xác nhận 17ha và dự kiến trong năm 2008 khoảng 30ha. Dĩ nhiên, lợi nhuận là yếu tố chính thu hút xã viên tích cực tham gia nhân giống lúa. Anh Nguyễn Hữu Chính, đội 2, HTX nông nghiệp Long Ðiền I, ký hợp đồng sản xuất 7,4 sào lúa xác nhận trong vụ mùa 2007, khi thanh lý hợp đồng, đã thu lãi gần chín triệu đồng. Anh Phan Ngọc Sơn ở thôn Hội Nhơn, xã Hàm Chính (huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận), cho biết thêm: "Tiền lãi bình quân của một sào lúa xác nhận cao hơn lúa "thịt" khoảng một triệu đồng. Nhờ vậy, đời sống của nhiều hộ nông dân địa phương được cải thiện đáng kể từ khi ký hợp đồng sản xuất lúa xác nhận với Trung tâm Giống cây trồng Bình Thuận".

Tất nhiên, để có được lợi nhuận hấp dẫn như vậy, các đơn vị, cá nhân tham gia sản xuất lúa xác nhận cũng phải bỏ ra nhiều công sức so với làm lúa "thịt". Theo hợp đồng ký kết, Trung tâm Giống cây trồng Bình Thuận không thu mua sản phẩm của bên B nếu không tuân thủ các hướng dẫn kỹ thuật canh tác, khử thải lúa lẫn và các nguyên nhân chủ quan khác làm ảnh hưởng chất lượng lúa giống khi thu hoạch.

Ðáp ứng đầy đủ hơn nguồn giống chất lượng tốt

Khắc phục những bất cập trong khâu cung ứng và sản xuất giống, Trung tâm Giống cây trồng Bình Thuận đã xây dựng đề án XHH giống cây trồng giai đọan 2008-2010, trọng tâm vẫn là giống lúa. Dự kiến diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh năm 2008 là 97.500ha, năm 2010 là 104.700ha, cần lượng giống tương ứng là 15.600 tấn và 16.752 tấn. Mục tiêu của đề án là nâng dần tỷ lệ cung ứng giống lúa xác nhận phục vụ gieo trồng đại trà ở từng năm. Cụ thể, năm 2008 là 50%, năm 2009 nâng lên 60% và đến năm 2010 bảo đảm cung ứng được 70% nhu cầu. Tỷ lệ này tương ứng với lượng lúa giống xác nhận: 7.800 tấn, 9.792 tấn và 11.726 tấn.

Từ thực tế hơn sáu năm qua, cách nhanh nhất để đạt được kết quả như mong muốn là đẩy mạnh hơn nữa chương trình XHH sản xuất giống lúa. Bình Thuận dự kiến bố trí diện tích sản xuất lúa xác nhận khoảng 6.000ha trong ba năm tới, bình quân 2.000ha/năm. Những chân ruộng chủ động tưới, tiêu nước sẽ được ưu tiên tham gia chương trình này. Ngoài những vùng lâu nay đã thực hiện việc nhân giống, sẽ mở rộng thêm diện tích sản xuất lúa xác nhận đến các huyện Hàm Thuận Nam, Tánh Linh và Ðức Linh. Cùng với đó, áp dụng triệt để hơn các yêu cầu kỹ thuật cần thiết để bảo đảm chất lượng lúa giống. Những HTX hoặc hộ nông dân tham gia sản xuất lúa xác nhận phải am hiểu, nắm bắt và thực hiện, chỉ đạo được quy trình thâm canh sản xuất lúa giống. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống lúa phải bảo đảm về sân phơi; thiết bị sấy, phân lọai hạt giống, đồng thời phải có bao bì, nhãn hiệu và bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Nhà nước. Lượng lúa giống xác nhận do các hộ nông dân sản xuất, chủ yếu cung ứng cho các hộ sản xuất đại trà trong địa bàn huyện, nếu bán cho huyện khác, hoặc xuất khỏi tỉnh, phải thông qua đơn vị có chức năng sản xuất, kinh doanh giống.

Ðể thực hiện đề án trên, dự kiến trong ba năm, ngân sách tỉnh Bình Thuận sẽ hỗ trợ giá giống nguyên chủng hơn 2,1 tỷ đồng. Hằng năm, Trung tâm Giống cây trồng xét chọn cho mỗi vùng từ một đến hai giống chủ lực; ba, bốn giống bổ sung để sau năm, sáu vụ sau có nguồn giống thay thế hiệu quả. Cùng với đó, tăng cường công tác xây dựng, củng cố hệ thống sản xuất, kinh doanh giống và đẩy mạnh hơn nữa việc quản lý chất lượng giống trên địa bàn tỉnh.

Khi người trồng lúa tiếp cận nhanh với nguồn giống tốt, giá rẻ, thì hiệu quả sản xuất được nâng lên rõ rệt. Ðẩy mạnh XHH sản xuất giống lúa như Bình Thuận đang thực hiện là cách làm hiệu quả, giúp bà con nông dân có thêm thu nhập từ mảnh ruộng của mình.